Công văn 1011/TĐC-ĐL năm 2017 thay thế Công văn 1693/TĐC-ĐL hướng dẫn Thông tư 28/2013/TT-BKHCN do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành

Số hiệu 1011/TĐC-ĐL
Ngày ban hành 09/05/2017
Ngày có hiệu lực 09/05/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
Người ký Trần Văn Vinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1011/TĐC-ĐL
V/v thay thế Công văn số 1693/TĐC-ĐL ngày 08/9/2014 về việc hướng dẫn một số nội dung của Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2017

 

Kính gửi:

- Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố;
- Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố.

Ngày 17/12/2013, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về đo lường (viết tắt là thông tư số 28). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đã ban hành Công văn số 1693/TĐC-ĐL ngày 08/9/2014 hướng dẫn một số nội dung của Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN. Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (viết tắt là Thông tư 15) thay thế Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN quy định quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2016. Để thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư 15 và Thông tư 28, Tổng cục hướng dẫn chi tiết thêm một số nội dung như sau:

I. Đoàn kiểm tra và việc lập biên bản vi phạm hành chính

1. Về đoàn kiểm tra

a) Trưởng đoàn quy định tại Khoản 4, cán bộ kỹ thuật quy định tại Điểm a Khoản 5 và người của cơ quan thực hiện kiểm tra quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 5 của Thông tư 28 phải có chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức. Các khóa đào tạo nghiệp vụ này hiện đang được Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Tổng cục tổ chức thực hiện theo thông báo kế hoạch đã gửi tới Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố;

b) Thành viên đoàn kiểm tra là người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên khoa học và công nghệ, công an, quản lý thị trường, người của cơ quan, tổ chức khác được cử tham gia đoàn kiểm tra không bắt buộc phải có chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường;

c) Tùy thuộc vào nội dung kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra quyết định số lượng thành viên đoàn kiểm tra. Trường hợp nội dung kiểm tra đơn giản và đối tượng kiểm tra không nhiều (ví dụ: kiểm tra cân đồng hồ lò xo được sử dụng tại một chợ nông thôn trên địa bàn xã), đoàn kiểm tra có thể chỉ cần 01 thành viên đáp ứng yêu cầu quy định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra;

d) Thành viên đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo phân công, lập phiếu kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra đã thực hiện.

Phiếu kết quả kiểm tra phải có chữ ký, ghi rõ họ và tên của thành viên thực hiện kiểm tra và có các nội dung chính sau đây:

- Quyết định thành lập đoàn kiểm tra;

- Họ tên thành viên thực hiện kiểm tra;

- Ngày, tháng, năm, địa điểm kiểm tra;

- Đối tượng kiểm tra;

- Cơ sở được kiểm tra;

- Kết quả kiểm tra (ghi kết quả từng bước kiểm tra);

- Kết luận.

đ) Trường hợp kết quả kiểm tra được kết luận là không phù hợp, Trưởng đoàn kiểm tra xem xét, quyết định lập biên bản kiểm tra về đo lường (theo Mẫu 5. BBKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 28) hoặc biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.

2. Lập biên bản vi phạm hành chính

a) Biên bản vi phạm hành chính theo Mẫu 11. BBVPHC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 28;

b) Trường hợp người có yêu cầu ký tên vào biên bản vi phạm hành chính không có mặt hoặc không ký vào biên bản thì người lập biên bản vi phạm hành chính xử lý theo quy định tại Điều 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

II. Kiểm tra đối với phương tiện đo (quy định tại Tiết c.1 Điểm c và Điểm d Khoản 6 Điều 10 hoặc tại Khoản 1 Điều 19 và Điểm a Khoản 4 Điều 20 của Thông tư 28)

1. Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về việc phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, bao gồm:

a) Đối với phương tiện đo phải phê duyệt mẫu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN: Kiểm tra việc tuân thủ quy định phải phê duyệt mẫu; kiểm tra ký hiệu phê duyệt mẫu trên nhãn mác phương tiện đo; so sánh, kiểm tra các đặc tính kỹ thuật đo lường, các chi tiết, cụm chi tiết ... của phương tiện đo so với quyết định phê duyệt mẫu. Chú trọng kiểm tra, phát hiện cơ cấu, chức năng có thể tác động để làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo trong quá trình sử dụng.

Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN, quyết định phê duyệt mẫu, ký hiệu phê duyệt mẫu và hình ảnh mẫu phương tiện đo đã phê duyệt được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục tại địa chỉ: http://www.tcvn.gov.vn, chuyên mục “Hoạt động TCĐLCL”, mục“ thống kê quản lý đo lường”;

b) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định phải được kiểm định, hiệu chuẩn; sự phù hợp của chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn (dấu kiểm định, hiệu chuẩn; tem kiểm định, hiệu chuẩn; giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn); thời hạn có giá trị của chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn đã cấp.

2. Quan sát, kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về thể hiện yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản trên phương tiện đo hoặc trên nhãn hàng hóa, tài liệu kèm theo, gồm:

a) Kiểm tra yêu cầu về vị trí gắn nhãn;

b) Kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản ghi trên phương tiện đo hoặc trên nhãn, tài liệu đi kèm.

[...]