Kính gửi:
|
- Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ
Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Các Bệnh viện trực thuộc trường Đại học.
|
Ngày 27/7/2020, Ban Chỉ đạo Quốc gia
Phòng chống dịch Covid-19 đã gửi Công điện hỏa tốc số 1158/CV-BCĐQG “về việc khẩn
trương đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh”. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị
liên quan rà soát và khẩn trương thực hiện đầy đủ nội dung Công điện.
Các cơ quan quản lý chỉ đạo bệnh viện
trực thuộc áp dụng Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và
các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” được ban hành theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT
ngày 17/7/2020 để đánh giá thực trạng công tác phòng chống dịch COVID-19 và các
dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của bệnh viện.
Các bệnh viện thực hiện đánh giá và cải
tiến theo hướng dẫn sau:
1. Đối tượng áp dụng
Tất cả các bệnh viện công lập và
ngoài công lập trên toàn quốc
2. Trình tự đánh
giá
Bước 1. Ban hành quyết định
thành lập đoàn đánh giá nội bộ
Thành phần đoàn dánh giá:
- Đại diện Ban Giám đốc (Trưởng đoàn)
- Đại diện lãnh đạo khoa/phòng/ban sau:
+ Phòng Quản lý chất lượng (Thư ký)
+ Phòng Kế hoạch tổng hợp
+ Phòng Điều dưỡng
+ Phòng Hành chính - Quản trị
+ Phòng Vật tư - Trang thiết bị
+ Khoa Khám bệnh
+ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
+ Các khoa/phòng/ban khác nếu bệnh viện xét thấy cần
thiết.
Bước 2. Họp công bố quyết định và phân công
nhiệm vụ
Trưởng đoàn và thư ký đoàn phân công nhiệm vụ phù hợp
cho từng thành viên trong đoàn.
Bước 3. Nghiên cứu nội dung tiêu chí và
phương pháp đánh giá
Trưởng đoàn và toàn bộ thành viên đoàn cần nghiên cứu
đầy đủ nội dung Bộ tiêu chí, đặc biệt các tiêu chí được phân công đánh giá.
- Các thành viên cần thu thập và nghiên cứu kỹ các
văn bản của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã ban hành có liên quan tới nội
dung đánh giá để xác định được các vấn đề cần đánh giá và cải tiến.
Ví dụ khi đánh giá các tiêu chí 3.1 về “Quy định kiểm
soát việc đeo khẩu trang trong bệnh viện”, tiêu chí 3.3 về “Vệ sinh tay trong bệnh
viện”, đánh giá viên cần nghiên cứu các văn bản hướng dẫn công tác kiểm soát
nhiễm khuẩn, hướng dẫn đeo khẩu trang (Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/2/2020
về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona
2019). Khi đánh giá các tiêu chí chương 4 về “Sàng lọc, phân luồng”, đánh giá
viên cần nghiên cứu đầy đủ các quy định trong Công văn số 1385/BCĐQG ngày
19/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Lưu ý: Đánh giá viên sẽ không đánh giá đúng thực
trạng nếu không nắm được nội dung các văn bản liên quan.
Bước 4. Thực hiện đánh giá
- Trưởng đoàn xếp lịch đánh giá trong tối thiểu 1
buổi và các thành viên thực hiện đánh giá theo kế hoạch.
- Rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ
tiềm ẩn được phát hiện trong quá trình đánh giá.
- Sử dụng máy ảnh hoặc điện thoại có tính năng chụp
ảnh để chụp lại các hình ảnh, làm bằng chứng minh họa cho kết quả đánh giá.
Bước 5. Nhập kết quả và bằng chứng trên phần
mềm trực tuyến
- Đăng nhập bằng tài khoản khảo sát hài lòng của bệnh
viện.
- Thư ký nhập kết quả và tải bằng chứng lên phần mềm
trực tuyến theo địa chỉ: http://covid19.chatluongbenhvien.vn/
- Sau khi nhập điểm xong, bệnh viện tải các bằng chứng
lên phần mềm của từng tiêu chí. Các bằng chứng có thể tiếp tục được bổ sung sau
khi cải tiến.
Bước 6: Họp sau đánh giá
- Sau khi hoàn thành đánh giá, trưởng đoàn tổ chức
họp với đầy đủ thành viên đoàn đánh giá để thống nhất kết quả đánh giá, xác định
các vấn đề, nguy cơ mất an toàn và kiến nghị, đề xuất khắc phục của đoàn.
Bước 7. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý
- Đoàn đánh giá dự thảo và hoàn thiện báo cáo.
Trong báo cáo cần nêu rõ các nội dung gồm kết quả đánh giá, thực trạng, ưu nhược
điểm, các nguy cơ mất an toàn và đề xuất, kiến nghị.
- Báo cáo được gửi tới cơ quan quản lý trực tiếp.
Bước 8. Công bố, phổ biến kết quả
Đoàn đánh giá công bố và phổ biến kết quả cho các
khoa, phòng trong bệnh viện bằng các hình thức như gửi văn bản, họp, điện thoại,
thư điện tử...
Bước 9: Xây dựng kế hoạch khắc phục các nguy
cơ và nâng cao năng lực phòng chống dịch của bệnh viện
- Rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ
tiềm ẩn được phát hiện trong quá trình đánh giá.
- Lập danh sách ưu tiên các vấn đề cần khắc phục.
- Xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại.
Yêu cầu nội dung kế hoạch có giải pháp và phân công người thực hiện cụ thể; nêu
rõ mốc thời gian khắc phục ngay những vấn đề có thể khắc phục trong điều kiện
nguồn lực sẵn có của bệnh viện. Ví dụ xây dựng, ban hành ngay các quy định về xử
phạt nếu phát hiện nhân viên y tế không đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh
và tại khu vực công cộng trong khuôn viên bệnh viện.
Bước 10: Triển khai các giải pháp can thiệp
- Triển khai thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm
tăng cường năng lực phòng chống dịch của bệnh viện, bảo đảm cho bệnh viện khám
chữa bệnh an toàn trong tình huống dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.
Sau khi can thiệp, bệnh viện tiến hành đánh giá lại
và tiếp tục rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn (áp dụng chu trình
P-D-C-A)
3. Phương pháp đánh giá
- Bộ tiêu chí có 37 tiêu chí, chia làm 8 chương. Điểm
tối đa 150 điểm.
- Mỗi tiểu mục được chấm là đạt hoặc không đạt.
Đánh giá viên sử dụng các phương pháp: quan sát, kiểm tra hồ sơ, tài liệu, phỏng
vấn để đánh giá kỹ lưỡng từng tiểu mục.
- Mỗi tiểu mục nếu đạt sẽ được chấm 1 điểm, riêng 2
tiểu mục (tiểu mục 1 và tiểu mục 3 của tiêu chí 6.4) được chấm 2 điểm. Không
tính điểm 0,5. Mỗi tiểu mục cần đánh giá toàn diện để xem xét đầy đủ các khía cạnh
liên quan. Người đánh giá cần đóng vai là đối tượng thực hiện của các tiểu mục
để xác định xem bệnh viện thực hiện đã đạt yêu cầu trong tiểu mục chưa. Ví dụ
tiêu chí 1.5 “Chuẩn bị khu vực cách ly cho nhân viên y tế” có tiểu mục thứ nhất
“Bố trí sẵn sàng địa điểm khu vực sẽ sử dụng để cách ly nhân viên y tế khi dịch
xảy ra”. Để đánh giá tiểu mục này cần xem xét toàn diện và đến khu vực cách ly,
không thể chấm bệnh viện có “khu cách ly trên giấy” đã được 1 điểm. Khu cách ly
này có biệt lập, ngăn cách với khu khác không, có nhà vệ sinh không... Tóm lại
nếu có nhân viên y tế vào khu cách ly mà bảo đảm được các điều kiện sinh hoạt
cơ bản, không có nguy cơ lây nhiễm ra ngoài khu cách ly thì mới được chấm là đạt.
Cần lưu ý, việc đánh giá để phát hiện các yếu tố
nguy cơ mất an toàn, không phải để chạy theo thành tích, để tự xếp loại “an
toàn” nhưng chỉ đạt “an toàn trên giấy tờ”.
- Điểm của mỗi tiêu chí bằng tổng điểm của các tiểu
mục. Khi không có tiểu mục nào được điểm thì điểm của tiêu chí bằng 0.
- Nếu bệnh viện không có hạng mục đề cập đến trong
tiêu chí (ví dụ các tiêu chí từ 5.3 đến 5.9) thì không chấm điểm tiêu chí đó.
- Mẫu số để tính % bằng tổng điểm 150 trừ điểm tối
đa của tiêu chí không chấm: mẫu số bằng 150 - (TCx + TCy + TCz...). TCx, y, z
là các tiêu chí không áp dụng cho bệnh viện.
- Phân loại kết quả:
+ Bệnh viện an toàn: tổng điểm đạt ≥ 75% điểm tối
đa và không có tiêu chí * nào ở mức 0 điểm.
+ Bệnh viện an toàn ở mức thấp: tổng điểm đạt từ ≥
50% đến < 75% điểm tối đa và không có tiêu chí * nào ở mức 0 điểm.
+ Bệnh viện không an toàn: tổng điểm đạt < 50%
hoặc bất kỳ tiêu chí * nào 0 điểm.
Phần mềm trực tuyến sẽ phân loại kết quả tự động
cho các bệnh viện.
4. Trách nhiệm chỉ đạo, kiểm
tra, đánh giá
4.1. Bệnh viện
Bệnh viện thành lập Đoàn đánh giá nội bộ.
4.2. Sở Y tế và Y tế các Bộ,
ngành
- Sở Y tế chỉ đạo, đôn đốc các bệnh
viện trực thuộc và bệnh viện thuộc y tế các Bộ, ngành trên địa bàn (trừ bệnh viện
Quân đội, Công an).
- Cục Quân Y, Cục Y tế Bộ Công an chỉ
đạo, đôn đốc các bệnh viện trực thuộc tự đánh giá và kiểm tra việc thực hiện.
- Y tế các Bộ, ngành khác phối hợp với
Sở Y tế có bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn chỉ đạo, đôn đốc các bệnh viện trực
thuộc tự đánh giá.
- Sở Y tế tổ chức đoàn kiểm tra, đánh
giá cho một số bệnh viện trực thuộc trên địa bàn; ưu tiên đánh giá các bệnh
viện có nguy cơ lây nhiễm cao và những bệnh viện có kết quả tự đánh giá cao.
- Tổng hợp kết quả đánh giá của các
đơn vị trực thuộc, báo cáo về Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
4.3. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hướng dẫn,
chỉ đạo chung việc đánh giá.
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đầu mối
phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế và các Vụ, Cục thành lập đoàn tiến hành kiểm
tra, đánh giá Bộ tiêu chí tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các tỉnh.
5. Thời gian đánh
giá
- Các bệnh viện khẩn trương triển
khai tự đánh giá ngay sau khi công văn này được ban hành.
- Sau khi cải tiến bệnh viện tiếp tục
tự đánh giá.
- Cơ quan quản lý kiểm tra, đánh giá
vào thời điểm phù hợp.
6. Thời gian nộp
báo cáo
Các bệnh viện tự đánh giá và nhập số
liệu, bằng chứng vào phần mềm trực tuyến, hoàn thành trước ngày 07/8/2020.
Các cơ quan quản lý gửi báo cáo tổng hợp
của các đơn vị về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 09/8/2020.
7. Giải đáp thắc
mắc
Trong quá trình thực hiện đánh giá, nếu
các đơn vị có câu hỏi, góp ý, đề xuất... đề nghị nhập câu hỏi trực tiếp vào mục
“Hỏi và Đáp”, ô câu hỏi trên phần mềm trực tuyến. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ
tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến và trả lời trong thời gian sớm nhất có thể, kịp
thời phục vụ việc đánh giá của các bệnh viện.
8. Triển khai thực
hiện
Đề nghị các Sở Y tế và Y tế Bộ,
ngành:
- Phổ biến đầy đủ nội dung công văn
hướng dẫn này, Công điện số 1158CV-BCĐQG và Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn
phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” cho các đơn
vị trực thuộc;
- Nghiêm túc tổ chức thực hiện đánh
giá và báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đầy đủ, đúng quy định./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Q. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để b/c);
- Vụ KGVX VPCP, Vụ VĐXH QH (để b/c);
- Ban BVCSSKCB TW;
- Các Vụ, Cục trực thuộc Bộ (để p/h);
- Cổng TTĐT BYT, Trang TTĐT Cục QLKCB;
- Lưu: VT, QLCL&CĐT.
|
CỤC TRƯỞNG
Phó Trưởng tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19
Lương Ngọc Khuê
|