Công văn 1030/NHCS-TD giải đáp vướng mắc tại lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng năm 2007 do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

Số hiệu 1030/NHCS-TD
Ngày ban hành 08/06/2007
Ngày có hiệu lực 08/06/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Hà Thị Hạnh
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1030/NHCS-TD
V/v: giải đáp vướng mắc tại các lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng năm 2007

Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 2007

 

Kính gửi: Ông (bà) Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố

Trong tháng 4/2007, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã ban hành một số văn bản mới về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007, Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007, Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007; Quyết định số 212/2007/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi, thay thế một số văn bản nghiệp vụ tín dụng hiện hành về: cho vay hộ nghèo, nghiệp vụ uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức và hoạt động của Tổ giao dịch lưu động tại xã; đồng thời đã tổ chức các lớp tập huấn tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để phổ biến nội dung của các văn bản mới ban hành cho NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện.

Tại các lớp tập huấn này, các chi nhánh có ý kiến đưa ra một số vướng mắc cần được giải đáp. Để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện tốt nội dung các văn bản này, Tổng giám đốc NHCSXH nêu rõ một số vấn đề sau:

I. Về thực hiện chính sách tín dụng

1. Lãi suất cho vay hộ nghèo

- Lãi suất cho vay đối với hộ nghèo kể từ ngày 01/7/2007 sẽ áp dụng 01 mức lãi suất thống nhất trên phạm vi cả nước theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ số 593/TTg-KTTH ngày 15/5/2007 V/v điều chỉnh lãi suất cho vay hộ nghèo. Từ nay đến ngày 30/6/2007 vẫn áp dụng 02 mức lãi suất cho vay theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ số 1212/TTg-KTTH ngày 24/8/2005 là: mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo cư trú tại các xã thuộc khu vực I, II là 0,65%/tháng và mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo cư trú tại các xã thuộc khu vực III, xã đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 của Chính phủ là 0,6%/tháng.

- Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các xã thuộc vùng khó khăn bao gồm các xã vùng II, vùng III, các xã đặc biệt khó khăn theo chương trình 135. Vì vậy từ nay đến ngày 30/6/2007, mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo được thụ hưởng mức ưu đãi loại 0,6%/tháng phải căn cứ vào danh mục các xã thuộc vùng III, các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 theo các Quyết định cũ trước đây, không căn cứ vào danh mục các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành.

- Đối với các xã đã ra khỏi chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi cho vay hộ nghèo ở vùng này đến hết ngày 30/6/2007 vẫn áp dụng mức lãi suất cho vay 0,6%/tháng.

2. Đối tượng khách hàng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 31, 32, 33 của Thủ tướng Chính phủ:

- Đối tượng khách hàng được vay vốn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Trường hợp người vay có hộ khẩu ở nơi không thuộc vùng khó khăn nhưng đến tạm trú và thực hiện sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được UBND cấp xã xác nhận cư trú hợp pháp thì thuộc đối tượng được vay vốn chương trình này.

- NHCSXH chỉ cho vay đối với các hộ gia đình cư trú hợp pháp theo danh mục các xã vùng khó khăn thuộc Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tại các địa phương có các xã khó khăn nhưng không nằm trong danh mục theo Quyết định 30 thì UBND tỉnh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH không có thẩm quyền để xem xét các xã thuộc danh mục nêu trên.

- Hộ dân tộc thiểu số vay vốn theo Quyết định số 32 phải được UBND cấp xã xác nhận, UBND cấp xã đối chiếu giữa danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn do Tổ TK&VV, các tổ chức chính trị - xã hội bình xét với danh sách hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của xã đã được UBND cấp huyện phê duyệt. NHCSXH cho vay theo danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn theo mẫu số 03/TD đã được UBND xã phê duyệt. Trường hợp, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trước đây đã vay vốn hộ nghèo, nay thuộc diện vay vốn theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ thì hộ dân tộc thiểu số đó được vay vốn theo Quyết định số 32 để trả lại vốn vay hộ nghèo trước đây đã vay. Trường hợp, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn trên mức tối đa 5 triệu đồng theo Quyết định số 32 và được Tổ TK&VV, tổ chức chính trị - xã hội xem xét hộ đó có khả năng sản xuất, kinh doanh và trả được nợ gốc, lãi đúng hạn thì vẫn được NHCSXH cho vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo theo quy định hiện hành.

3. Hiện nay, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo theo chương trình cho vay hộ nghèo được quy định đến 30 triệu đồng/hộ. Hộ nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh và được vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt cụ thể là: Sửa chữa nhà ở, điện thắp sáng, cho con đi học phổ thông, nước sạch. Tổng mức vay của các nhu cầu của một hộ nghèo (gồm cả sản xuất kinh doanh và sinh hoạt) thuộc chương trình cho vay hộ nghèo không vượt quá 30 triệu đồng ở mọi thời điểm. Ngoài ra, hộ nghèo được nhận vốn vay để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách khác như: xuất khẩu lao động; chi phí học tập cho con theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, nhà ở thuộc vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long … theo các điều kiện và quy định của các chương trình này.

4. Thực hiện nội dung Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH chỉ thực hiện duy nhất một biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay khi cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đối với các khoản vay trên 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngân hàng nơi cho vay không giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc thực hiện các hình thức bảo đảm tiền vay khác.

5. Xác định giá trị tài sản bảo đảm tiền vay

- Tài sản bảo đảm tiền vay được xác định giá trị tại thời điểm ký kết Khế ước nhận nợ kiêm cam kết bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay bổ sung (mẫu số 05A).

- Giá trị tài sản bảo đảm tiền vay do NHCSXH và người vay thoả thuận trên cơ sở giá thị trường và giá tính theo định mức kinh tế kỹ thuật của nhà nước (nếu có) hoặc theo giá mua thực tế của tài sản, có thể tham khảo giá quy định của nhà nước (nếu có), giá mua, giá trị còn lại trên sổ sách kế toán và các yếu tố khác về giá. Trường hợp cần thiết có thể thuê tổ chức tư vấn, tổ chức chuyên môn xác định giá trị tài sản bảo đảm tiền vay, chi phí thuê do người vay trả.

6. Các trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm:

- Tài sản hình thành từ vốn vay mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu như: đất (quyền sử đất), nhà, tàu bay, tàu biển...

- Tài sản hình thành từ vốn vay là rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.

- Tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.

- Các tài sản hình thành từ vốn vay khác nếu cá nhân, tổ chức có yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.

7. NHCSXH chi trả tiền thù lao cho UBND cấp xã mỗi xã 01 định suất tính theo tháng theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện nay, mức chi 01 định suất là 80.000 ngàn đồng/tháng. Việc chi tiền thù lao cho ai là do UBND cấp xã quyết định. NHCSXH căn cứ vào văn bản của UBND cấp xã có tên người được nhận khoản thù lao này để lập phiếu chi tiền thù lao cho cán bộ xã.

8. Về các tiêu chí kỹ thuật để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cho từng loại công trình theo từng khu vực, vùng. Giá thành công trình của các khu vực có thể khác nhau (có thể đến 10 triệu đồng hoặc 15 triệu đồng hoặc cao hơn nữa). NHCSXH chỉ cho vay hỗ trợ mỗi công trình tối đa 4 triệu đồng, mỗi hộ tối đa 8 triệu đồng cho 02 loại công trình, phần còn thiếu hộ gia đình phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn khác. NHCSXH không được đưa ra tiêu chí xây dựng cho mỗi loại công trình chỉ 4 triệu đồng.

II. Về quy trình, thủ tục và hồ sơ cho vay

1. Người vay vốn khi làm thủ tục vay vốn NHCSXH hoặc khi nhận tiền vay phải có Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc phải có xác nhận của UBND cấp xã. Trường hợp, người vay vốn là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện làm CMND, chưa có xác nhận của UBND cấp xã thì có thể được sử dụng ảnh để thay thế dán vào vị trí góc trái trên cùng của trang 1 Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD). Về lâu dài nên vận động người vay làm CMND để sử dụng trong quan hệ vay vốn NHCSXH.

2. NHCSXH áp dụng phương thức cho vay từng lần, nghĩa là người vay phải trả hết nợ lần trước, nếu tiếp tục là đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng mới được vay tiếp lần sau. Số tiền được vay lần sau có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn phụ thuộc vào nhu cầu của người vay và khả năng đáp ứng của NHCSXH.

2.1. Hiện nay, NHCSXH chỉ cho phép áp dụng cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp người vay bị rủi ro bất khả kháng do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn... để người vay có điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

[...]