Chương trình 273/CTr-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 73/NQ-CP triển khai Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 273/CTr-UBND
Ngày ban hành 30/10/2019
Ngày có hiệu lực 30/10/2019
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Hà Thị Minh Hạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/CTr-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 10 năm 2019

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 73/NQ-CP NGÀY 23/9/2019 CỦA CHÍNH PHỦ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 60/2018/QH14 NGÀY 15/6/2018 CỦA QUỐC HỘI VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. UBND tỉnh Hà Giang ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

- Khắc phục, phòng ngừa một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 đã được nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội, cụ thể:

+ Tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và vi phạm nguyên tắc thị trường; chưa hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng.

+ Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao; Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới; Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược còn hạn chế; Công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp vẫn còn bất cập và có một số vi phạm, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

+ Hoạt động kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả; Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập, trách nhiệm chưa rõ, một số trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng.

+ Công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước hiệu quả đạt được chưa cao; Sự phối hợp, hỗ trợ giữa các sở, ngành còn có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; công tác quản lý đất đai, chuyển đổi mục đích và thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch, hiệu quả thấp; Còn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật; chưa xây dựng được hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hiệu quả để kịp thời giám sát và cảnh báo các sai phạm tại doanh nghiệp.

- Thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hi nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

2. Yêu cầu:

- Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ.

- Xác định rõ nhiệm vụ của các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiện có vốn nhà nước; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Mục II Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ, UBND tỉnh giao các sở, ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước tham mưu cho UBND tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Sở Tài chính

- Tổ chức thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn trong từng giai đoạn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.

- Tổ chức thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn và tính tiền thuê đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

- Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp.

- Bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (nếu có).

- Đôn đốc doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước công khai thông tin doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định hiện hành.

- Tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường, minh bạch, công khai thông tin.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời hoặc đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; Có dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Chủ trì, phối hp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; việc chuyển đổi mô hình tại doanh nghiệp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Xác định giá đất theo quy định của Luật Đất đai để làm căn cứ xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn và tính tiền thuê đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

[...]