Chỉ thị 9270/CT-BNN-TY năm 2014 tăng cường công tác thú y thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 9270/CT-BNN-TY
Ngày ban hành 17/11/2014
Ngày có hiệu lực 17/11/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 9270/CT-BNN-TY

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÚ Y THỦY SẢN

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 49.794 ha (bao gồm 46.079 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, hơn 1.000 ha diện tích nuôi cá tra, diện tích nuôi ngao, nghêu,...), trên 2.000 lồng có tôm hùm bị bệnh và hơn 9.000 ha bị thiệt hại do môi trường ô nhiễm. Một số dịch bệnh quan trọng trên tôm (bệnh đốm trắng), trên cá tra (bệnh gan thận mủ, xuất huyết), trên tôm hùm (bệnh sữa) và thiệt hại do ô nhiễm môi trường liên tục có chiều hướng gia tăng từ năm 2012; gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng của người nuôi trồng thủy sản, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Nguyên nhân chính là do công tác thú y thủy sản của các địa phương còn yếu kém, nhiều tồn tại, bất cập chưa được khắc phục, cụ thể: (1) Một số địa phương chưa chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y quản lý, ở cấp huyện và cấp xã không có đội ngũ cán bộ làm công tác thú y thủy sản; (2) Công tác quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản còn yếu; (3) Nhiều địa phương chưa chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản hoặc có phê duyệt kế hoạch nhưng không bố trí đủ lượng kinh phí để tổ chức thực hiện hoặc không bố trí kinh phí; (4) Công tác chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo dịch bệnh chưa đúng theo quy định, nhất là ở các địa phương chưa chuyển nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y quản lý; (5) Nhiều phòng thử nghiệm chưa được đầu tư đạt chuẩn, dẫn đến kết quả xét nghiệm còn nhiều sai sót, không chính xác. Nguồn nhân lực, công tác giám sát chủ động phát hiện sớm dịch bệnh, điều tra ổ dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ chưa đáp ứng yêu cầu để cảnh báo, giúp cho việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh; (6) Công tác kiểm dịch thủy sản, quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc thú y còn nhiều hạn chế, gây bức xúc cho người nuôi trồng thủy sản; (7) Công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh thủy sản còn quá ít, dẫn đến ý thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi trồng thủy sản chưa cao, xả thải nước và thủy sản bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường, làm dịch bệnh phát tán và lây lan mạnh.

Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên nhằm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam sang các nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản theo nội dung quy định tại Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2014 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi; Công văn số 1730/BNN-TY ngày 03/6/2014 của Bộ NN&PTNT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi; Công văn số 5887/BNN-TY ngày 25/7/2014 của Bộ NN&PTNT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản; Công văn số 6247/BNN-TY ngày 06/8/2014 của Bộ NN&PTNT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thuốc thú y thủy sản và các văn bản hướng dẫn của Cục Thú y, trong đó cần chú trọng một số nội dung chính sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau đây:

a) Các địa phương chưa chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y quản lý, đề nghị chuyển giao cả nhiệm vụ và nhân lực cho Chi cục Thú y quản lý trước tháng 02 năm 2015 (hiện nay còn 4 tỉnh mới chỉ chuyển giao một phần nhiệm vụ quản lý thú y thủy sản và còn 7 tỉnh, thành phố chưa chuyển giao nhiệm vụ quản lý thú y thủy sản cho Chi cục Thú y);

b) Khẩn trương tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định tại Thông tư số 17 và Công văn số 5887 nêu trên; đồng thời gửi bản kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trước ngày 31/12/2014 để phối hợp thực hiện. Năm 2015, tập trung phòng, chống bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ;

c) Rà soát, đầu tư, nâng cấp các phòng thử nghiệm của địa phương đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc đạt chuẩn ISO 17025;

d) Rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm dịch thủy sản đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản giống lưu thông trong nước, giảm thiểu thủ tục, tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển thủy sản giống đi tiêu thụ;

đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, kế hoạch giám sát dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả;

e) Tổ chức thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y để tránh các chất tồn dư, ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm thủy sản;

g) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, hóa chất cải tạo môi trường thủy sản; phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch thủy sản và tổng hợp thông báo định kỳ, đột xuất về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để phối hợp xử lý vi phạm.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: (1) Thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực thú y thủy sản (bao gồm cả công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch thủy sản, quản lý kinh doanh sử dụng thuốc thú y thủy sản); (2) Chủ trì xây dựng, trình ban hành và tổ chức hướng dẫn thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn, giám sát các loại dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, tôm hùm, cá tra và các loại thủy sản khác; (3) Hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản và kiểm soát tại gốc theo các quy định hiện hành; (4) Thường xuyên nắm bắt những tồn tại, vướng mắc và vi phạm trong công tác thú y thủy sản để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp giải quyết, xử lý;

b) Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan: (1) Đẩy mạnh việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch; (2) Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; (3) Xây dựng và ban hành các quy trình nuôi;

c) Trung tâm Khuyến nông quốc gia: (1) Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền cho người nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt việc nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y thủy sản và kiểm dịch thủy sản giống; (2) Nhân rộng các mô hình nuôi an toàn dịch bệnh có hiệu quả cao.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- PTTg Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố;
- Tổng cục Thủy sản;
- Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng;
- Sở NN&PTNT, CCTY, CCNTTS; CCTS các tỉnh, thành phố;
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia;
- Luu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát