Công ước về nô lệ, 1926
Số hiệu | Khongso |
Ngày ban hành | 25/09/1926 |
Ngày có hiệu lực | 09/03/1927 |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Cơ quan ban hành | *** |
Người ký | *** |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
CÔNG ƯỚC
VỀ NÔ LỆ, 1926
(Được Hội Quốc liên thông qua ngày 25/9/1926. Có hiệu lực từ ngày 9/3/1927, theo quy định tại điều 12)
Lời nói đầu
Xét rằng, các quốc gia ký Đạo luật chung của Hội nghị Brúc-xen năm 1889-1890 đã tuyên bố rằng họ đều phấn khích với dự định mạnh mẽ về xoá bỏ tình trạng buôn bán nô lệ Châu Phi,
Xét rằng, các quốc gia ký Công ước Saint-Germain-en-Laye năm 1919 sửa đổi Đạo luật chung Béc-lin năm 1885 và Đạo luật chung và tuyên bố Brúc-xen năm 1890, đã khẳng định dự định trấn áp hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức và việc buôn bán nô lệ theo đường bộ và đường biển,
Xét báo cáo của Uỷ ban về các hình thức nô lệ hiện đại mà được Hội đồng do Hội quốc liên thành lập ngày 12/6/1924 soạn thảo,
Mong muốn hoàn thành và mở rộng công tác được đề cập trong Đạo luật chung của Hội nghị Brúc-xen và tìm kiếm các biện pháp để thực hiện các dự định đó trên phạm vi toàn thế giới như đã được các quốc gia ký Công ước Saint-Germain-en-Laye bày tỏ, liên quan đến vấn đề buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ, và thừa nhận rằng, vì mục đích đó, cần ký kết những thoả thuận chi tiết hơn những nội dung được nêu trong Công ước đó,
Xét rằng, hơn nữa, cần ngăn chặn hiện tượng lao động cưỡng bức phát triển thành những tình trạng tương tự như nô lệ,
Đã quyết định ký kết Công ước, và do vậy, chỉ định các đại diện toàn quyền thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Vì mục đích của Công ước này, những định nghĩa sau đây được thống nhất:
1.Nô lệ là địa vị hay tình trạng của một người mà bất kỳ hoặc mọi quyền lực gắn liền với quyền sở hữu đều được thực hiện đối với họ.
2. Buôn bán nô lệ bao gồm mọi hành vi liên quan đến việc đoạt được, giành được hay chuyển nhượng một người với mục đích bắt họ làm nô lệ; mọi hành vi liên quan đến việc kiếm được một nô lệ để bán hay trao đổi họ; mọi hành vi chuyển nhượng thông qua việc bán hay trao đổi một nô lệ có được với mục đích đem bán hoặc trao đổi họ, và nói chung, mọi hành vi buôn bán hay vận chuyển nô lệ.
Điều 2.
Các bên ký kết mà trên mọi lãnh thổ thuộc chủ quyền, quyền tài phán, sự bảo vệ, quyền bá chủ hay sự bảo hộ của mình, chừng nào còn chưa tiến hành những biện pháp cần thiết, cam kết:
a. Ngăn chặn và trấn áp việc buôn bán nô lệ;
b. Từng bước và càng sớm càng tốt, loại bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức.
Điều 3.
Các bên ký kết cam kết thông qua mọi biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn và trấn áp việc đưa xuống tàu, cho lên bờ và vận chuyển nô lệ trong vũng lãnh hải và trên những tàu thuyền mang cờ nước mình.
Các bên ký kết cam kết đàm phán càng sớm càng tốt một Công ước chung về chống buôn bán nô lệ, trao cho họ các quyền và đặt cho họ ra những nghĩa vụ có cùng tính chất như được quy định trong Công ước ngày 17/6/1925 liên quan đến buôn bán vũ khí quốc tế (điều 12,20,21,22,23,24, và các khoản 3,4,5 Phần II Phụ lục II) với những sửa đổi cần thiết. Công ước chung này được hiểu rằng sẽ không đặt các tàu thuyền (cho dù là tàu buôn cỡ nhỏ) của bất kỳ bên ký kết nào vào vị thế khác với vị thế của các bên ký kết khác.
Cũng cần phải hiểu rằng, trước và sau khi Công ước chung này có hiệu lực, các bên ký kết hoàn toàn tự do ký kết các thỏa thuận đặc biệt với nhau nhưng không được làm tổn hại đến những nguyên tắc được nêu trong khoản trước, nếu những thỏa thuận này, với những hoàn cảnh riêng biệt của chúng, có thể thích hợp để thực hiện càng sớm càng tốt việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng buôn bán nô lệ.
Điều 4.
Các bên ký kết sẽ trao cho nhau mọi sự trợ giúp để bảo đảm xoá bỏ chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ.
Điều 5.
Các bên ký kết thừa nhận rằng,việc sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và cam kết áp dụng trên mọi vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền, quyền tài phán, sự bảo vệ, quyền bá chủ hay sự bảo hộ của mình mọi biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng lao động cưỡng bức và bắt buộc phát triển thành những tình trạng tương tự như nô lệ.
Thỏa thuận rằng:
1. Theo những điều khoản chuyển tiếp được quy định tại khoản 2 dưới đây, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc chỉ có thể được áp dụng vì những mục đích chung của xã hội.
2. Ở những vùng lãnh thổ còn tồn tại hình thức lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức vì những mục đích nằm ngoài mục đích chung của xã hội, các bên ký kết cần phải nỗ lực từng bước và càng sớm càng tốt chấm dứt tình trạng này. Chừng nào lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức như vậy còn tồn tại, hình thức lao động này phải luôn có tính chất ngoại lệ, phải luôn nhận được tiền thù lao thích đáng, và không phải liên quan đến việc di dời nhân công lao động khỏi nơi cư trú thông thường của họ.
3.Trong mọi trường hợp, trách nhiệm đối với việc sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc thuộc về các cơ quan trung ương có thẩm quyền của vùng lãnh thổ liên quan.