Chỉ thị 87-TTg năm 1973 về việc xây dựng, xét duyệt và ban hành định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật năm 1973-1974 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 87-TTg |
Ngày ban hành | 24/04/1973 |
Ngày có hiệu lực | 09/05/1973 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
|
Số: 87-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1973 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG , XÉT DUYỆT VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC TIÊU DÙNG VẬT TƯ KỸ THUẬT NĂM 1973-1974
Trong mấy năm qua, do hoàn cảnh nước nhà có chiến tranh, mọi mặt hoạt động của các ngành kinh tế của nước ta đều tập trung phục vụ cho chiến đấu và bảo đảm đời sống; nhiều công việc bắt buộc phải làm kỳ được với thời gian nhất định; do đó việc tính toán hiệu quả kinh tế có bị hạn chế. Công tác định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật do đó cũng bị xem nhẹ ; việc xét duyệt, ban hành định mức có hệ thống và việc quản lý thực hiện định mức không giữ được nề nếp như trước khi có chiến tranh; một số Bộ, Tổng cục có duy trì một số định mức vật tư nhưng định mức xây dựng chưa chặt chẽ.
Miền Bắc nước ta đã chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh khôi phục và phát triển nền kinh tế, đòi hỏi mọi mặt hoạt động phải tính toán hiệu quả, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi ngày càng nhiều vật tư và thiết bị; nhưng nguồn vật tư thiết bị của chúng ta có hạn, một phần lớn phải dựa vào nhập khẩu . Do đó, việc tiết kiệm vật tư kỹ thuật có ý nghĩa rất to lớn. Để đáp ứng được các yêu cầu cân đối nền kinh tế quốc dân, mọi nhu cầu tiêu dùng vật tư trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế của chúng ta đều cần có định mức và phải là định mức tiến bộ. Vì vậy,tất cả các cấp, các ngành phải khôi phục và phát triển công tác định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật theo kịp với yêu cầu của quản lý kinh tế trong thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế quốc dân; cấp bách trước mắt là phải tổ chức lại công tác xây dựng, xét duyệt, ban hành một cách có hệ thống các định mức tiêu dùng vật tư từ cơ sở sản xuất lên đến Trung ương. Cụ thể là:
1. Từ nay trở đi, trong tất cả các công việc có sử dụng đến vật tư kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải đều phải có định mức dùng vật tư. Trong các công việc trên, mọi thứ vật tư, kể từ nguyên vật liệu chính cho đến vật liệu phụ và các loại thiết bị, phương tiện được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn sản xuất nào cũng đều phải có định mức.
2. Tất cả các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật đều phải được xây dựng từ cơ sở lên và đều phải được xét duyệt, ban hành theo sự phân cấp của Nhà nước đã quy định.
3. Những định mức đã được xét duyệt , ban hành là căn cứ cho việc lập kế hoạch cung ứng vật tư , hạch toán giá thành, đồng thời là căn cứ để đánh giá chất lượng hòan thành kế hoạch.
Các ngành, các cấp cần nghiêm chỉnh chấp hành, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các định mức tiêu dùng vật tư, kịp thời điều chỉnh những định mức không sát với thực tế sản xuất, phấn đấu để định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật ngày càng tiến bộ.
Để thực hiện các điều nêu trên, trong năm 1973, các cấp các ngành cần làm tốt các việc sau đây:
1. Xây dựng và chỉnh lý định mức.
Các Bộ, Tổng cục, các địa phương cần hướng dẫn cho các cơ sở, nơi nào chưa có định mức cần phải tiến hành ngay việc xây dựng định mức; nơi nào đã có định mức cần tiến hành soát xét lại, chỉnh lý để đảm bảo tính hiện thực của định mức.
Các đơn vị cơ sở cần phát động đông đảo công nhân, các tổ sản xuất, các phân xưởng tham gia việc xây dựng và chỉnh lý định mức lần này, phải thể hiện được đầy đủ tất cả các kinh nghiệm , sáng kiến của quần chúng lao động; phải bảo đảm đầy đủ các căn cứ của định mức, hết sức tránh tình trạng làm định mức qua loa đại khái.
Định mức được xây dựng và chỉnh lý cần cố gắng áp dụng phương pháp phân tích khoa học; trường hợp nào không thể áp dụng được phương pháp này, thì mới áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm ; nhưng khi áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm, cần phải chú ý phân tích loại trừ các yếu tố đặc biệt, không thường xuyên, đã dẫn đến lãng phí vật tư kỹ thuật.
Đối với tất cả các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, kể cả nguyên liệu chính và phụ tùng cho sản xuất, xây dựng, vận tải…đều phải xây dựng và chỉnh lý lại định mức.
Đối với việc sử dụng công suất các loại thiết bị, vì có nhiều khó khăn về phương pháp lập định mức, ta lại chưa có kinh nghiệm, nên trước mắt cần tiến hành lập và chỉnh lý những định mức trước đây đã làm để có định mức tiến bộ hơn , trong đó cần đặc biệt chú ý xây dựng và chỉnh lý định mức sử dụng công suất các loại phương tiện vận tải, các thiết bị dùng trong ngành thi công xây dựng, khai hoang.
2. Xét duyệt và ban hành định mức.
Tất cả các loại định mức về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và định mức sử dụng công suất thiết bị xây dựng từ cơ sở đều phải được thủ trưởng các đơn vị cơ sở xét duyệt, gửi lên cấp trên của mình đồng thời phải gửi tất cả cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nếu là định mức dùng cho xây dựng cơ bản hoặc gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nếu là định mức dùng cho sản xuất, vận tải và các công việc khác. Đối với các loại định mức chi tiết các đơn vị cần gửi cho cơ quan cung ứng có liên quan để có căn cứ cấp phát và theo dõi thực hiện định mức.
Tùy theo tính chất quan trọng của từng loại vật tư kỹ thuật đối với các cơ sở của mình, các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố có thể phân cấp ủy nhiệm cho giám đốc các Cục, Sở, Ty, giám đốc xí nghiệp công, nông, lâm, ngư nghiệp xét duyệt, ban hành định mức những loại nguyên vật liệu xét thấy cấp trên không cần phải tập trung xét duyệt theo quyết định của Hội đồng Chính phủ số 43-CP ngày 22-5-1963.
Mỗi cấp khi xét duyệt cần tổ chức một hội đồng định mức gồm những thành phần có liên quan và do thủ trưởng đơn vị chủ trì. Tùy theo từng loại công việc có thể mời các ngành có liên quan ngoài đơn vị tham gia khi xét duyệt.
Tất cả các định mức sau khi được Thủ trưởng các cấp , hoặc ngành chủ quản xét duyệt đều có hiệu lực ngay ở cấp hoặc ngành ấy. Sau khi các định mức được cấp có thẩm quyền quyết định xét duyệt, ban hành chính thức, các ngành và đơn vị cơ sở phải kịp thời sửa đổi lại các định mức của mình cho phù hợp với định mức của cấp trên.
3. Thực hiện và báo cáo tình hình chấp hành định mức.
Thủ trưởng các đơn vị cơ sở phải có kế hoạch và biện pháp tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh các định mức trong các lĩnh vực quản lý sản xuất, kinh doanh của mình; thường xuyên phải giám sát việc thực hiện định mức và báo cáo đều đặn việc chấp hành và kết quả của việc thực hiện định mức trong đơn vị , ngành mình cho Tổng cục Thống kê và các cơ quan quản lý định mức của Nhà nước theo chế độ báo cáo hiện hành.
Các cơ quan có trách nhiệm xét duyệt và công bố việc hoàn thành kế hoạch của đơn vị cơ sở phải theo dõi việc thực hiện các chỉ tiêu định mức vật tư kỹ thuật của cơ sở và coi đó là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng hoàn thành kế hoạch Nhà nước.
Để kịp đáp ứng cho công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1973 và năm 1974, các cấp, các ngành cần tiến hành khẩn trương các công việc nói trên . Cụ thể về thời gian tiến hành, Thủ tướng Chính Phủ quy định như sau:
- Từ nay đến cuối tháng 7-1973, các đơn vị cơ sở phải xây dựng, chỉnh lý, xét duyệt xong phần định mức của đơn vị mình, gửi lên cấp quản lý trực tiếp và đồng thời gửi đến Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước , Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Trong tháng 8- 1973, các Bộ, Tổng cục Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố phải xét duyệt xong định mức thuộc phạm vi mình phụ trách và gửi cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước , Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Trong tháng 9 -1973 Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước phải xét duyệt và ban hành những định mức mà Chính phủ đã ủy nhiệm.