CHƯƠNG TRÌNH
KHẮC PHỤC CƠ BẢN TIÊU CỰC TRONG DẠY THÊM, HỌC THÊM, VIỆC LẠM
THU VÀ SỬ DỤNG KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH, TIÊU CỰC TRONG THI CỬ ĐỐI VỚI NGÀNH GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của
Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày
29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện
đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình khắc phục cơ bản tiêu
cực trong dạy thêm, học thêm, việc lạm thu và sử dụng không đúng mục đích, tiêu
cực trong thi cử đối với ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp
chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp
nhân dân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy
thêm, học thêm, việc lạm thu và sử dụng không đúng mục đích, tiêu cực trong thi
cử đối với ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường sự quản lý nhà nước của các cấp chính
quyền, của các cơ quan chức năng; tham gia giám sát của các tổ chức, đoàn thể
và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đối với việc khắc phục các hiện tượng tiêu cực
trong ngành Giáo dục và Đào tạo.
2. Yêu cầu
Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức,
viên chức và nhân dân để nhận thức đúng đắn về chủ trương dạy thêm, học thêm,
chủ trương huy động các nguồn lực xã hội chăm lo, phát triển giáo dục và đào tạo;
xây dựng trật tự, kỷ cương trong thi cử nhằm
nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đúng các
quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành Trung ương, của Ủy
ban nhân dân tỉnh về dạy thêm, học thêm, các khoản thu chi ngoài học phí, nguồn
thu đóng góp, tài trợ giáo dục và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy
ban nhân dân tỉnh về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU
1. Tập trung
khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm
Thực hiện nghiêm túc Quy định về dạy
thêm, học thêm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành (tại Quyết định số
25/2013/QĐ-UBND ngày 16/4/2013) theo nội dung Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày
16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định về dạy thêm, học thêm
(sau đây gọi là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT). Trong đó, cần lưu ý:
- Thực hiện đúng nguyên tắc dạy
thêm, học thêm. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu
học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ
hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không cắt giảm nội
dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm;
không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính
khoá.
- Không được dạy thêm đối với các
trường hợp như đã được quy định tại Điều 4 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
- Tổ chức dạy thêm, học thêm theo
đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về sĩ số học sinh trên lớp, thời khóa biểu,
số tiết học thêm, số tiết dạy thêm của học sinh và giáo viên nhằm góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học
sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt
quá sức tiếp thu của người học, quá sức lao động của người dạy.
- Mức thu tiền học thêm phải được thỏa thuận giữa
cha mẹ học sinh với nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm. Mức thu tiền học thêm và mức chi các khoản phục vụ hoạt động dạy thêm, học
thêm thực hiện theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Đảm bảo đúng các yêu cầu đối với người dạy
thêm, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, cơ sở vật chất phục
vụ dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về hồ sơ, thủ
tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo hoạt động dạy
thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh không phát sinh tràn lan.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân
cấp huyện) thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý,
chấn chỉnh các tiêu cực nảy sinh trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa
bàn theo phân cấp quản lý.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên
quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng
Nai căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản
lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, không để
xảy ra tiêu cực.
Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết,
tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp tốt nhằm chấn chỉnh, đưa
vào nề nếp hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Đẩy mạnh
các biện pháp chấn chỉnh việc lạm thu và sử dụng nguồn thu không đúng mục đích
a) Đối với kinh phí hoạt động của
Ban Đại diện cha mẹ học sinh
Việc thu, chi kinh phí hoạt động của
Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban
hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, cần lưu ý:
- Ban Đại diện
cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
+ Các khoản ủng hộ không theo
nguyên tắc tự nguyện.
+ Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ
sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm
máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản
lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học
và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của
nhà trường.
- Việc thu
kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện theo nguyên
tắc tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban Đại diện
cha mẹ học sinh ở từng lớp; kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh
trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp
theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các Trưởng ban Ban Đại diện cha mẹ học
sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban Đại diện cha mẹ học
sinh trường.
- Việc thu, chi kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học
sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Không quy định mức kinh
phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
b) Đối với các khoản đóng góp, tài
trợ của các tổ chức, cá nhân
Các khoản tài trợ cho giáo dục để
tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động
giáo dục tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư
số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài
trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc quản lý và sử dụng các khoản
tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo quy định tại Thông tư
số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công khai tài
chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các
khoản đóng góp của nhân dân và Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở
giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải
được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày
làm việc để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh,
sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ.
Quá trình thực hiện kế hoạch phải
tuân thủ đúng mục đích đã đề ra, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm,
tiêu chuẩn, định mức quy định, tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng
và mua sắm đấu thầu.
c) Đối
với trường hợp tài trợ với mục đích trao học bổng, trợ cấp cho người học
Thực hiện theo đúng Thông tư số
35/2011/TT-BTGDĐT ngày 11/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về trao và
nhận học bổng, trợ cấp cho người học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân.
d) Đối với các khoản tài trợ đột
xuất cho cơ sở giáo dục để khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố
nghiêm trọng, hỗ trợ cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo
Thực hiện theo Thông tư số
72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số
64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và
sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do
thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
đ) Đối với các khoản thu để mua sắm
phục vụ trực tiếp cho học sinh
Trong việc mua sắm áo quần đồng phục,
quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường,… các
cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với cha mẹ học sinh, cha mẹ
học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện cho thích hợp.
e) Đối với các khoản thu để thực
hiện thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh
Về tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú,
tiền nước uống; trông coi phương tiện tham gia giao thông
của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường,… yêu cầu cơ
sở giáo dục phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương, công khai mức
thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục và đào tạo chịu trách
nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp, tài trợ
cho cơ sở giáo dục và đào tạo. Thành lập bộ phận tiếp nhận các khoản tài trợ của
cơ sở giáo dục và đào tạo; phối hợp với nhà tài trợ tổ chức triển khai có hiệu
quả các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục và đào tạo; có đầy đủ hồ sơ, sổ sách,
chứng từ thu chi theo quy định; công khai thu chi theo đúng quy định; giải
trình với cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra và ý kiến thắc mắc
của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà
tài trợ.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối
hợp với cơ quan tài chính, thanh tra và các đơn vị có liên quan tổ chức thanh
tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản
thu, chi của các cơ sở giáo dục và đào tạo trên
địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh và xử lý những trường hợp sai phạm. Ủy ban
nhân dân cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục và đào tạo
trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Hàng
năm, trước khi vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện
chỉ đạo, nhắc lại việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu tại các cơ sở giáo dục
và đào tạo theo đúng quy định hiện hành.
3. Tăng cường
các biện pháp để khắc phục dứt điểm tiêu cực trong thi cử
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu
quả Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống
tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; Chỉ thị số
04/2007/CT-UBND ngày 24/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chống tiêu cực và
khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục để dạy tốt, học tốt đạt kết quả thực
chất.
Các cơ quan quản lý giáo dục, cơ
quan quản lý các cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo
thực hiện nghiêm túc các Quy chế, Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ,
ngành Trung ương về tổ chức các kỳ thi, các kỳ kiểm tra, đánh giá, xếp loại học
sinh, sinh viên. Quản lý chặt chẽ việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm gắn
với biện pháp khắc phục tiêu cực trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học
sinh. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý
của cơ quan quản lý giáo dục trong việc thi cử, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học
sinh, sinh viên.
Tiếp tục tập trung nâng cao chất
lượng dạy học, đổi mới phuơng pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng, đặc biệt là đề
kiểm tra định kỳ phải bám sát chuẩn kiến thức và kỹ năng. Thực hiện học thực chất,
thi thực chất; có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên
vi phạm quy chế thi, quy định chấm thi. Tăng cường công tác giáo dục cho học
sinh, sinh viên ý thức tự giác học tập, thực hiện nghiêm túc quy chế thi; bên cạnh
đó, cần cụ thể hoá các biện pháp xử lý nhằm mục đích răn đe góp phần tích cực
phòng, chống tiêu cực trong thi cử. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền
khen thưởng những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những cá nhân
có nhiều thành tích đóng góp cho việc chống tiêu cực trong các kỳ thi.
Các sở, ban, ngành có liên quan, tổ
chức, đoàn thể, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai phối hợp với
các cơ quan quản lý giáo dục tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giám sát, kiểm tra,
xử lý để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục triệt để các tiêu cực trong thi cử
trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo
tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá
học sinh, sinh viên để có giải pháp tích cực, khả thi khắc phục các tiêu cực nảy
sinh.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến
a) Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, các sở, ban, ngành có chức năng quản lý các cơ sở giáo dục và
đào tạo trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quán triệt các
nhiệm vụ trong Chương trình khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, học thêm,
việc lạm thu và sử dụng không đúng mục đích, tiêu cực trong thi cử đối với
ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến các đơn vị, cơ sở giáo
dục và đào tạo trong phạm vi phân cấp quản lý.
b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các đoàn thể, các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục
tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các bậc cha mẹ học sinh nghiêm
túc thực hiện, góp phần khắc phục dứt điểm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.
c) Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, định hướng nội dung hoạt
động tuyên truyền của các cơ quan Báo, Đài đối với các nội dung của Chương
trình này.
2. Triển
khai Chương trình và nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương
a) Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, các sở, ban, ngành có chức năng quản lý các cơ sở giáo dục và
đào tạo trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ Chương trình này
xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm
vụ được giao tập trung trong năm 2013, định hướng năm 2014 và 2015.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo triển
khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học
viên, sinh viên và đại diện cha mẹ học sinh để biết và thực hiện tốt Chương
trình này.
b) Trên cơ sở Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh
và Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức,
đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt và
khả thi các giải pháp để khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, việc
lạm thu và sử dụng không đúng mục đích, tiêu cực trong thi cử; định kỳ 6 tháng
và một năm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.
c) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi kết quả triển khai
thực hiện Chương trình này, tham mưu kịp thời và tổng hợp giúp Ủy ban nhân tỉnh
báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 6 tháng và
trong năm.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng
mắc cần phải điều chỉnh, bổ sung Chương trình này, các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động gửi văn bản đề xuất về Sở Giáo dục và
Đào tạo để Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, thống nhất tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định./.