Chương trình hành động 06/CTr-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP và Chương trình hành động 08-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 06/CTr-UBND
Ngày ban hành 26/06/2021
Ngày có hiệu lực 26/06/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CTr-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 6 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 50/NQ-CP NGÀY 20/5/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 08-CTR/TU NGÀY 26/6/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 50/NĐ-CP); Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-CP và Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII); nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và sự đồng thuận của nhân dân. Triển khai thực hiện Chương trình hành động phải đảm bảo sự thống nhất, điều hành tập trung của cấp ủy, chính quyền các cấp; xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo huy động nguồn lực để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết số 50/NĐ-CP và Chương trình động số 08-Ctr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

Việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và địa phương phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII và Chương trình động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Cấp ủy, sự quản lý, điều hành tập trung của Uỷ ban nhân dân các cấp, sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các ngành, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và giám sát của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục xây dựng Đảng bộ, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy ý chí, dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phấn đấu đến năm 2025, trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững; đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, điển hình về năng lực thoát nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho người dân của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 8%; tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 64 triệu đồng. Có 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới); có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.300 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa trên 27%. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học từ mức độ 2 trở lên, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; tỷ lệ lao động qua đào tạo 72%, trong đó có bằng, chứng chỉ 30%; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%.

Đến năm 2030, tổng sản phẩm GRDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 75.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 8.000 tỷ đồng. Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (đạt 100% số xã); tỷ lệ đô thị hóa trên 35%, xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

III. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phấn đấu đến năm 2025 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nằm trong top 25 tỉnh, thành phố có điểm số đứng đầu của cả nước và nằm trong các tỉnh, thành phố có điểm số khá, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là vào quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2030: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) làm cơ sở quan trọng để xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số phù hợp, thực chất và hiệu quả. Phát triển và làm chủ cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ, chất lượng cao, là nền tảng và động lực cho thương mại điện tử và kinh tế số đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa cổng dịch vụ công tỉnh Tuyên Quang với cổng dịch vụ công quốc gia; phấn đấu 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 13-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng chi đầu tư phát triển ổn định hơn giai đoạn trước và chiếm khoảng 30-35%, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 65-70%. Xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương và quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đảm bảo công khai, minh bạch, nhằm mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh; phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trình độ quản lý của mỗi cấp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn lực đầu tư cho các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án trọng điểm. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng, đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, nhất là đối với thực hiện chương trình khởi nghiệp, các khâu đột phá, chương trình trọng tâm của tỉnh.

2. Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng trong sản xuất hàng hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; tạo lập và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, trở thành nòng cốt trong ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ đến cơ sở.

Tổ chức thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản, lâm nghiệp, thủy sản chủ lực, đặc sản của tỉnh (gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý), sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, nhằm mang lại giá trị gia tăng cao; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 5 sản phẩm trở lên được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; tăng cường gắn kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu để hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; đặc biệt là nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ để có thể tiếp nhận và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại chuyển giao vào tỉnh.

3. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của tỉnh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh và đạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030; chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại tỉnh;... Tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu trong tình hình mới; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chương trình giáo dục phổ thông và chất lượng giáo dục mũi nhọn, phấn đấu có học sinh tham gia kỳ thi lập đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện cả về đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và từng bước hình thành xã hội học tập. Thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Tân Trào, từng bước xây dựng Trường Đại học Tân Trào thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của tỉnh và khu vực.

[...]