Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Chỉ thị 60/BYT năm 1994 về tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 06/BYT-CT
Ngày ban hành 18/07/1994
Ngày có hiệu lực 02/08/1994
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trọng Nhân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/BYT-CT

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Trong nhiều năm qua, ngành y tế đã làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn kịp thời các vụ ngộ độc ăn uống, các dịch vụ đường ruột, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Tuy vậy, trong mấy năm gần đây, khi nền kinh tế nước ta chuyển sang hướng kinh tế thị trường các loại thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia, nước giải khát sản xuất trong và ngoài nước xuất hiện trên thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt dịch vụ ăn uống trên hè phố ngày càng phát triển. Trong khi đó, nước sinh hoạt thiếu, nước thải ứ đọng ở nhiều nơi, các chất thải còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Với bối cảnh vệ sinh môi trường như vậy, công tác vệ sinh thực phẩm ngày càng trở lên quan trọng và cấp bách.

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV của Ban chấp hành Trung ương Đảng về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, chỉ thị 331/TTg ngày 26/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng sản phẩm đồ uống, đặc biệt từng bước đưa Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân vào cuộc sống, Bộ Y tế chỉ thị cho Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm trong tỉnh, bắt đầu bằng tuần lễ phát động vào trung tuần tháng 8/1994, tập trung vào các nội dung chủ yếu như sau:

a. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt với các loại thức ăn chín, thực phẩm dễ ôi thiu, nước giải khát, bia rượu.

b. Các cơ sở dịch vụ ăn uống của Nhà nước và tư nhân phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống trên hè phố.

c. Tuyên truyền các kiến thức tối thiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên làm dịch vụ ăn uống và cho toàn dân, chú trọng thông tin về ngộ độc ăn uống, dịch bệnh đường ruột và tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương.

Nhận được chỉ thị này, Giám đốc Sở Y tế phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo thực hiện với sự tham gia của cơ quan truyền thông và các ban ngành, các đoàn thể và hội chữ thập đỏ của địa phương.

Sau tuần lễ phát động và sau từng quý thực hiện kế hoạch vệ sinh an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế phải báo cáo các kết quả cụ thể về Bộ Y tế (VSPD).

 

 

Nguyễn Trọng Nhân

(Đã ký)