Chỉ thị 470-TTg năm 1959 về sử dụng và quản lý xe ô-tô con ở các đoàn thể và cơ quan Nhà nước do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 470-TTg
Ngày ban hành 29/12/1959
Ngày có hiệu lực 13/01/1960
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 470-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1959 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ XE Ô-TÔ CON Ở CÁC ĐOÀN THỂ VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Hiện nay nhu cầu của các ngành và các địa phương về xe ô-tô con làm phương tiện giao thông cho cán bộ đi công tác ngày càng nhiều. Mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra một số ngoại tệ rất lớn để nhập xe ở ngoài về trong lúc khả năng tài chính của Nhà nước rất có hạn.

Tình hình đó đòi hỏi mỗi một cơ quan phải đề cao tiết kiệm, quản lý thật chặt chẽ, sử dụng và bảo quản thật tốt số xe con hiện còn, nhằm giảm bớt chi tiêu về hành chính, động viên mọi khả năng tài chính về đẩy mạnh kiến thiết kinh tế và phát triển văn hóa.

Việc quản lý xe ô-tô con của các cơ quan trong mấy năm qua có rất nhiều thiếu sót:

- Về việc phân phối xe, một mặt Thủ tướng phủ và Bộ Tài chính phân phối xe cho các ngành và các địa phương, nhưng mặt khác một số Bộ vẫn trực tiếp phân phối thẳng một số xe về cho các cơ quan ngành dọc ở địa phương.

- Một số ngành tự động mua xe của tư nhân hoặc trực tiếp đặt hàng với Bộ Ngoại thương không báo cáo cho Thủ tướng phủ và Bộ Tài chính biết.

- Ngày 14-4-1959 Thủ tướng phủ có công văn số 1646-TN giao cho Bộ Nội thương kinh doanh xe ô-tô con đồng thời quy định việc phân phối xe phải theo kế hoạch của Bộ Tài chính, nhưng vừa qua Bộ Nội thương đã phân phối xe cho các ngành mà không cho Bộ Tài chính và Thủ tướng phủ biết làm trở ngại nhiều đến kế hoạch phân phối chung.

- Về sử dụng xe ô-tô con thì ngoài những hiện tượng sử dụng bừa bãi không hợp lý, còn có hiện tượng sử dụng xe quá phân tán. Mỗi cơ quan nhỏ giữ riêng một số xe gây lãng phí lớn về công suất xe và về tài xế.

- Một số ngành và địa phương còn tư tưởng cục bộ, muốn giành nhiều xe cho ngành hoặc địa phương mình, không phục tùng kế hoạch điều động xe của Bộ Tài chính.

- Một hiện tượng tư tưởng tương đối phổ biến là nhiều cơ quan muốn dùng xe mới, xe tốt, không muốn dùng xe cũ. Xe hỏng có thể sửa chữa được cũng không chịu sửa chữa để dùng, đòi trả lại cho Nhà nước để xin xe khác.

Để khắc phục những thiếu sót nói trên, Thủ tướng Chính phủ quy định một số nguyên tắc và biện pháp sau đây về việc quản lý xe ô-tô con.

1. Nguyên tắc sử dụng:

Trừ trường hợp dùng xe trong công tác ngoại giao, xe ô-tô con là một phương tiện giao thông dùng đi công tác trong những trường hợp công tác khẩn trương đòi hỏi phải tranh thủ thời gian, nếu để chậm thì lỡ công việc; trong những trường hợp bình thường có thể dùng phương tiện giao thông khác (xe tắc xi, xe lửa…) mà không làm chậm trễ công việc thì nhất thiết không dùng xe ô-tô con của cơ quan.

Ở các cơ quan, trừ số xe dùng riêng cho các thủ trưởng có tiêu chuẩn dùng xe riêng đã quy định thì tất cả các xe khác đều là xe để dùng chung.

Nói chung, không chia xe phân tán, cho từng cơ quan nhỏ một mà các Bộ hoặc các Ủy ban Hành chính địa phương sẽ tập trung vào một nơi nhất định để dùng chung cho tất cả các Vụ, Cục, Viện, Sở, v.v… thuộc Bộ hoặc cho tất cả các Khu, Sở, Ty ở địa phương. Trường hợp cá biện có cơ quan ở xa hoặc có lý do đặc biệt thì Bộ hoặc Ủy ban Hành chính địa phương sẽ xét mà phân phối riêng cho cơ quan đó một số xe nhất định.

2. Trách nhiệm quản lý xe ô-tô con:

- Các Bộ chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số xe ô-tô của Bộ mình (kể cả xe ô-tô con ở các xí nghiệp do Bộ quản lý) định ra chế độ quản lý xe ở Bộ mình, đề xuất yêu cầu xe ô-tô của Bộ mình gửi cho Bộ Nội thương và Bộ Tài chính để tổng hợp lập kế hoạch phân phối chung.

- Văn phòng Thủ tướng phủ chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số xe ô-tô con của Văn phòng Thủ tướng phủ và các cơ quan trực thuộc.

- Các Ủy ban Hành chính các địa phương chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số xe ô-tô con dùng ở địa phương, lập yêu cầu xe ô-tô con địa phương mình gửi cho Bộ Nội thương và Bộ Tài chính để lập kế hoạch phân phối chung.

- Bộ Nội thương cùng với Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp yêu cầu xe ô-tô con của tất cả các Bộ, các cơ quan, đoàn thể và của tất cả các địa phương; căn cứ vào khả năng xe hiện có trong nước và xe có thể nhập về để lập kế hoạch phân phối chung hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ duyệt y.

Ngoài kế hoạch hàng năm ra, mỗi lần có đợt xe mới về thì Bộ Nội thương và Bộ Tài chính cần lập kế hoạch phân phối trình Thủ tướng Chính phủ duyệt y.

- Bộ Ngoại thương không trực tiếp nhận đơn đặt hành riêng về xe ô-tô con của các Bộ (trong đó có cả Bộ Ngoại thương) và các cơ quan, mà chỉ nhận đơn đặt hàng chung của Bộ Nội thương đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt y.

- Các Bộ và các đoàn thể ở trung ương không được phân phối thẳng xe cho các cơ quan ngành dọc của mình ở địa phương (cơ quan địa phương do Ủy ban Hành chính địa phương quản lý).

3. Nguyên tắc phân phối một số mốt-cô-vít kiểu mới mà Bộ Nội thương đã tạm phân phối cho các cơ quan trong khi chưa có kế hoạch của Bộ Tài chính và chưa được Thủ tướng Chính phủ duyệt y, nay phải phân phối lại số xe ấy một cách hợp lý. Thủ tướng Chính phủ quyết định phân phối số xe này cho những vị có tiêu chuẩn dùng xe riêng. Đối với yêu cầu xe dùng chung của các ngành thì sẽ căn cứ vào yêu cầu và khả năng của Nhà nước mà cấp thêm các loại xe mốt-cô-vít loại cũ hoặc loại xe tương tự. Thủ tướng phủ sẽ có chỉ thị cụ thể cho từng cơ quan một về việc phân phối này.

Vấn đề quản lý xe ô-tô con để tiết kiệm tài sản của Nhà nước là một vấn đề quan trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, các Ủy ban Hành chính các địa phương nghiên cứu kỹ chỉ thị này, định kế hoạch thi hành và báo cáo cho Thủ tướng phủ biết tình hình thực hiện trong tháng 01 năm 1960.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 

 
Phạm Hùng