Công điện 09/CĐ-BNN-TY năm 2013 áp dụng biện pháp quyết liệt dập tắt ổ dịch lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở lợn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện

Số hiệu 09/CĐ-BNN-TY
Ngày ban hành 12/04/2013
Ngày có hiệu lực 12/04/2013
Loại văn bản Công điện
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CĐ-BNN-TY

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2013

 

CÔNG ĐIỆN KHẨN

VỀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT DẬP TẮT CÁC Ổ DỊCH LMLM GIA SÚC VÀ TAI XANH Ở LỢN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN,

Điện:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.

Từ đầu tháng 3/2013 đến nay đã xuất hiện nhiều ổ dịch lợn Tai xanh và lở mồm long móng gia súc (LMLM) trên địa bàn tỉnh các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo báo cáo của Cục Thú y về tình hình dịch tại 3 tỉnh nêu trên, dịch LMLM đã xuất hiện tại 14 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã làm 381 con lợn và 198 con trâu bò mắc bệnh; đặc biệt các mẫu bệnh phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút LMLM týp A, týp vi rút đã lâu không xuất hiện trong nước; dịch lợn tai xanh cũng đã xảy ra tại 53 xã, phường, thị trấn của 14 huyện, thị xã làm 6.791 con lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu hủy là 4.783 con.

Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản, trực tiếp đi đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và đang có nguy cơ lây lan rộng. Do đây là vùng trọng điểm chăn nuôi gia súc, nếu không kịp thời khống chế dịch, khả năng số gia súc mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hơn nữa, đây là địa bàn có nhiều đầu mối buôn bán, vận chuyển gia súc đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nên nguy cơ phát tán mầm bệnh trên diện rộng là rất cao.

Để nhanh chóng khống chế các ổ dịch, không để dịch lây lan rộng, đồng thời ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh trên các địa bàn khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh:

a) Tổ chức công bố dịch trên địa bàn theo đúng các quy định tại Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 và Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đạt hiệu quả cao nhất trong phòng; chống dịch.

b) Khẩn trương nghiêm cấm triệt để việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ đối với gia súc trên địa bàn các huyện, thị xã có dịch LMLM và đối với lợn trên địa bàn các huyện, thị xã có dịch tai xanh; đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thành lập các đội cơ động liên ngành để kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

c) Giao chính quyền cấp xã, thôn nơi có ổ dịch tổ chức quản lý chặt ổ dịch, thiết lập đủ các chốt chặn các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã và giao lực lượng công an, dân quân kiểm soát không để thương lái và người dân vận chuyển, bán chạy gia súc bệnh. Tại các chốt chặn phải có hố vôi đủ rộng để tiêu độc hết vòng bánh xe đi qua, phải có bình phun động cơ và hóa chất để khử trùng các phương tiện, dụng cụ nhốt giữ gia súc theo quy định.

d) Chỉ đạo nhanh chóng hoàn thành việc tiêm bao vây các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y và tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn các huyện có dịch.

đ) Lấy mẫu bệnh phẩm gửi phòng thí nghiệm để xác định type vi rút gây bệnh LMLM và bệnh tai xanh.

2. Đối với các địa phương chưa có dịch: chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành có liên quan tăng cường công tác phòng dịch lây lan vào địa bàn; chủ động rà soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn các khu vực trọng điểm chăn nuôi gia súc, nơi có ổ dịch cũ và có nguy cơ phát sinh dịch nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời. Lấy mẫu bệnh phẩm gửi phòng thí nghiệm để xác định type vi rút gây bệnh LMLM và bệnh tai xanh.

3. Tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động phòng dịch, khi phát hiện gia súc mắc bệnh, chết phải báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y xử lý, không vứt xác gia súc bừa bãi làm dịch lây lan. Công khai mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ đối với gia súc bị tiêu hủy để tăng cường sự hợp tác từ phía người chăn nuôi.

4. Các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công điện số 05/CĐ-BNN-TY ngày 20/02/2013, đồng thời khẩn trương thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tuyến cơ sở trong việc triển khai các biện pháp chống dịch; có hình thức khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt và phê bình, kỷ luật nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các thành viên BCĐQG PCDCGC;
- Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh;
- Cục Thú y, Cục Chăn nuôi;
- Cơ quan Thú y các vùng;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ