Chỉ thị 59-CT/TW năm 2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 59-CT/TW
Ngày ban hành 15/12/2006
Ngày có hiệu lực 15/12/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Phạm Thế Duyệt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 59-CT/TW

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 24-3-1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI), Hội Nông dân Việt Nam được xây dựng, củng cố tổ chức từ Trung ương đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công tác Hội và phong trào nông dân đã có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng đưa nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển với tốc độ nhanh, góp phần ổn định chính trị và kinh tế- xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trước hết là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, công tác xây dựng Hội và vận động nông dân còn những mặt hạn chế. Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện củng cố tổ chức và hoạt động của Hội.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng chiến lược của giai cấp nông dân, của nông nghiệp và nông thôn. Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam và vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào nông dân góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố Hội Nông dân các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Hội thật sự là lực lượng nòng cốt của phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới, là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân, là nhân tố quan trọng của khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức - nền tảng chính trị vững chắc của chế độ ta.

Căn cứ vào Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá VIII) và chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền bố trí biên chế cán bộ Hội ở các cấp với cơ cấu hợp lý, bảo đảm chất lượng. Trong quy hoạch cán bộ của Đảng, cần chú trọng quy hoạch cán bộ Hội Nông dân. Việc bố trí cấp uỷ viên giữ các chức vụ chủ chốt của Hội Nông dân ở các cấp, ngoài các tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, uy tín phải có tác phong gần gũi quần chúng, am hiểu nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Đảng viên ở nông thôn có trách nhiệm tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Nông dân, gương mẫu thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cấp uỷ đảng, chính quyền phải đưa vào Hội Nông dân để giải quyết kịp thời những kiến nghị của dân, không để khiếu kiện vượt cấp. Hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

2. Các cấp chính quyền, các ban, ngành cần thực hiện tốt Quyết định 17/1998/QĐ-TTg ngày 24-01-1998, tạo điều kiện để Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa triển khai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ở nông thôn.

3. Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, chăm lo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Các cấp hội phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và tổ chức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp mọi tầng lớp nông dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống hội viên, nông dân, xây dựng nông thôn mới. Hội phải nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn, tâm tư, nguyện vọng của nông dân; chủ động và có chính kiến đề xuất với cấp uỷ, chính quyền những chủ trương biện pháp đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của nông dân. Hội Nông dân phải là thành viên tích cực của các chương trình về kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia vào việc hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã của nông dân; hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức các hoạt động ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, tổ chức dạy nghề tại chỗ cho nông dân thông qua công tác khuyến nông; động viên, khuyến khích, hỗ trợ hội viên nông dân khôi phục và phát triển làng nghề; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ ở nông thôn nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Phát triển các phong trào nông dân hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hoá” ở nông thôn.

Hội phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để mọi cán bộ Hội thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phương pháp vận động hội viên, nông dân.

4. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền kiểm điểm việc thực hiện Quyết định 17/1998/QĐ-TTg và cụ thể hoá các chủ trương của Bộ Chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân hoạt động và phong trào nông dân phát triển.

Các tỉnh, thành ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương có biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân để làm tốt công tác vận động quần chúng của Đảng trong tình hình mới.

5. Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị tổ chức triển khai và theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

Chỉ thị được phổ biến đến các chi bộ.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt