Công văn 1007/KTKĐCLGD-KĐPT xác định nội hàm, tìm minh chứng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ban hành

Số hiệu 1007/KTKĐCLGD-KĐPT
Ngày ban hành 21/12/2011
Ngày có hiệu lực 21/12/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục
Người ký Bùi Anh Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỤC KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1007/KTKĐCLGD-KĐPT
V/v xác định nội hàm, tìm minh chứng theo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2011

 

Kính gửi: Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Để triển khai công tác tự đánh giá trường mầm non thuận lợi và hiệu quả, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn xác định nội hàm và gợi ý tìm minh chứng cho mỗi chỉ số trong các tiêu chí của Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non, ban hành theo Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Cụ thể như sau:

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Minh chứng là những văn bản, hồ sơ, sổ sách, hiện vật đã và đang có của nhà trường gắn với các chỉ số để xác định từng chỉ số đạt hay không đạt yêu cầu. Minh chứng được sử dụng để chứng minh cho các phân tích, giải thích, từ đó đưa ra các nhận định, kết luận trong báo cáo tự đánh giá.

2. Minh chứng được thu thập trong hồ sơ lưu trữ của trường mầm non, của các cơ quan có liên quan, hoặc bằng khảo sát, điều tra, phỏng vấn những người có liên quan và quan sát các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

3. Minh chứng phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm tính chính xác. Căn cứ nội hàm (yêu cầu) của từng chỉ số trong các tiêu chí thuộc Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non, cá nhân hoặc nhóm công tác tiến hành thu thập minh chứng tương ứng, phù hợp để xác định nhà trường đạt hay không đạt yêu cầu của chỉ số.

4. Mỗi phân tích, mô tả trong phần Mô tả hiện trạng của báo cáo tự đánh giá đều phải có minh chứng đi kèm. Cần lựa chọn một, hoặc một vài minh chứng phù hợp với từng nội hàm của chỉ số và ghi ký hiệu đã được mã hóa vào sau mỗi phân tích, mô tả, nhận định. Trong nhiều trường hợp, mỗi nội hàm chỉ cần một minh chứng. Phần Gợi ý các minh chứng cần thu thập trong văn bản này chỉ có tính chất tham khảo, vì vậy không nhất thiết phải sử dụng tất cả các gợi ý.

5. Mỗi minh chứng chỉ cần một bản (kể cả những minh chứng được dùng cho nhiều chỉ số, tiêu chí và tiêu chuẩn), đó là văn bản gốc của nhà trường được lưu trữ theo Luật Lưu trữ, không cần nhân thêm bản để tránh lãng phí. Minh chứng dùng cho nhiều tiêu chí thì mang ký hiệu của tiêu chí được sử dụng lần thứ nhất.

6. Cần tập hợp, sắp xếp minh chứng trong các hộp (cặp) theo thứ tự mã hóa để dễ tìm kiếm. Những minh chứng đang sử dụng cho công tác quản lý, công tác dạy và học thì lưu trữ, bảo quản tại nơi đang sử dụng nhưng cần có bảng ghi chú cụ thể để tiện lợi trong việc tra cứu, tìm kiếm.

7. Đối với minh chứng phức tạp, cồng kềnh (như hệ thống hồ sơ, sổ sách; các văn bản, tài liệu, tư liệu có số lượng lớn và số trang nhiều; các hiện vật,…) nhà trường có thể lập các biểu, bảng tổng hợp, thống kê các dữ liệu, số liệu để thuận tiện cho việc sử dụng.

8. Trong trường hợp không tìm được minh chứng cho một chỉ số, tiêu chí nào đó (do chiến tranh, hỏa hoạn, thiên tai hoặc do nhiều năm trước không lưu hồ sơ,...), hội đồng tự đánh giá cần nêu rõ nguyên nhân trong báo cáo tự đánh giá.

9. Minh chứng được dùng trong báo cáo tự đánh giá phải đầy đủ theo từng năm học và theo chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục của trường mầm non.

II. XÁC ĐỊNH NỘI HÀM, TÌM MINH CHỨNG

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường

1. Nhà trường có cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định của Điều lệ trường mầm non.

a) Có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các hội đồng (Hội đồng trường đối với trường công lập, Hội đồng quản trị đối với trường dân lập, tư thục, Hội đồng thi đua khen thưởng và các hội đồng khác trong nhà trường).

Nội hàm của chỉ số:

- Có hiệu trưởng;

- Có đủ số lượng phó hiệu trưởng (trường hạng I có 2 phó hiệu trưởng; trường hạng II có 1 phó hiệu trưởng; được bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng nếu có từ 5 điểm trường hoặc có từ 20 trẻ em khuyết tật trở lên).

- Có các hội đồng:

+ Hội đồng trường (đối với trường công lập);

+ Hội đồng quản trị (đối với trường ngoài công lập);

+ Hội đồng thi đua khen thưởng;

+ Các hội đồng khác: Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm; Hội đồng chấm thi giáo viên giỏi; Hội đồng kỷ luật (nếu có), vv...

Gợi ý các minh chứng cần thu thập:

- Quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;

- Quyết định thành lập Hội đồng trường đối với trường công lập; Hội đồng quản trị đối với trường ngoài công lập;

- Quyết định thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng;

[...]