Chỉ thị 7/CT-UBND năm 2020 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hải Dương

Số hiệu 7/CT-UBND
Ngày ban hành 19/03/2020
Ngày có hiệu lực 19/03/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7/CT-UBND

Hải Dương, ngày 19 tháng 3 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cả nước đã có 43 ổ dịch Cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra; có 114 ổ dịch Lở mồm long móng tại 11 tỉnh; Số gia súc bệnh là 4.044 con, trong đó số gia súc chết là 117 con; phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh Bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/202020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, kiên quyết không để các loại dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 trên người đang diễn ra hết sức phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn và khống chế kịp thời khi có ổ dịch phát sinh theo đúng quy định, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Hải Dương và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh tuyền nhiễm nguy hiểm như các bệnh: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Dại… theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành Thú y cấp tỉnh, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các đàn có nguy cơ cao.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành Thú y cấp tỉnh tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.

- Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh động vật. Xây dựng phương án dự phòng về kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với tình hình dịch động vật, tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, các dấu hiệu nhận biết, các biện pháp phòng bệnh chủ động; vận động người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chấp hành và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của cơ quan Thú y, tăng tần suất vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các hóa chất có tính sát khuẩn mạnh nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu; không buôn bán, giết mổ động vật và sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, sử dụng thịt gia súc, gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh động vật; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh chủ động theo Hướng dẫn của Cục Thú y; Bộ Nông nghiệp và PTNT với các bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Bệnh Dịch tả lợn Châu phi, Tai xanh,… nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước; Tổ chức thực hiện tốt công tác thú y, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bảo vệ sản xuất chăn nuôi.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật bám sát địa phương, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường theo dõi, giám sát đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; để xử lý ổ dịch trong phạm vi hẹp không để lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cấp kinh phí để mua sắm hóa chất, vật tư theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch động vật nhằm chủ động ứng phó kịp thời với các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật phát sinh trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Y tế

Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành trực thuộc từ tỉnh đến cơ sở tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghị nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 và các chủng Cúm gia cầm khác; tổ chức giám sát cộng đồng, thực hiện cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để ca bệnh cúm ở người, không để dịch bệnh lây lan diện rộng ; khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

5. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố, thị xã và các và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán động vật và sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông, vận chuyển ra, vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh

Tăng cường quản lý thị trường, phối hợp với các ngành như Công an, Thú y,… tổ chức kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc rõ ràng, nhập lậu lưu thông trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ đầu mối, các tụ điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật,…

7. Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan khác theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp với ngành Nông nghiệp, UBND huyện, thành phố, thị xã để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác chủ động tham gia cùng chính quyền địa phương các cấp, các Sở, ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả.

9. Đài PTTH tỉnh, Báo Hải Dương

Tăng cường thời lượng để đưa tin, khuyến cáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc phòng, chống bệnh; tác hại của việc buôn bán động vật và các sản phẩm của động vật không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y đến người chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ...

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện , thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ