Công văn 03/BCĐDTLCP năm 2019 về đôn đốc triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ban hành
Số hiệu | 03/BCĐDTLCP |
Ngày ban hành | 25/04/2019 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi |
Người ký | Phùng Đức Tiến |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BAN
CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/BCĐDTLCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2019 |
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian qua công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bước đầu đạt được những kết quả nhất định như đã huy động được cả hệ thống chính trị các cấp và người chăn nuôi vào cuộc, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Do đó, đến nay hàng chục ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bệnh; một số tỉnh (Hòa Bình, Bắc Kạn) đã công bố hết dịch trên phạm vi toàn tỉnh; nhiều địa phương khác cũng đã qua nhiều ngày không phát sinh ổ dịch mới; giảm tình trạng người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm thịt lợn, giá lợn hơi đã tăng trở lại, do đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số lượng địa phương cấp xã phát sinh ổ dịch mới, số lợn buộc phải tiêu hủy còn cao. Nguyên nhân là do: (1) Việc phát hiện, khai báo lợn bệnh còn chậm, dẫn đến việc tổ chức tiêu hủy chưa kịp thời, chưa triệt để, không hoàn thành việc tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh theo quy định; (2) Việc tổ chức tiêu hủy lợn chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật (lợn bệnh, lợn chết được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện nhưng không có đệm lót, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu lợn rơi vãi ra môi trường làm lây lan dịch bệnh); (3) Dụng cụ, quần áo của người tham gia tiêu hủy lợn chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh; (4) Tình hình chăn nuôi đa phần nhỏ lẻ, không hoặc khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng, dịch hoặc không bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi; (5) Việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn tại chỗ, tại địa phương có dịch chưa bảo đảm yêu cầu, nhiều nơi để người dân tự giết mổ lợn, nhưng không lấy mẫu xét nghiệm, dẫn đến nguy cơ cao là sản phẩm thịt lợn có mang mầm bệnh DTLCP; (6) Việc thông tin, tuyên truyền chưa tốt, dẫn đến người dân chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm và chưa thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vẫn còn hiện tượng vứt xác lợn ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh; (7) Công tác kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch đến các địa phương khác chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng; (8) Việc hỗ trợ chủ hộ vật nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy còn chậm, dẫn đến người chăn nuôi vì lợi ích trước mắt, bán chạy lợn bệnh, nghi bị bệnh;...
Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh (Ban Chỉ đạo quốc gia) đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, báo cáo thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thống nhất, quán triệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, cụ thể như sau:
1. Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản rất quan trọng như Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019; các văn bản của Bộ NN&PTNT như Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018, Công điện 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019, Công văn số 1960/BNN-TY ngày 20/3/2019 của Bộ NN&PTNT.
2. Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở để kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi giết hủy phải bảo đảm không để rơi vãi chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, máu của lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh ra ngoài môi trường; Người, phương tiện, dụng cụ sử dụng cho việc tiêu hủy lợn phải được vệ sinh, sát trùng nhằm bảo đảm không để mầm bệnh phát tán, lây lan.
3. Hướng dẫn người chăn nuôi tập trung áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên sát trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
4. Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ lợn, lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP mới được phép tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm (tại địa phương đã có dịch).
5. Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không vứt xác lợn ra môi trường
6. Chấn chỉ công tác quản lý kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch theo đúng quy định.
7. Tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt các nội dung nêu trên; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản thông báo cho Ban Chỉ đạo quốc gia để phối hợp xử lý kịp thời./.
|
KT. TRƯỞNG BAN |