Chương trình 1223b/CTPH-TLĐ-UBATGTQG năm 2014 phối hợp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, công nhân, viên chức lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành

Số hiệu 1223b/CTPH-TLĐ-UBATGTQG
Ngày ban hành 19/08/2014
Ngày có hiệu lực 19/08/2014
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam,Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Người ký Đặng Ngọc Tùng,Đinh La Thăng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM - ỦY BAN ATGT QUỐC GIA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1223b/CTPH-TLĐ-UBATGTQG

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2014

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2012 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”;

Nối tiếp Nghị quyết liên tịch số 08/2009/NQLT/TLĐLĐVN-UBATGTQG ngày 07/8/2009, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thống nhất chương trình phối hợp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động “Công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên Công đoàn (sau đây gọi chung là người lao động) tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công đoàn các cấp về bảo đảm TTATGT; nâng cao nhận thức và ý thức của người lao động về chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

2. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; giữa Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) địa phương với Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực tuyên truyền, vận động người lao động trong cả nước và đặc biệt chú trọng đối tượng là người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu, cụm công nghiệp) tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

3. Giảm thiểu tai nạn xe mô tô, xe gắn máy đối với người lao động; giảm tình trạng xe chở quá tải trọng trong các doanh nghiệp vận tải.

4. Tiếp tục vận động người lao động trong cả nước xây dựng "văn hóa giao thông" thông qua các hành vi, ứng xử khi tham gia giao thông và tham gia sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Công tác tuyên truyền, vận động

1.1. Nội dung tuyên truyền:

- Phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TTATGT;

- Phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đến người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong cả nước; trọng tâm là Luật giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật;

- Các nguy cơ, hiểm họa tai nạn xe mô tô, xe gắn máy và các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy nhất là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn (từ 18h00-24h00); nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật TTATGT và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho người lao động. Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện 3 phải và 3 không khi đi mô tô, xe gắn máy (phải đội MBH, phải đi đúng phần đường, làn đường, phải giảm tốc độ và quan sát an toàn khi từ đường phụ ra đường chính; không lái xe sau khi uống rượu, bia; không phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định).

- Các biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ sang đường, đi xe đạp, xe đạp diện; tai nạn đò ngang, tai nạn đường ngang qua đường sắt;

- Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện “văn hóa giao thông”, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

- Phổ biến những kinh nghiệm, mô hình hay, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác bảo đảm TTATGT; phê phán những hiện tượng tiêu cực, hành vi kém ý thức khi tham gia giao thông.

1.2. Hình thức, phương pháp tuyên truyền:

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông và văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong hệ thống Công đoàn, từ Tổng Liên đoàn đến LĐLĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công đoàn ngành Trung ương và tương đương.

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ, điều kiện sống, điều kiện làm việc của người lao động, cụ thể:

+ Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp;

+ Tuyên truyền qua tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, đĩa CD tiếng, đĩa VCD hình;

+ Tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, khu nhà trọ công nhân tự quản;

+ Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi lễ ra quân, diễu hành, cổ động, tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động tại các khu công nghiệp;

+ Tuyên truyền trực quan như sử dụng các pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tranh cổ động tại các nút giao thông;

- Vận động người lao động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông;

- Tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông tại đơn vị hoặc theo cụm với các hình thức: thi viết, sân khấu hóa, lái xe mô tô an toàn; tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông...

[...]