Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chương trình hành động 08/CTr-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025

Số hiệu 08/CTr-UBND
Ngày ban hành 18/03/2021
Ngày có hiệu lực 18/03/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CTr-UBND

Lào Cai, ngày 18 tháng 3 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08-CT/TU NGÀY 03/3/2021 CỦA TỈNH ỦY LÀO CAI VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND tỉnh Lào Cai xây dựng Chương trình hành động như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bám sát và thực hiện nguyên tắc khen thưởng chính xác, công khai, kịp thời; làm cho thi đua, khen thưởng thực sự là động lực, là một biện pháp quan trọng để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức, xây dựng và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

3. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đặc biệt là trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương, doanh nghiệp trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

1. Đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

1.1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua yêu nước, phổ biến giáo dục, tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng, các thông tư, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng; thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị và địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 03/3/2021 của Tỉnh ủy, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét và thống nhất trong nhận thức, tư tưởng, hành động từ trong cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị, địa phương đến cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân.

1.2. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp; các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn trong phát động, tổ chức và tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.

1.3. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hội thảo chuyên môn, chuyên đề về công tác thi đua, khen thưởng theo các nhóm đối tượng, đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

1.4. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành và doanh nghiệp; nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng.

1.5. Hàng năm biên tập, in ấn tài liệu tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng. Xây dựng cuốn sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng để phục vụ cán bộ, công chức, người lao động làm công tác thi đua, khen thưởng.

1.6. Các cơ quan thông tin đại chúng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp trong việc tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền cho các phong trào thi đua, các gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến một cách hiệu quả và thường xuyên.

2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh; đổi mới nội dung, hình thức, đề cao tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua và xây dựng điển hình tiên tiến.

2.1. Trên cơ sở nội dung Chỉ thị số 08-CT/TU của Tỉnh ủy, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với các quy định của Đảng, Chính phủ, bộ, ban, ngành trung ương. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề nhằm thực hiện thắng lợi 7 nhiệm vụ trọng tâm, 02 lĩnh vực đột phá, 18 Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chú trọng phát động các đợt thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của tỉnh đề ra hàng năm.

Các đơn vị, địa phương rà soát, kiện toàn Hội đồng Thi đua, khen thưởng, điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, quy chế về công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị, địa phương; hoàn thiện hệ thống văn bản quy định cụ thể về thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn.

2.2. Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành chỉ phát động triển khai phong trào thi đua khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung biện pháp đối tượng tham gia thi đua. Phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị và thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, tổ chức. Chống mọi biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích trong tổ chức phong trào thi đua.

Phong trào thi đua cần được phát động, tổ chức thực hiện với nội dung hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện. Cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua hàng năm, căn cứ nhiệm vụ, Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách và đánh giá, rà soát những phong trào thi đua còn hình thức chưa có tác dụng thiết thực để điều chỉnh cho phù hợp. Đổi mới công tác phát động, chỉ đạo thực hiện sơ kết, tổng kết và khen thưởng các phong trào thi đua yêu nước.

2.3. Thông qua các phong trào thi đua, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn; tổ chức đăng ký, thi đua cùng các điển hình tiên tiến để các phong trào thi đua thực sự phát huy tác dụng và đi vào chiều sâu; xây dựng kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và các gương điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi, lấy gương người tốt, việc tốt để hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội.

2.4. Trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục duy trì, phát huy thành tích đã đạt được của các tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới đã được vinh dự phong tặng, lựa chọn bồi dưỡng, xây dựng được ít nhất 01 tập thể hoặc cá nhân để phấn đấu trở thành tập thể, cá nhân là Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân để đề nghị Nhà nước phong tặng vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.

3. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng.

3.1. Thực hiện đúng quy trình bình xét, tiêu chuẩn, tiêu chí các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác khen thưởng; đảm bảo khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác khen thưởng, nhất là trong việc phát hiện điển hình, nhân tố mới để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng; xây dựng quy định về công tác thi đua khen thưởng, trong đó quy định rõ quy trình bình xét và đề nghị khen thưởng, nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí xét khen thưởng của từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, tập trung nghiên cứu để lượng hóa thành tích bằng thang điểm để khen thưởng được thuận lợi.

3.2. Xây dựng và đề xuất các giải pháp để tăng tỷ lệ khen thưởng đối với cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, người nông dân ở các địa phương; nâng cao chất lượng và hiệu quả việc khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Thôn văn hóa” và “Gia đình văn hóa”; cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng giới trong công tác khen thưởng.

3.3. Tiếp tục rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chính sách khen thưởng cho phù hợp với thực tế phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất ban hành một số giải thưởng, hình thức biểu dương, khen thưởng đặc thù như: thành lập giải thưởng tôn vinh khen thưởng đội ngũ giáo viên, đội ngũ y bác sỹ; quy chế xét chọn, tôn vinh người tốt, việc tốt hằng năm; xét chọn, tôn vinh công nhân, nông dân, hộ gia đình tiêu biểu,...

3.4. Tăng cường khen thưởng cá nhân, tập thể nhỏ người lao động trực tiếp, khen thưởng gương người tốt việc tốt, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản; các mô hình mới, nhân tố mới, tài năng trẻ, các lĩnh vực trọng tâm, khó khăn, độc hại, nguy hiểm, những người có công lao đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh, đơn vị và địa phương. Thực hiện việc xin ý kiến công khai danh sách các tập thể, cá nhân trình đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng (danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh) trên Cổng thông tin điện tử Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh.

3.5. Rà soát, giải quyết dứt điểm việc khen thưởng và thực hiện chính sách với các đối tượng có công lao, thành tích trong các cuộc kháng chiến của dân tộc; thực hiện tốt việc quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng.

[...]