Chỉ thị 47-TTg năm 1992 về những việc cần làm để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 47-TTg
Ngày ban hành 03/11/1992
Ngày có hiệu lực 18/11/1992
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ 

Trong phiên họp thứ nhất ngày 16, ngày 17 tháng 10 năm 1992, Chính phủ đã thảo luận biện pháp thực hiện chương trình hành động của Chính phủ đã được Thủ tướng trình trướcQuốc hội khoá IX, kỳ họp thứ nhất. Để thực hiện nghiêm chỉnh quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần làm ngay những việc sau đây:

1. Tổ chức nghiên cứu để cán bộ lãnh đạo và cán bộ nhân viên thuộc quyền bộ, Uỷ ban... quán triệt nội dung chương trình hành động của Chính phủ do Thủ tướng trình trước Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ nhất. Trên cơ sở đó từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình hành động của bộ, Uỷ ban... để thực hiện trong bộ, ngành, địa phương v.v... Chương trình này cần chỉ ra những việc phải làm trong thời gian dài, những việc phải tập trung và khẩn trương giải quyết dứt điểm từ nay đến hết năm 1992 và quý I năm 1993. Cần xuất phát từ tình hình cụ thể của bộ, ngành, địa phương để đề ra việc làm trọng tâm; song ở tất cả các cơ quan, các cấp đều phải tập trung giải quyết sớm việc chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp biên chế, thay đổi quy chế làm việc cho phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ mới, nâng cao hiệu quả của bộ máy và chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy; trước mắt là bàn biện pháp thực hiện Chỉ thị số 40-TTg ngày 29 tháng 10 năm 1992 về đổi mới quan hệ làm việc giữa người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.

Trong thời hạn từ nay đến hết ngày 30 tháng 11 năm 1992, chương trình hành động của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải gửi đến Thủ tướng Chính phủ; chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được gửi Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cùng cấp để xem xét và giám sát việc thực hiện.

2. Cùng với việc xây dựng chương trình hành động của bộ, ngành, Uỷ ban v.v... từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chỉ đạo để các cơ quan, đơn vị và Uỷ ban nhân dân các cấp dưới xây dựng chương trình hành động của cơ quan, đơn vị, Uỷ ban nhân dân các cấp dưới.

Chương trình hành động của cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, Uỷ ban phải được gửi đến bộ, Uỷ ban... và Hội đồng quản trị (nếu đơn vị có tổ chức hội đồng) hoặc báo cáo với hội nghị công nhân viên chức để giám sát việc thực hiện; chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân các cấp dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp và Hội đồng nhân dân cùng cấp để giám sát việc thực hiện.

3. Để việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động của Chính phủ có hiệu quả, tránh hình thức các bộ, ngành, địa phương nơi nào chưa xây dựng chương trình hành động để thi hành Nghị quyết Trung ương 3 thì kết hợp đưa nội dung chương trình hành động của Chính phủ vào chương trình trên. Nơi nào đã có chương trình hành động theo Nghị quyết Trung ương 3 thì cần soát xét để bổ sung thêm nội dung cần thiết nhằm thi hành có kết quả chương trình hành động của Chính phủ.

Trên đây là những công việc cần làm ngay để thực hiện chương trình hành động của Chính phủ. Trong khi thực hiện, nếu gặp khó khăn hoặc phát sinh vấn đế cần giải quyết, thì các cơ quan báo cáo để Thủ tướng xem xét.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)