Công văn 6030/BYT-KCB năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 6030/BYT-KCB
Ngày ban hành 04/11/2020
Ngày có hiệu lực 04/11/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trường Sơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6030/BYT-KCB
V/v: tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các CS khám bệnh, chữa bệnh

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi:

- Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế
- Y tế ngành
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại nhiều quốc gia khu vực Châu Âu, dịch đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan và số ca tử vong cao hơn trước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tại Việt Nam, mặc dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nếu lơ là, chủ quan và không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, dịch COVID-19 có thể trở lại bất cứ lúc nào, bất cứ địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh nào… gây thiệt hại về con người, sức khỏe, kinh tế của mỗi người dân và toàn xã hội. Thực hiện Công văn số 8627/VPCP-KGVX ngày 14 tháng 10 năm 2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ:

1. Khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ tại Công văn số 8627/VPCP-KGVX ngày 14/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.

2. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

3. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19. Xây dựng kịch bản ứng phó theo các tình huống dịch COVID-19, trong đó có kế hoạch cụ thể về phân công ca kíp, các nhóm luân phiên làm việc, chuyển viện, tiếp nhận người bệnh, dinh dưỡng… khi có tình huống dịch bệnh xảy ra tại cơ sở. Tổ chức diễn tập phòng, chống dịch COVID-19.

4. Bảo đảm đủ nguồn lực về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu để chủ động, sẵn sàng đáp ứng với dịch COVID-19.

5. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về Hồi sức tích cực, truyền nhiễm, xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn: tổ chức đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng trong ICU cho các bệnh viện tỉnh, khu vực, và một số bệnh viện huyện: đào tạo về phát hiện sớm ca bệnh, truy vết người có liên quan, người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ, phân luồng, cách ly...; đào tạo cho các nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm dịch bệnh.

6. Tuân thủ thực hiện Tiêu chí bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19. Báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố xem xét tạm dừng hoạt động các bệnh viện nếu xếp loại “không an toàn”. Các Bệnh viện/ Trung tâm y tế thường xuyên tiến hành đánh giá và cập nhập kết quả về bệnh viện an toàn lên phần mềm báo cáo trực tuyến.

7. Sở Y tế chủ động lập kế hoạch, lựa chọn ít nhất 1 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tập trung điều trị ca bệnh Covid-19 nặng khi dịch bệnh bùng phát tại địa phương, cơ sở lựa chọn phải đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết triển khai lọc máu, hồi sức tích cực.

8. Tích cực, chủ động thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về:

a) Quản lý những người đến khám, chữa bệnh và người chăm sóc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua hệ thống Khai báo y tế điện tử. Công khai bảng thông báo các quy định hạn chế người nhà người bệnh;

b) Sàng lọc, phân luồng, cách ly và xét nghiệm cho người nghi ngờ nhiễm Covid-19. Tăng cường sàng lọc, xét nghiệm đối với người bệnh nặng điều trị nội trú dài ngày và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.

c) Triển khai chăm sóc toàn diện tại khoa Hồi sức tích cực, khoa Truyền nhiễm và Khoa có người bệnh nặng.

d) Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng. Phân công đơn vị hoặc cán bộ phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đối với các nhân viên cung cấp dịch vụ thuê ngoài của bệnh viện

đ) Bố trí nguồn nhân lực làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với tình hình bệnh nhân, phân công chi tiết ca kíp, chia nhóm làm việc luân phiên.

e) Tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế: như vệ sinh tay, đeo khẩu trang....

f) Xây dựng quy chế và triển khai hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.

g) Triển khai đặt lịch khám qua điện thoại, trên website;

h) Tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán chi phí khám, chữa bệnh qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt. Triển khai khử khuẩn tiền mặt bằng tia cực tím.

i) Báo cáo kịp thời ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh COVID-19.

Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế, đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐQGPCD COVID-19 (để b/cáo);
- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Phó TB CĐQGPCD Covid-19 (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Vụ KHTC;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn
Phó trưởng Ban chỉ đạo
Quốc gia phòng chống dịch
Covid-19

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ