Chương trình 20/CTr-UBND năm 2021 về phát triển thanh niên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 20/CTr-UBND
Ngày ban hành 04/11/2021
Ngày có hiệu lực 04/11/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CTr-UBND

Lào Cai, ngày 04 tháng 11 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu nhiệm vụ phát triển thanh niên của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2030 với những nội dung như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm tại vùng Tây Bắc của Việt Nam, được tái lập từ tháng 10 năm 1991 với diện tích tự nhiên là 6.383,89 km2, có trên 182 km đường biên giới, với 01 cửa khẩu quốc tế và 04 cặp cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Toàn tỉnh có 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống hoà thuận, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc thiểu số phân bố, cư trú trên địa bàn 9/9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh.

Số lượng thanh niên tại Lào Cai hiện nay (từ đủ 16 đến 30 tuổi) có 143.219 người, chiếm gần 21,2% dân số toàn tỉnh ( trong đó nam là 72.741 người, Nữ là 70.408 người). Chia theo các lĩnh vực: Thanh niên trường học: 29.186 người (chiếm 20.4%); thanh niên là công nhân: 5.100 người (chiếm 3.5%); thanh niên trong lực lượng vũ trang: 2.365 người (chiếm 2%); thanh niên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ: 9.061 người (chiếm 7%); thanh niên là cán bộ, CCVC: 5.919 người (chiếm 4%); thanh niên trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp: 74.067 người (chiếm 51%); thanh niên là người dân tộc thiểu số là 94.675 người (chiếm 66% tổng số thanh niên toàn tỉnh); Số thanh niên được tập hợp thu hút trong tổ chức Đoàn - Hội chiếm 70,2%. Lực lượng thanh niên là nguồn nhân lực trẻ dồi dào, quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1. Thuận lợi

Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được của Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2020, thanh niên tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tinh thần và thể chất, có ý chí vươn lên làm chủ trong xã hội.

Các cấp lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và vai trò của chiến lược , chương trình phát triển thanh niên. Các cấp chính quyền đã quan tâm, chú trọng đến đối tượng thanh niên, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của thanh niên, công nhận những thành quả mà thanh niên đạt được.

2. Khó khăn, hạn chế

Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức hết ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một bộ phận thanh niên chưa tích cực trong công việc và đời sống, còn có tư tưởng ỷ lại, thiếu sáng tạo trong công việc, nhất là lối sống thực dụng, thích hưởng thụ có xu hướng gia tăng. Một số ít thanh niên còn thiếu ý thức rèn luyện, ngại tham gia các hoạt động chính trị- xã hội, hạn chế về nhận thức chính trị nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như: Sống buông thả, trộm cắp, mại dâm, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn thấp so với yêu cầu lao động xã hội. Tình trạng thanh niên thiếu việc làm, thu nhập thấp là vấn đề nổi cộm cần quan tâm.

Việc triển khai các hoạt động, chương trình, đề án, dự án cho thanh niên còn gặp nhiều hạn chế khó khăn do đặc điểm địa hình, thành phần dân tộc, trình độ dân trí, đặc biệt là tình trạng kết cấu hạ tầng cơ sở tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh còn kém dẫn đến việc tiếp cận của thanh niên với các hoạt động, chương trình, đề án còn thấp.

II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Quan điểm

a) Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 phải bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển thanh niên; kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được của Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2020.

b) Chương trình phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố, nguồn lực con người nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

c) Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong nhiệm vụ bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người. Thanh niên phát huy vai trò là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc .

d) Tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển lực lượng thanh niên Lào Cai ngang tầm với thanh niên các tỉnh khu vực Tây Bắc và thanh niên tỉnh nước ngoài có chung đường biên giới với Lào Cai.

2. Nguyên tắc

a) Bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương; lưu ý tính đặc thù, đặc điểm dân tộc, tôn giáo.

b) Các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa nội dung Chương trình thành cơ chế, chính sách phát triển thanh niên, bảo đảm phù hợp với hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện Chương trình.

c) Bảo đảm phát huy vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp; tổ chức kinh tế; các đoàn thể quần chúng nhân dân; cơ sở giáo dục gia đình, xã hội và của thanh niên.

d) Nguồn lực thực hiện Chương trình do Nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế, từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

III. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên tỉnh Lào Cai nói riêng phát triển toàn diện, giầu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khoẻ và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc.

[...]