Công ước giao thông đường bộ

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 08/11/1968
Ngày có hiệu lực 20/08/2015
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CÔNG ƯỚC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Các quốc gia ký kết,

Mong muốn tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng cường an toàn giao thông đường bộ thông qua các quy tắc giao thông đường bộ,

Đã đi đến thỏa thuận như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 1.

Định nghĩa

Trong Công ước này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

(a) “Pháp luật nội địa” của quốc gia ký kết nghĩa là toàn bộ hệ thống pháp luật từ trung ương đến địa phương áp dụng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó;

(b) Phương tiện "tham gia giao thông quốc tế” trên lãnh thổ của một quốc gia nghĩa là phương tiện:

(i) thuộc quyền sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân thường trú bên ngoài quốc gia đó;

(ii) Chưa đăng ký tại quốc gia đó, và

(iii) Được tạm nhập vào quốc gia đó;

Tuy nhiên, quốc gia ký kết có quyền từ chối công nhận phương tiện “tham gia giao thông quốc tế” nếu phương tiện đó lưu thông liên tục hơn một năm trên lãnh thổ của quốc gia mình, quốc gia ký kết có thể sửa đổi thời hạn này.

Tổ hợp phương tiện được xem là “tham gia giao thông quốc tế” khi nếu một trong các phương tiện của tổ hợp đó phù hợp với định nghĩa trên;

(c) "Khu vực hạn chế" nghĩa là khu vực gắn biển chỉ dẫn đường đặc biệt ở lối ra vào của khu vực đó, hoặc được định nghĩa trong luật pháp quốc gia;

(d) “Đường bộ” nghĩa là toàn bộ bề mặt của bất kỳ con đường nào dành cho giao thông công cộng;

(e) "Lòng đường" nghĩa là một phần của một con đường thường dành cho xe cộ; một con đường có thể bao gồm nhiều lòng đường tách biệt nhau bằng, một dải phân cách hoặc độ cao khác nhau;

(f) Trên lòng đường có một hoặc nhiều làn đường dành riêng cho phương tiện nhất định, "mép đường" nghĩa là phần rìa của phần còn lại của lòng đường dành cho người tham gia giao thông khác;

(g) "Làn đường" là một phần của lòng đường được chia theo chiều dọc, có bề rộng đủ để phương tiện cơ giới không phải xe gắn máy chạy trên phần đường đó, bất kể có vạch kẻ đường hay không;

(h) "Đường giao nhau" là bất kỳ ngã tư, ngã ba, hoặc nút giao thông giao nhau trên cùng một mặt phẳng, bao gồm cả mặt bằng hình thành bởi ngã tư, ngã ba, hoặc nút giao thông đó;

(i) “Nơi đường bộ và đường sắt giao nhau” là bất kỳ ngã tư giữa một con đường và một đường ray hoặc đường tàu điện;

(j) "Đường cao tốc" là một con đường được thiết kế và xây dựng đặc biệt dành cho giao thông cơ giới, mà không có khu vực ven đường, và:

(i) Có những lòng đường riêng biệt cho hai chiều giao thông được ngăn cách với nhau bởi dải phân cách hoặc bằng những phương pháp khác;

(ii) Không giao cắt với bất kỳ đường bộ, đường sắt, đường tàu điện hay vỉa hè nào; và

(iii) Có gắn biển báo đường cao tốc;

(k) Một phương tiện được xem là

(i) “Dừng xe” nếu phương tiện đó dừng một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa; và

(ii) “Đỗ xe” nếu phương tiện đó dừng với bất kỳ lý do nào không nhằm cản trở phương tiện giao thông khác hoặc để tuân theo luật lệ giao thông, và thời gian dừng để người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa không giới hạn;

[...]