Chỉ thị 443-TTg năm 1961 về đẩy mạnh cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật doThủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 443-TTg
Ngày ban hành 27/11/1961
Ngày có hiệu lực 12/12/1961
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 443-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG HỢP LÝ HOÁ SẢN XUẤT, CẢI TIẾN KỸ THUẬT

Từ đầu năm 1961, sau khi Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương mở cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, học tập và thi đua với xí nghiệp cơ khí Duyên hải, và sau  khi có chỉ thị của Ban Bí thư số 25-CT/TƯ ngày 24-7-1961, cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật đã trở thành nội dung chủ yếu của phong trào thi đua trong các ngành công nghiệp. Phong trào đã phát triển khá rộng lớn, ngày càng đi vào bề sâu và đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, kỹ thuật rõ rệt.

Nhưng gần đây, ở một số nơi đã có hiện tượng “giậm chân tại chỗ”, buông lỏng lãnh đạo cuộc vận động, chấp hành không đầy đủ chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ. Có khuyết điểm này là do nhiều nguyên nhân nhưng điều quan trọng hơn là do nhận thức vấn đề chưa thực sâu sắc, chưa thấy cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất cải tiến kỹ thuật là một trong những biện pháp chủ yếu để đẩy mạnh phong trào sản xuất, nó phải được tiến hành thường xuyên  và liên tục. Một số ngành và địa phương có trình trạng chờ đợi cuộc vận động mới “phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa”, tưởng rằng nó sẽ thay thế cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất cải tiến kỹ thuật.

Những nhận thức trên đều không đúng. Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị rõ: cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật là một cuộc vận động có tính chất lâu dài và thường xuyên, không thể kết thúc trong một vài đợt thi đua hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật là nội dung chủ yếu của phong trào thi đua hiện nay trong giai cấp công nhân. Đó là một cuộc vận động rộng rãi trong đông đảo quần chúng công nhân nhằm khai thác mọi khả năng tiềm tàng, tăng năng suất lao động, nâng cao phẩm chất, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu và hạ giá thành, nhằm bảo đảm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước. Vì thế, trong lúc phong trào sản xuất, và xây dựng đang ở thời kỳ khẩn trương như hiện nay, tuyệt đối không thể buông lỏng cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật.

Để bổ khuyết tình trạng trên và đẩy mạnh cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, các Bộ, các Tổng cục, các địa phương và các cơ sở phải chú ý thực hiện mấy điều sau đây:

1. Kiểm điểm việc chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật (số 25-CT/TƯ, ngày 24-7-1961) và đặt kế hoạch thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị đó nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cuối năm 1961 và tích cực chuẩn bị thực hiện kế hoạch năm 1962.

2. Cần phải nhận định thật sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật để chuyển biến tư tưởng mạnh mẽ hơn nữa, nắm chắc và tăng cường lãnh đạo cuộc vận động đó, tức là tăng cường lãnh đạo và đẩy mạnh phong trào thi đua với Duyên-hải và phong trào “tiên tiến”. Trong quá trình thi đua, phải chú ý thực hiện kế hoạch một cách toàn diện: chú ý đưa vào sản xuất thường xuyên những thành quả vượt chỉ tiêu đột xuất, chạy theo sản lượng, không bảo đảm chất lượng, không tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu và hạ giá thành; phải chú ý củng cố các tổ chức sản xuất, kiện toàn các bộ môn nghiệp vụ (kỹ thuật, kế hoạch, tài vụ, cung cấp…), làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, trước hết là mở rộng chế độ hạch toán kinh tế, thực hiện trả lương theo sản phẩm; cải tiến và hoàn chỉnh các thể lệ, chế độ quản lý xí nghiệp.

3. Các Bộ, các Tổng cục, các địa phương và các xí nghiệp, công trường cần mở hội nghị sơ kết cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật trong năm 1961, dựa vào nội dung chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (số 25-CT/TƯ ngày 24 tháng 7 năm 1961).

Việc sơ kết này nhằm mục đích:

- Đánh giá đúng mức thắng lợi và khuyết điểm của cuộc vận động.

- Nêu lên những kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức, làm thế nào để phong trào phát triển được sâu rộng, mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.

- Đề nghị ý kiến về phương hướng, nội dung và lãnh đạo cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật trong năm 1962.

Việc sơ kết cần hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 1961. Các Bộ, các Tổng cục, và các tỉnh, thành, khu cần gửi báo cáo tổng hợp về Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng trước ngày 10 tháng 01 năm 1962.

4. Để bảo đảm các việc trên tiến hành được khẩn trương và có kết quả tốt, các Bộ, các Tổng cục cần trực tiếp đi sát cơ sở để kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn giúp đỡ, trước mắt là phải chú ý đẩy mạnh phong trào thi đua rầm rộ hơn nữa để tranh thủ hoàn thành tốt kế hoạch năm 1961.

Các Bộ, các Tổng cục và các tỉnh, thành, khu cần nghiên cứu và tổ chức chấp hành chỉ thị này cho kịp thời và đầy đủ.

 

 

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 


Lê Thanh Nghị