Công văn 1003/UBDT-CSDT năm 2020 trả lời kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về chính sách riêng đối với người dân tộc, không phân biệt là người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 1003/UBDT-CSDT
Ngày ban hành 12/08/2020
Ngày có hiệu lực 12/08/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Đỗ Văn Chiến
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1003/UBDT-CSDT
V/v trả lời kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản số 223/BDN ngày 15/06/2020 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hồ Chí Minh trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: “Cử tri đề nghị Nhà nước cần có chính sách riêng đối với người dân tộc, không phân biệt là người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa”. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:

Theo thống kê đến tháng 6 năm 2020, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc hiện hành được quy định tại 118 văn bản có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Trong đó có 55 văn bản quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Hệ thống chính sách dân tộc được chia thành 3 nhóm chính:

(1) Nhóm chính sách theo dân tộc và chính sách đặc thù từng dân tộc, nhóm dân tộc.

(2) Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, địa bàn.

(3) Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực ngành.

Với quan điểm: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia đi liền với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Chính phủ: “quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định của luật đầu tư công, quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”.

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi theo quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và có cơ chế điều hành quy định tại Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới sẽ được thực hiện ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên phạm vi cả nước trong đó chính sách cho con người sẽ chủ yếu tiếp cận theo nguyên tắc là người dân tộc thiểu số, đúng đối tượng sẽ được thụ hưởng, không phân biệt ở vùng sâu, vùng xa hay ở vùng khác. Ngoài ra, đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn sẽ có những chính sách hỗ trợ đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, tập quán của các dân tộc.

Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh để Ủy ban Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện, QH (để b.c);
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT;
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, CSDT
(3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến