Công ước 98 năm 1949 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể

Số hiệu 98
Ngày ban hành 01/07/1949
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

CÔNG ƯỚC SỐ 98

CÔNG ƯỚC

VỀ ÁP DỤNG NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA QUYỀN TỔ CHỨC VÀ THƯƠNG LƯỢNG TẬP THỂ, 1949

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 8 tháng 6 năm 1949, trong kỳ họp thứ ba mươi, và

Sau khi đã quyết định chấp thuận một số đề nghị về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, là vấn đề thuộc điểm thứ tư trong chương trình nghị sự kỳ họp, và

Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,

Thông qua ngày 01 tháng 7 năm 1949, Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949.

Điều 1

1. Người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ.

2. Sự bảo vệ đó phải được áp dụng trước hết đối với những hành vi mà mục đích là nhằm:

a) phụ thuộc việc làm của người lao động vào một điều kiện là người đó không được gia nhập công đoàn hoặc phải từ bỏ tham gia công đoàn;

b) gây ra việc sa thải người lao động hoặc làm phương hại người đó bằng cách khác, với lý do là người đó gia nhập công đoàn, hoặc tham gia các hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc hoặc với sự đồng ý của người sử dụng lao động trong giờ làm việc.

Điều 2

1. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi của những phái viên hay thành viên của mỗi bên để can thiệp vào việc tổ chức điều hành và quản lý nội bộ của phía bên kia.

2. Những hành vi được coi là can thiệp vào nội bộ theo định nghĩa của Điều này, trước hết là những hành vi nhằm dẫn tới việc tạo ra những tổ chức của người lao động được sự chế ngự của một người sử dụng lao động hay một tổ chức của người sử dụng lao động, hoặc nhằm nâng đỡ những tổ chức của người lao động bằng tài chính hay bằng những cách khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự điều tiết của những người sử dụng lao động hay của những tổ chức của người sử dụng lao động.

Điều 3

Nếu cần thiét, phải thiết lập những cơ cấu phù hợp với điều kiện quốc gia, để đảm bảo cho việc tôn trọng quyền tổ chức đã được xác định trong các điều trên.

Điều 4

Nếu cần thiết, phải có những biện pháp phù hợp với điều kiện quốc gia để khuyến khích và xúc tiến việc triển khai và sử dụng hoàn tất các thể thức thương lượng tự nguyện giữa một bên là người sử dụng lao động và các tổ chức của người sự dụng lao động với một bên là các tổ chức của người lao động, nhằm quy định những điều khoản và điều kiện về sử dụng lao động bằng thoả ước tập thể.

Điều 5

1. Mức độ áp dụng những bảo đảm nêu trong Công ước này cho các lực lượng vũ trang hoặc cho cảnh sát sẽ do pháp luật hoặc quy định quốc gia quy định.

2. Theo những nguyên tắc được đề cập trong Đoạn 8, Điều 19 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, việc một Nước thành viên phê chuẩn Công ước này sẽ không được coi là tác động tới mọi đạo luật, mọi phán quyết, mọi tập quán hoặc mọi thoả thuận nào đang tồn tại và đang dành cho các thành viên lực lượng vũ trang và cảnh sát những đảm bảo mà Công ước này đã quy định.

Điều 6

Công ước này không điều giải vị trí của các công chức, và bằng bất kỳ cách nào cũng không thể được giải thích là có phương hại cho các quyền hoặc cho quy chế của công chức.

Các Điều 7, 8 và từ 11 đến 16

Những quy định cuối cùng mẫu.

Các Điều 9 và 10

Tuyên bố áp dụng cho các lãnh thổ phi chính quốc.

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ