Chỉ thị 7/CT-UBND năm 2020 về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 7/CT-UBND
Ngày ban hành 14/04/2020
Ngày có hiệu lực 14/04/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 14 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu; các thủ tục hành chính về cấp phép lao động được thực hiện công khai, minh bạch, thông thoáng và đã thực hiện ở mức độ 3, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian đi lại. Công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn quy định của pháp luật về tuyển dụng và sử dụng người lao động nước ngoài, về hoạt động khai báo, quản lý tạm trú người lao động nước ngoài đã được quan tâm thực hiện; phần lớn doanh nghiệp và người lao động nước ngoài chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, gần đây có tình trạng một số doanh nghiệp bảo lãnh số lượng lớn người lao động nước ngoài vào làm việc không đúng quy định của pháp luật theo dạng thị thực dưới 03 tháng, đã bị phát hiện và bị xử phạt vi phạm hành chính; còn một số địa phương nắm tình hình chưa tốt, không phát hiện được sớm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp để thông tin cho cơ quan chức năng biết, xử lý kịp thời; còn một số vướng mắc về quy định pháp luật trong quá trình thực hiện cấp giấy phép lao động, thẩm định xác nhận vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài, khai báo tạm trú đã được các ngành chức năng phát hiện nhưng chưa chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, các Bộ Ngành, Trung ương để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ.

Dự báo thời gian tới nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của các doanh nghiệp tiếp tục tăng cao do có nhiều dự án lớn (có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ mới, hiện đại đòi hỏi phải sử dụng nhiều nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài) đang và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh.

Để chấn chỉnh các vi phạm, khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý người lao động nước ngoài trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà thầu và các cá nhân (dưới đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) có sử dụng người lao động nước ngoài tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trung tâm sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, phối hợp với Sở Ngoại vụ soạn thảo tài liệu cẩm nang hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài bằng tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài thuộc phạm vi quản lý.

- Theo dõi, quản lý chặt chẽ số người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp bên ngoài các khu công nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo trước khi bảo lãnh cho người lao động nước ngoài vào làm việc với thời hạn dưới 03 tháng; chủ động rà soát các trường hợp không có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp kiểm tra, hướng dẫn Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thực hiện đúng các nhiệm vụ được ủy quyền về công tác quản lý người lao động nước ngoài.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai xây dựng và vận hành phần mềm quản lý thông tin (có bảo mật) về tình hình quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm xây dựng, cập nhật thông tin liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại các tổ chức, cá nhân ngoài khu công nghiệp,… Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng phần mềm quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.

- Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng, gửi Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện, thành phố thông tin về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; tình hình sử dụng người lao động nước ngoài của các tổ chức, cá nhân ngoài khu công nghiệp; danh sách người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và không đủ điều kiện cấp giấy phép lao động, kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài trong tháng trước để phối hợp theo dõi, quản lý.

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm, tổng hợp tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định; đồng thời tổng hợp và gửi thông tin về người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh nhưng cư trú ngoài tỉnh cho Công an tỉnh Bắc Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố nơi người lao động nước ngoài cư trú để phối hợp, quản lý.

- Định kỳ tháng 11 hàng năm phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan lập danh sách các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài cần thanh tra, kiểm tra trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm tiếp theo.

2. Công an tỉnh

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại cho tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài, chủ cơ sở có người nước ngoài lưu trú.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp quản lý, theo dõi, giám sát tình hình bảo lãnh, tình hình sử dụng người lao động nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng bảo lãnh, cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài thuộc đối tượng phải có giấy phép lao động vào làm việc không đúng với quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, nhất là người nhập cảnh bằng thị thực du lịch nhưng làm việc, lao động, đầu tư, cư trú trái phép,…

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng và vận hành phần mềm quản lý thông tin (có bảo mật) về tình hình quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm xây dựng, cập nhật thông tin liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú, cấp thẻ tạm trú, thị thực, gia hạn tạm trú, xử lý vi phạm của người lao động nước ngoài làm việc tại các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Ngoại vụ xác minh tính pháp lý của giấy tờ, tài liệu liên quan tới việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người lao động nước ngoài; chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan về người lao động nước ngoài có nghi vấn sai phạm hoặc có vụ việc phức tạp để phối hợp, xử lý.

- Phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý tạm trú của người nước ngoài tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của UBND tỉnh quy định về quản lý tạm trú của người nước ngoài trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời kiến nghị với UBND tỉnh để xem xét, giải quyết các vấn đề bất cập.

- Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thông báo tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thông tin trong tháng trước về danh sách người lao động nước ngoài được cấp thị thực, thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú làm việc cho các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh để phối hợp theo dõi, quản lý.

- Định kỳ tháng 11 hàng năm, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách các tổ chức, cá nhân có sử dụng người lao động nước ngoài cần phối hợp thanh tra, kiểm tra để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành trong năm tiếp theo.

- Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm năm tổng hợp tình hình người lao động nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tới các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài trong các khu công nghiệp.

- Theo dõi, quản lý chặt chẽ số người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc báo cáo trước khi bảo lãnh cho người lao động nước ngoài vào làm việc với thời hạn dưới 03 tháng; chủ động rà soát các trường hợp không có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về sử dụng người lao động nước ngoài.

- Chủ trì thẩm định hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện tốt công tác thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong khu công nghiệp.

[...]