BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
80/2008/QĐ-BNN
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2008
|
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG HỘI CHỨNG RỐI LOẠN
SINH SẢN VÀ HÔ HẤP Ở LỢN (PRRS)
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN
Căn cứ Pháp lệnh
Thú y ban hành ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ - CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi
tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ - CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này “Quy định phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp
ở lợn (PRRS)”.
Điều 2. Quyết định
này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo Chính phủ.
Điều 3. Chánh Văn
phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị có
liên quan và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo VPCP, Website Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN & PTNT;
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố;
- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ;
- Lưu VT, PC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Bá Bổng
|
PHÒNG CHỐNG HỘI CHỨNG RỐI LOẠN SINH SẢN VÀ HÔ
HẤP Ở LỢN (PRRS)
(Ban hành theo Quyết định số: 80 /2008/QĐ-BNN ngày 15 /7 /2008 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1:
Điều 1. Phạm vị điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy
định về việc phòng chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS).
2. Quy định này áp
dụng đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân
nước ngoài có hoạt động về chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh
lợn trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định
này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hội chứng rối
loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (tên tiếng Anh là Porcine Reproductive and
Respiratory Syndrome = PRRS) sau đây gọi là bệnh Tai xanh.
2. Ổ dịch Tai
xanh là nơi có một hoặc nhiều lợn mắc bệnh Tai xanh.
3. Vùng dịch là
một hoặc nhiều xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) có dịch.
4. Vùng bị dịch
uy hiếp là các xã tiếp giáp với các xã thuộc vùng dịch.
5. Vùng đệm là
các xã tiếp giáp bên ngoài các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp.
6. Vùng nguy cơ
cao là các xã có chợ buôn bán lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn hoặc
cơ sở giết mổ lợn, nơi tập trung lợn để chuyển đi nơi khác, các xã có đường quốc
lộ đi qua.
Điều 3. Đặc điểm chung của bệnh
1. Bệnh Tai xanh
là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở lợn mọi lứa tuổi, bệnh lây lan nhanh,
làm ốm và có thể gây chết nhiều lợn. Lợn nhiễm bệnh Tai xanh thường bị suy giảm
miễn dịch, do đó tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh khác kế phát như Dịch tả
lợn, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, E. Coli, Liên cầu khuẩn, Mycoplasma,… đây
là những nguyên nhân kế phát gây chết nhiều lợn bệnh, gây ra những tổn thất lớn
về kinh tế cho người chăn nuôi. Hiện nay, bệnh này đã lây lan và trở thành dịch
địa phương ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có ngành chăn nuôi lợn
phát triển. Ở Việt Nam, bệnh Tai xanh đã xuất hiện tại nhiều địa phương, gây
thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
2. Tác nhân gây bệnh:
Bệnh Tai xanh là do một loài vi rút PRRS thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae,
bộ Nidovirales, có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA. Hiện nay, dựa
trên việc phân tích cấu trúc gien và kháng nguyên, các nhà khoa học đã xác định
được 2 chủng (týp): týp I gồm những vi rút thuộc dòng Châu Âu và týp II gồm những
vi rút thuộc dòng Bắc Mỹ. Vi rút týp II gây bệnh trầm trọng hơn ở các nước Châu
Á. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, vi rút gây bệnh Tai xanh tồn tại dưới hai
dạng, dạng cổ điển có độc lực thấp và dạng biến thể có độc lực cao, gây nhiễm
và chết nhiều lợn.
3. Sự tồn tại của
vi rút và đường truyền lây: Vi rút có trong dịch mũi, nước bọt, phân, nước tiểu
của lợn mắc bệnh hoặc mang trùng và phát tán ra môi trường. Ở các loại lợn mẫn
cảm, vi rút có thời gian tồn tại và được bài thải ra ngoài môi trường tương đối
dài: ở lợn mang trùng và không có triệu chứng lâm sàng, vi rút có thể được phát
hiện ở nước tiểu trong 14 ngày, ở phân khoảng 28-35 ngày, ở huyết thanh khoảng
21-23 ngày, ở dịch hầu họng khoảng 56-157 ngày, ở tinh dịch sau 92 ngày và đặc
biệt ở huyết thanh của lợn bị nhiễm bệnh sau 210 ngày vẫn có thể tìm thấy vi
rút.
Sức đề kháng của
vi rút: ở điều kiện môi trường có độ pH <5.5 hoặc >6.5 vi rút gần như mất
tính gây bệnh; ở nhiệt độ 40C vi rút tồn tại được 120 giờ, 200C tồn tại trong
20 giờ, 370C tồn tại được 3 giờ, 560C tồn tại được trong vòng 6 phút. Vi rút
cũng dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hoá chất sát trùng thông thường như: vôi bột,
chlorine, formon, iodine…
Vi rút có thể phát
tán, lây lan thông qua các hình thức: (1) trực tiếp: tiếp xúc với lợn mắc bệnh,
lợn mang trùng, phân, nước tiểu, bụi, bọt nước, thụ tinh nhân tạo và có thể do
lợn rừng; (2) gián tiếp: dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo
hộ lao động mang trùng. Hình thức phát tán qua không khí (từ phân, chất thải
mang vi rút), theo gió (có thể đi xa tới 3 km), nguồn nước bị ô nhiễm.
4. Triệu chứng lâm
sàng:
a) Lợn nái giai đoạn
cạn sữa: Khi bị nhiễm vi rút, lợn thường biếng hoặc bỏ ăn từ 7-14 ngày, sốt
trên 400C, thường sảy thai vào giai đoạn cuối, đẻ non, động đực giả, đình dục
hoặc chậm động dục trở lại sau khi đẻ, ho và viêm phổi.
b) Lợn nái giai đoạn
đẻ và nuôi con: Bỏ ăn hoặc ăn ít, lười uống nước, lờ đờ hoặc hôn mê, mất sữa và
viêm vú, đẻ sớm khoảng 2-3 ngày, thai gỗ, lợn con chết ngay sau khi sinh, lợn
con yếu, tăng tỷ lệ thai chết hoặc yếu, tăng số thai gỗ, chết lưu trong giai đoạn
3 tuần cuối trước khi sinh, ở một vài đàn con số này có thể tới 30% tổng số lợn
con sinh ra. Tỷ lệ chết ở đàn con có thể tới 70% ở tuần thứ 3-4 sau khi xuất hiện
triệu chứng. Rối loạn sinh sản có thể kéo dài 4-8 tháng trước khi trở lại bình
thường.
c) Lợn đực giống:
Bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt trên 400C, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn, mất tính dục,
lượng tinh dịch ít, chất lượng tinh kém và cho lợn con sinh ra nhỏ.
d) Lợn con theo mẹ:
Nhiều con chết yểu sau khi sinh, những con sống sót sau có thể trạng gầy yếu,
nhanh chóng rơi vào trạng thái tụt đường huyết do không bú được, mắt có dử màu
nâu, trên da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô
hấp, chân choãi ra, đi run rẩy.
đ) Lợn con cai sữa
và lợn choai: Bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt trên 400C, ho nhẹ, lông xơ xác,.. tuy
nhiên, ở một số đàn có thể không có triệu chứng. Ngoài ra, trong trường hợp
ghép với bệnh khác có thể thấy viêm phổi cấp tính, hình thành nhiều ổ áp-xe, thể
trạng gầy yếu, da xanh, tiêu chảy, ho nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, thở nhanh.
5. Bệnh tích: Bệnh
tích đặc trưng nhất là ở phổi: phổi viêm hoại tử và thâm nhiễm đặc trưng bởi những
đám chắc, đặc (nhục hoá) trên các thuỳ phổi, cuống phổi chứa đầy dịch viêm sầu
bọt, trên mặt cắt ngang của thuỳ bệnh lồi ra, khô, thuỳ bị bệnh có màu xám đỏ.
Nhiều trường hợp viêm phế quản phổi hoá mủ ở mặt dưới thuỳ đỉnh.
Ngoài ra, bệnh
tích cũng có thể thấy như: thận xuất huyết đinh ghim, hạch amidan sưng, sung
huyết, não sung huyết, hạch màng treo ruột xuất huyết, loét van hồi manh tràng.
Chương 2:
PHÒNG BỆNH
Điều 4. Tuyên truyền về phòng bệnh
1. Cục Thú y xây dựng
và tổ chức thực hiện các nội dung chương trình truyền thông phòng, chống bệnh
Tai xanh, đồng thời hướng dẫn Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây gọi là Chi cục Thú y) triển khai chương trình truyền thông ở địa
phương.
2. Uỷ ban nhân dân
các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể thực hiện thông
tin tuyên truyền tại địa phương theo nội dung tuyên truyền của các cơ quan thú
y.
3. Các cơ quan
thông tin đại chúng, cơ quan, đơn vị chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tổ chức
tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh Tai xanh, tính chất nguy hiểm của bệnh
và biện pháp phòng chống tới từng hộ gia đình và cộng đồng.
4. Tuyên truyền, vận
động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trong từng thôn ký cam kết thực hiện
"5 không":
a) Không giấu dịch;
b) Không mua lợn bệnh,
sản phẩm của lợn bệnh;
c) Không bán chạy
lợn bệnh;
d) Không vận chuyển
lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; đ) Không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường.
Điều 5. Chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch
1. Cục Thú y có
trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch
giám sát dịch bệnh Tai xanh qua từng giai đoạn; hàng năm tổ chức thực hiện và
hướng dẫn, chỉ đạo các Chi cục Thú y triển khai các nội dung giám sát dịch bệnh;
kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương trong cả nước.
b) Tập hợp, phân
tích số liệu dịch tễ, lập bản đồ dịch tễ bệnh trong phạm vi cả nước;
2. Chi cục Thú y
có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch
giám sát dịch bệnh theo hướng dẫn của Cục Thú y để trình các cấp có thẩm quyền
phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương.
b) Lập bản đồ dịch
tễ bệnh tại địa phương để tham mưu cho chính quyền các cấp các biện pháp phù hợp,
chủ động phòng chống dịch.
c) Tổ chức lấy mẫu
bệnh phẩm để chẩn đoán, giám sát dịch bệnh đột xuất hoặc thường xuyên theo hướng
dẫn của Cục Thú y.
d) Kiểm soát chặt
chẽ lợn nhập vào địa phương.
3. Uỷ ban nhân dân
xã có trách nhiệm
a) Phân công trách
nhiệm cho trưởng thôn, ấp (sau đây gọi chung là thôn), nhân viên thú y xã giám
sát dịch bệnh; lập sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, kết quả tiêm
phòng các bệnh ở lợn tại địa phương;
b) Hỗ trợ các cơ
quan thú y có thẩm quyền tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm.
4. Người chăn nuôi
có trách nhiệm:
a) Thực hiện
nghiêm chỉnh các quy định vệ sinh thú y trong chăn nuôi và hướng dẫn của cán bộ
thú y.
b) Khi phát hiện lợn
có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, sảy thai thì báo ngay
cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn. Nghiêm túc thực hiện “5 không” theo quy định
tại khoản 4 Điều 4 của Quy định này.
c) Có sổ theo dõi tình
hình chăn nuôi, theo dõi tiêm vắc xin phòng các bệnh của lợn theo quy định tại
Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và hướng dẫn bổ sung của Cục Thú y (sau đây gọi tắt là theo quy định).
Điều 6. Vệ sinh phòng bệnh
1. Khu chăn nuôi
a) Đối với các
trang trại, gia trại phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại Điều 7, Chương 2, Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
b) Đối với các hộ
gia đình: Không được nuôi thả rông, chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền
chuồng phải cao ráo và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.
c) Hàng ngày phải
thực hiện vệ sinh cơ giới và định kỳ hàng tuần thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng
trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng hoá chất sát trùng thông
thường như: vôi bột, chlorine, formon, iodine hoặc các loại thuốc sát trùng
khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. Con giống
a) Con giống đưa
vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ
quan thú y. Trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly, theo dõi 21 ngày.
b) Thường xuyên
chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho con vật thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý,
tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định;
c) Riêng đối với lợn
mua về với mục đích làm con giống (lợn đực giống, lợn nái), ngoài việc thực hiện
các quy định tại điểm a và b của khoản này, cơ sở chăn nuôi phải báo cho cơ
quan thú y có thẩm quyền tại địa phương biết để định kỳ kiểm tra bệnh theo quy
định.
3. Thức ăn, nước uống
phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y
4. Phương tiện vận
chuyển lợn và sản phẩm của lợn phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định.
5. Người ra vào
khu vực chăn nuôi phải sử dụng trang bị bảo hộ phù hợp; thực hiện đúng quy trình
vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Điều 7. Phòng bệnh bằng thuốc và vắc xin
1. Cục Thú y hướng
dẫn cụ thể việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Tai xanh;
2. Người chăn nuôi
chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh cho lợn theo quy định; sử dụng các loại
thuốc tăng sức đề kháng cho lợn.
Điều 8. Kiểm dịch vận chuyển
1. Vận chuyển
trong nước
a) Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân
tỉnh) quyết định thành lập trạm, chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu mối giao thông
theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi các tỉnh liền kề có
dịch;
b) Chi cục Thú y
chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm dịch lợn, sản phẩm của lợn tại nơi xuất
phát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
c) Các Trạm, chốt
kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông thực hiện như sau:
- Kiểm soát chặt
chẽ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển qua các trạm, chốt kiểm dịch; thu giữ, tiêu huỷ
lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch;
- Đối với lợn, sản
phẩm của lợn có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng không hợp lệ thì thực hiện việc
kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và thông báo cho Chi cục Thú y nơi tiếp
nhận biết.
- Đối với lợn, sản
phẩm của lợn được vận chuyển bằng phương tiện không đảm bảo vệ sinh thú y,
không được niêm phong, không đánh dấu theo quy định thì yêu cầu chủ hàng khắc
phục bằng cách sử dụng phương tiện vận chuyển khác đảm bảo vệ sinh thú y và thực
hiện niêm phong phương tiện vận chuyển, đánh dấu lợn theo mã số của Chi cục, đồng
thời thông báo cho Chi cục nơi tiếp nhận biết.
- Xử phạt nghiêm
các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
d) Chi cục Thú y
nơi tiếp nhận phải kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm của lợn nhập vào tỉnh và xử
lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
đ) Tổ chức, cá
nhân vi phạm các quy định về kiểm dịch vận chuyển bị xử phạt vi phạm hành chính
và phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm dịch, xử lý lợn và sản phẩm của lợn.
2. Vận chuyển qua
biên giới
a) Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước.
b) Uỷ ban nhân dân
tỉnh quyết định thành lập các chốt kiểm dịch tại các xã ở biên giới;
c) Khử trùng mọi phương
tiện vận chuyển qua cửa khẩu.
Chương 3:
CHỐNG DỊCH
Điều 9. Khai báo và xử lý đối với ổ dịch đầu tiên nghi mắc bệnh
1. Người chăn nuôi
khi phát hiện lợn có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, bỏ ăn hoặc ăn ít, sảy
thai hoặc chết phải thực hiện như sau:
a) Báo ngay cho
nhân viên thú y xã hoặc trưởng thôn;
b) Nhốt riêng lợn
mắc bệnh ra khu vực khác;
c) Bổ sung các loại
thuốc tăng sức đề kháng, thức ăn giầu dinh dưỡng cho đàn lợn;
d) Hàng ngày vệ
sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi;
đ) Không bán hoặc
vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bệnh ra khỏi khu vực chăn nuôi khi chưa có kết
luận của cơ quan thú y có thẩm quyền.
2. Nhân viên thú y
xã, cán bộ Trạm Thú y huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là
Trạm Thú y huyện) khi nhận được thông báo, phải đến kiểm tra, xác minh ngay; hướng
dẫn người chăn nuôi các biện pháp cách ly lợn mắc bệnh, vệ sinh, khử trùng tiêu
độc, chăm sóc tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn.
3. Trạm Thú y huyện
lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm đối với đàn lợn đầu tiên mắc bệnh trong phạm
vi huyện, đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên để đề xuất với Uỷ ban
nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới được ủy quyền quyết định tiêu hủy
theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy định này mà không chờ kết quả xét
nghiệm.
Điều 10. Chẩn đoán bệnh
1. Cục Thú y hướng
dẫn cụ thể quy trình lấy mẫu và chẩn đoán bệnh.
2. Đối với ổ dịch
đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện thì Trạm Thú y huyện phải lấy mẫu bệnh phẩm
gửi Cơ quan Thú y vùng hoặc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương chẩn đoán xác
định bệnh.
Các ổ dịch sau đó,
nếu phát hiện lợn có những triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Tai xanh
thì triển khai ngay các biện pháp chống dịch mà không nhất thiết phải lấy mẫu
xét nghiệm bệnh.
Điều 11. Công bố dịch
1. Điều kiện công
bố
Đối với các tỉnh
có dịch: Khi có đủ các điều kiện thì công bố dịch theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Thú y năm 2004, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh ra quyết định công bố vùng dịch, đồng thời công bố vùng bị dịch uy hiếp,
vùng đệm theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Pháp lệnh Thú
y.
2. Phạm vi công bố
dịch:
a) Khi có dịch tại
một thôn thì công bố xã có dịch.
b) Khi có từ 03 xã
trở lên trong một huyện có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn huyện.
c) Khi có từ 03
huyện trở lên trong một tỉnh có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Đối với các tỉnh
tiếp giáp tỉnh có dịch: Khi nhận được thông tin về tình hình dịch bệnh, Chi cục
Thú y xác định và đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định công bố
vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo
quy định.
Điều 12. Các biện pháp xử lý đối với ổ dịch
1. Xử lý ổ dịch:
a) Tiêu huỷ ngay lợn
chết do bệnh.
b) Đối với ổ dịch đầu
tiên: tiêu hủy ngay toàn bộ lợn trong ô chuồng có lợn bệnh.
c) Đối với các ổ dịch
nhỏ lẻ mới xảy ra trên địa bàn: tiêu huỷ ngay toàn bộ lợn bệnh, cách ly triệt để
lợn chưa bị bệnh để theo dõi.
d) Đối với trường
hợp dịch xảy ra ở diện rộng: tiêu huỷ số lợn mắc bệnh nặng không chờ kết quả
xét nghiệm (lợn mắc bệnh nặng là những lợn có bệnh, đã được chăm sóc tích cực,
được hỗ trợ tăng cường sức đề kháng trong vòng 7 ngày nhưng không có khả năng
bình phục), lợn mắc bệnh nhẹ nuôi cách ly triệt để với lợn chưa bị bệnh để theo
dõi chặt chẽ diễn biến bệnh.
đ) Người chăn nuôi
có lợn bị tiêu huỷ trong các trường hợp trên được hỗ trợ theo Quyết định số
719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Vệ sinh, tiêu độc
khử trùng:
a) Vệ sinh: Thu
gom chất thải rắn để đốt hoặc chôn; rửa nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bằng nước
xà phòng. Đối với chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất. Công việc này
do người chăn nuôi thực hiện.
b) Tiêu độc khử
trùng: Sau khi vệ sinh cơ giới, để khô và tiến hành tiêu độc khử trùng bằng hoá
chất phù hợp đối với chuồng trại, khu vực chăn nuôi, lối ra vào, khu vực tập
trung lợn để tiêu huỷ, khu vực tiêu huỷ hoặc chôn lợn, đường làng, ngõ xóm, nơi
công cộng. Công việc này do đội chống dịch của xã thực hiện.
c) Người tham gia
quá trình xử lý, tiêu huỷ lợn phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp và vệ sinh,
tiêu độc khử trùng.
3. Việc tiêu hủy,
chôn lấp lợn thực hiện theo văn bản hướng dẫn số 561/TY-KH ngày 16/4/2008 của Cục
Thú y.
4. Tổ chức chống dịch
theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 33/2005/NĐ- CP ngày
15/3/2005 của Chính phủ.
Điều 13. Các biện pháp xử lý đối với các đàn lợn chưa bị bệnh trong
vùng dịch lợn;
1. Đối với cơ sở
chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn nuôi thịt quy mô tập trung:
a) Áp dụng nghiêm
ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
b) Tăng cường chăm
sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho lợn.
2. Đối với các cơ
sở chăn nuôi lợn giống:
a) Tăng cường chăm
sóc, nuôi dưỡng, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn
b) Lấy mẫu tinh dịch
của tất cả lợn đực giống và mẫu huyết thanh của lợn nái để xét nghiệm theo tỷ lệ
lưu hành ước tính 10% tổng đàn.
Nếu toàn bộ số mẫu
xét nghiệm âm tính, các cơ sở giống tiếp tục được phép sảnxuất;
Tiêu huỷ bắt buộc
với những con dương tính theo sự hướng dẫn và giám sát của thú y. Sau 7-10 ngày
tiếp tục lấy mẫu lần 2 theo tỷ lệ lưu hành.
Nếu tất cả mẫu xét
nghiệm lần 2 cho kết quả âm tính, các cơ sở giống tiếp tục được phép sản xuất.
Nếu có thêm mẫu dương tính thì không được sản xuất con giống.
c) Cơ sở chăn nuôi
lợn giống chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho việc xét nghiệm xác định sự lưu
hành của vi rút Tai xanh.
Điều 14. Kiểm soát vận chuyển
Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các ngành thực hiện các
nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Xác định vùng có
dịch và lập các chốt kiểm dịch tạm thời, có người trực 24/24 giờ, có biển báo,
hướng dẫn đi lại tránh vùng dịch; chốt kiểm dịch phải có phương tiện và hóa chất
sát trùng để xử lý mọi đối tượng ra khỏi vùng có dịch;
2. Không được vận
chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra khỏi vùng có dịch.
3. Lợn, sản phẩm của
lợn khỏe mạnh được phép vận chuyển trong các trường hợp sau:
a) Lợn, sản phẩm của
lợn thuộc vùng bị dịch uy hiếp được phép vận chuyển để tiêu thụ trong phạm vi
huyện;
b) Lợn, sản phẩm của
lợn tại vùng đệm, của cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh Tai xanh
tại vùng bị dịch uy hiếp được vận chuyển để tiêu thụ trong phạm vi tỉnh;
c) Lợn, sản phẩm của
lợn không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b, khoản 3 Điều này được vận
chuyển ra khỏi tỉnh để tiêu thụ.
Điều 15. Công bố hết dịch
1. Khi có đủ điều
kiện công bố hết dịch theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh
Thú y thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch.
2. Ngay sau khi có
quyết định công bố hết dịch, các cơ sở chăn nuôi lợn thịt được phép hoạt động
trở lại bình thường. Riêng các cơ sở chăn nuôi lợn giống thực hiện theo quy định
tại khoản 2 Điều 13 của Quy định này.
3. Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các tỉnh lân cận ra quyết định bãi bỏ công bố vùng bị dịch uy hiếp và
vùng đệm trên địa bàn tỉnh ngay sau khi có quyết định công bố hết dịch của tỉnh
có dịch.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở Trung ương
1. Cục Thú y
a) Tổ chức, kiểm
tra việc thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh ở các địa phương;
b) Hướng dẫn, chỉ
đạo các địa phương thực hiện; tổ chức thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc
về công tác phòng chống bệnh Tai xanh;
c) Hướng dẫn các
biện pháp kỹ thuật về phòng chống bệnh Tai xanh trên cơ sở bản Quy định này.
2. Cục Chăn nuôi
a) Hướng dẫn các địa
phương thực hiện các quy định về quản lý chăn nuôi, tiêu chuẩn chuồng trại,
tiêu chuẩn con giống, thức ăn chăn nuôi,… và việc chăn nuôi trở lại sau dịch.
b) Xây dựng tài liệu
hướng dẫn và tuyên truyền người chăn nuôi thực hành chăn nuôi tốt.
c) Xây dựng các mô
hình chăn nuôi tập trung công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học;
phổ biến các mô hình chăn nuôi tốt để nhân rộng trong phạm vi toàn quốc.
Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở địa phương
1. Cấp tỉnh
a) Uỷ ban nhân dân tỉnh
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống
dịch Tai xanh của tỉnh do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm
Trưởng Ban, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban.
- Củng cố, tăng cường cho hệ thống
thú y cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là mạng lưới thú y xã, phường có đủ về số
lượng và đảm bảo chất lượng, được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị để
thực thi nhiệm vụ. Các địa phương chưa có mạng lưới thú y xã, phường thì cần
nhanh chóng triển khai thực hiện công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/11/2007 của Thủ
tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ phụ cấp cho thú y xã, phường.
- Phê duyệt và chỉ đạo tổ chức
thực hiện Quy hoạch chăn nuôi lợn, Kế hoạch tổng thể về phòng chống bệnh Tai
xanh của tỉnh, kế hoạch hàng năm và kiểm tra việc thực hiện của các cấp, ngành
thuộc tỉnh;
- Chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan
chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tại địa phương thường xuyên triển khai công
tác thông tin tuyên truyền phòng chống bệnh Tai xanh;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố dịch, công bố hết dịch Tai xanh trên địa bàn của tỉnh theo quy định;
quyết định tiêu hủy lợn mắc bệnh hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ra
quyết định tiêu hủy;
- Hàng năm, cấp kinh phí cho
công tác phòng chống dịch bệnh từ quỹ phòng chống thiên tai và dự phòng ngân
sách địa phương. b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
trong việc xây dựng chương trình phòng chống bệnh Tai xanh của tỉnh và kế hoạch
hàng năm trên cơ sở Chương trình quốc gia;
- Chỉ đạo Chi cục Thú y xác định
vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng có nguy cơ cao với bệnh Tai xanh;
- Tổ chức thực hiện và kiểm tra
công tác phòng chống bệnh của tỉnh.
c) Chi cục Thú y
- Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển
khai và kiểm tra công tác phòng chống bệnh Tai xanh trên địa bàn tỉnh;
- Hướng dẫn chuyên môn về các biện
pháp phòng chống bệnh, tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh Tai xanh.
2. Cấp huyện
a) Uỷ ban nhân dân huyện, quận,
thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân huyện):
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống
bệnh Tai xanh huyện do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng
ban, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế, Trạm Thú y huyện làm Phó
Trưởng ban;
- Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh
chỉ đạo Trạm Thú y huyện, các Ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa
phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Tai xanh trên địa bàn huyện.
- Huy động lực lượng phục vụ
công tác phòng chống bệnh, đặc biệt công tác tiêm phòng, tiêu hủy gia súc mắc bệnh
và vận chuyển gia súc ra vào địa bàn.
- Cấp ngân sách địa phương cho
công tác phòng chống dịch của huyện.
b) Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh
tế, Trạm Thú y.
- Trực tiếp tổ chức thực hiện
công tác phòng chống dịch tại huyện;
- Hướng dẫn kỹ thuật các biện
pháp phòng chống đến tận xã, thôn;
- Báo cáo kịp thời nhu cầu về
kinh phí, vật tư hóa chất, vắc xin, lao động, ... cho Ủy ban nhân dân huyện và
Chi cục Thú y.
3. Cấp xã
a) Ủy ban nhân dân xã
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống
bệnh Tai xanh cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban với sự tham gia
của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ thú y, nông nghiệp;
- Bố trí tổ chuyên môn để hướng
dẫn kỹ thuật, thường trực và tổng hợp tình hình dịch dịch bệnh;
- Chỉ đạo trưởng thôn trực tiếp
kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần
chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ
chức đoàn thể khác) vận động nhân dân giám sát và thực hiện các biện pháp phòng
chống dịch. Mỗi thôn tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” theo quy định tại
khoản 4 Điều 4 của Quy định này;
- Thành lập đội xung kích chống
dịch, gồm dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, công an để tiêu hủy gia súc
bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát người ra vào ổ dịch, trực gác tại
các chốt kiểm dịch động vật.
b) Nhân viên thú y xã, cộng tác
viên thú y xã
- Giám sát
phát hiện bệnh Tai xanh đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã
và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân xã và Trạm Thú y huyện;
- Trực tiếp tham gia công tác
phòng chống bệnh, trực tiếp tiêm phòng vắc xin;
- Trực tiếp tham gia trong giám
sát kinh phí hỗ trợ phòng chống bệnh Tai xanh đến chủ chăn nuôi.
Điều 18.
Trách nhiệm của chủ vật nuôi
1. Đảm bảo điều kiện chăn nuôi về
địa điểm, chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, vệ sinh, xử lý chất thải
theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các biện pháp an
toàn sinh học trong chăn nuôi lợn và các biện pháp phòng chống bệnh Tai xanh
theo hướng dẫn của cán bộ thú y, của cán bộ chính quyền các cấp và những người
có trách nhiệm.
3. Khi thấy lợn trong gia đình
có những biểu hiện bất thường, bị bệnh thì phải báo ngay cho trưởng thôn, nhân
viên thú y xã hoặc cán bộ xã để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ phòng chống dịch
bệnh; đồng thời chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Quy định
này./.