Công ước về kết hôn tự nguyện, tuổi kết hôn tối thiểu và việc đăng ký kết hôn, 1962

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 07/11/1962
Ngày có hiệu lực 09/12/1964
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÔNG ƯỚC

VỀ KẾT HÔN TỰ NGUYỆN, TUỔI KẾT HÔN TỐI THIỂU VÀ VIỆC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN, 1962

(Được thông qua và để ngỏ cho các nước ký, phê chuẩn theo Nghị quyết 1763 (XVII) ngày 07/11/1962 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực ngày 09/12/1964, phù hợp với Điều 6).

Các Quốc gia thành viên,

Mong muốn, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người, không phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo;

Nhắc lại rằng, Điều 16 của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người đã nêu rõ:

1. Nam và nữ khi đủ tuổi, không hạn chế về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo, đều có quyền kết hôn và lập gia đình. Họ có quyền được hưởng những quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời kỳ hôn nhân và sau khi hôn nhân tan vỡ.

2. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của các cặp kết hôn;

Nhắc lại thêm rằng, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, theo Nghị quyết 843 (IX) ngày 17/12/1954, đã tuyên bố rằng, một số tập quán, luật lệ và hủ tục liên quan đến hôn nhân và gia đình không phù hợp với những nguyên tắc quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người cần được xóa bỏ;

Khẳng định lại rằng, tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia có hoặc giữ trách nhiệm quản lý các Lãnh thổ Ủy trị và Lãnh thổ Quản thác cho đến khi những lãnh thổ này giành được độc lập, cần thực hiện tất cả những biện pháp thích hợp nhằm xóa bỏ những tập quán, luật lệ và hủ tục này, bằng việc đảm bảo sự tự do hoàn toàn trong việc lựa chọn vợ hoặc chồng, xóa bỏ hoàn toàn những trường hợp tảo hôn và hứa hôn cho trẻ em gái trước khi đến tuổi dậy thì, có những hình phạt thích hợp trong trường hợp cần thiết, và lập một cơ quan đăng ký dân sự hoặc cơ quan đăng ký khác, trong đó lưu giữ hồ sơ của tất cả các cuộc hôn nhân.

Dưới đây nhất trí theo những điều khoản sau:

Điều 1.

1. Mọi cuộc hôn nhân sẽ được coi là tiến hành trái pháp luật nếu không có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cả hai bên. Sự đồng ý này phải được các bên bày tỏ trực tiếp sau khi đã khai báo đầy đủ và với sự hiện diện của cơ quan chức năng có thẩm quyền tuyên bố công nhận hôn nhân và những người chứng kiến theo quy định của pháp luật.

2. Ngoại trừ những quy định tại khoản 1 ở trên, một trong các bên có thể không cần thiết có mặt nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp nhận rằng đây là trường hợp ngoại lệ, và rằng bên đó, trước một cơ quan chức năng có thẩm quyền và theo một phương thức do pháp luật quy định, đã bày tỏ và không rút lại sự đóng ý.

Điều 2.

Các Quốc gia thành viên của Công ước này cần có hành động lập pháp nhằm cụ thể hóa độ tuổi tối thiểu được kết hôn. Mọi cuộc hôn nhân của bất kỳ cá nhân nào được tiến hành dưới độ tuổi này sẽ bị coi là trái pháp luật, trừ trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền cho miễn về tuổi tác vì những lý do nghiêm trọng, phù hợp với lợi ích của những cặp kết hôn.

Điều 3.

Tất cả các cuộc hôn nhân phải được đăng ký trong hồ sơ đăng ký chính thức của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điều 4.

1. Công ước này, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1963, để ngỏ cho việc ký kết của tất cả các Quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc hoặc của các Quốc gia thành viên của các cơ quan chuyên môn Liên Hợp Quốc, cũng như của bất kỳ quốc gia nào được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mời ký kết.

2. Công ước này phải được phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.

Điều 5.

1. Công ước này sẽ để ngỏ cho việc gia nhập đối với tất cả các quốc gia được đề cập tại khoản 1 của Điều 4.

2. Việc gia nhập sẽ có hiệu lực sau khi văn kiện gia nhập được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.

Điều 6.

1. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 8 được lưu chiểu.

2. Đối với quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước sau khi vãn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 8 được lưu chiểu, Công ước này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày quốc gia đó nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của mình.

Điều 7.

1. Mọi Quốc gia thành viên có thể rút khỏi Công ước này bằng cách gửi văn bản thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Việc bãi ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng Thư ký nhận được thông báo.

2. Công ước này sẽ không còn hiệu lực kể từ thời điểm mà văn bản bãi ước khiến cho số Quốc gia thành viên của Công ước giảm xuống ít hơn 8 quốc gia có hiệu lực.

[...]