Thứ 5, Ngày 14/11/2024

Chỉ thị 39/CT-UBND năm 2007 về tổ chức đón Tết Nguyên đán mậu tý năm 2008 và bình ổn giá, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 39/CT-UBND
Ngày ban hành 24/12/2007
Ngày có hiệu lực 24/12/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Hoàng Thị Út Lan
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 39/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

TỔ CHỨC ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TÝ NĂM 2008 VÀ BÌNH ỔN GIÁ, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Kết thúc năm 2007, tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, năng lực sản xuất các ngành tăng khá, nhiều dự án lớn được đầu tư, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai bước đầu phát huy hiệu quả; công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân có nhiều tiến bộ; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định về thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, giá cả hàng hoá thiết yếu tăng cao; tình hình an ninh nông thôn còn phức tạp, tai nạn giao thông chưa giảm, một số vụ việc khiếu nại về đất đai còn kéo dài, … đã tác động bất lợi đến quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân trong tỉnh.  

Để tổ chức tốt cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 vui tươi, tiết kiệm, an toàn và lành mạnh; đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

I. Tập trung các biện pháp chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên và đồng bào tại vùng bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra:

1. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương tổ chức vận động nhân dân đóng góp, phát huy truyền thống tương thân, tương trợ; tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, các lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên, đồng bào những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, nhất là đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu và những hộ gia đình nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, bà con ở xa quê về ăn Tết, … có điều kiện vui Tết trong không khí đầm ấm, nghĩa tình;

- Huy động cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân tổ chức làm vệ sinh đường phố, công sở, làng xã, thực hiện “xanh - sạch - đẹp”; phát động và tổ chức trồng cây nhớ Bác trong dịp Tết.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn và theo dõi việc chi trả tiền lương, tiền thưởng kịp thời, đầy đủ cho người lao động trong các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm chăm lo cho công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết;

- Phối hợp với các địa phương chuẩn bị chương trình, kế hoạch phục vụ lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và hướng dẫn các huyện, thành phố hỗ trợ gia đình Liệt sĩ đi viếng mộ liệt sĩ tại tỉnh Bình Thuận; thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng; nhanh chóng chuyển quà Tết đến các đối tượng chính sách. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho đồng bào nghèo vui Tết.

3. Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch tuyên truyền tốt vui xuân, đón Tết Mậu Tý năm 2008. Nội dung tuyên truyền phải gắn với các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2007), gắn với chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phải thể hiện được phương châm “Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh”; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng triển khai kế hoạch tổ chức tốt Hội chợ xuân, các điểm hoạt động văn hoá, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân ở từng địa bàn; tổ chức đêm văn nghệ mừng Xuân truyền hình trực tiếp; tổ chức các đoàn nghệ thuật, các đội thông tin lưu động của tỉnh đi biểu diễn phục vụ đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

4. Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình phong phú, đa dạng, phù hợp với truyền thống dân tộc; thường xuyên cập nhật thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động chăm lo Tết của tỉnh.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức trang trí đèn, hoa, bố trí cây xanh, hoa kiểng tại các trục đường trung tâm, các khu vui chơi giải trí. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chu đáo khu vực chợ hoa Tết trên địa bàn.

II. Chủ động chuẩn bị nguồn hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết; kiên quyết đấu tranh để ổn định giá, chống đầu cơ, buôn lậu, chống hàng gian, hàng giả:

1. Sở Thương mại và Du lịch, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần lương thực Nam Trung bộ chủ động triển khai ngay việc chuẩn bị lực lượng hàng hoá, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, bánh mứt, kẹo, rượu bia, quần áo, văn hoá phẩm, phương tiện đi lại, …); có biện pháp đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ đầy đủ với giá cả ổn định trên cơ sở bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng; có kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu để đảm bảo nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra mất cân đối cung cầu gây đột biến giá cả vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; chú trọng quan tâm đặc biệt đến việc cung ứng hàng hoá cho nhân dân các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, ít người và các vùng bị hậu quả nặng do bão, lụt, lốc xoáy gây ra để mọi nhà, mọi người đều được đón Tết trong không khí đầm ấm, hạnh phúc.

2. Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Công an Kinh tế, các ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát thị trường những ngày giáp Tết và sau Tết, đặc biệt cấm triệt để lưu thông và sử dụng pháo các loại, đồ chơi nguy hiểm, rượu lậu, chống kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gia súc, gia cầm sống và thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, … Kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp cố tình sai phạm nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

3. Sở Y tế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá, nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, bánh mứt, …; tăng cường kiểm tra bảo đảm vệ sinh an tn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm theo đúng quy định.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, kiểm tra việc chấp hành giá bán hàng hoá dịch vụ một số mặt hàng do cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá, nhất là các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, ga, giá trông giữ xe đạp, xe máy và các loại dịch vụ khác, không để tăng giá tùy tiện trong dịp Tết làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực giá.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ban quản lý các chợ trên địa bàn tổ chức tốt các khu vực chợ và khu vực mở rộng trong dịp Tết, sắp xếp khu vực kinh doanh hợp lý, thuận lợi việc mua bán, không ảnh hưởng đến giao thông.

6. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh có biện pháp cụ thể trong việc cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm chi phí nguyên, nhiên vật liệu, chống lãng phí, tăng năng suất, phấn đấu giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành để khắc phục những khó khăn do giá xăng dầu tăng và góp phần kiềm chế tăng giá bán sản phẩm ra thị trường.  

7. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanhTruyền hình tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân có thông tin chính xác và ủng hộ các biện pháp điều hành thị trường, giá cả của Nhà nước, tạo tâm lý ổn định, tích cực cho người tiêu dùng, hạn chế tác động tâm lý gây tăng giá thị trường.

III. Đảm bảo mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán:

1. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các địa phương có các biện pháp chỉ đạo và chấn chỉnh tổ chức hoạt động của các bến xe, đảm bảo phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, xe chạy đúng luồng, đúng tuyến, phải niêm yết giá và xử lý vi phạm theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra an toàn đối với phương tiện vận chuyển; tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông; tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên môtô, xe máy, cấm đốt pháo, không cờ bạc, rượu chè, không mê tín dị đoan; tập trung xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đậu xe trái phép; bố trí lực lượng giải quyết nhanh ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, xây dựng triển khai phương án phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán an toàn, lành mạnh.  

2. Giám đốc Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng đua xe trái phép, cờ bạc, mại dâm để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; hạn chế tối đa tình hình cướp giật, trộm cắp, chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân.

3. Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông chỉ đạo Bưu điện tỉnh; Giám đốc Điện lực Ninh Thuận, Giám đốc Công ty Cấp nước có trách nhiệm đảm bảo cung cấp ổn định và liên tục thông tin liên lạc, điện, nước, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, cơ quan và doanh nghiệp trong suốt thời gian Tết.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng - thương mại - sản xuất Nam Thành giải quyết tốt việc thu gom, vận chuyển rác và vệ sinh trên địa bàn thành phố. Riêng tại các chợ, điểm bán hoa kiểng, ... phải giải quyết trước 22 giờ ngày 05 tháng 02 năm 2008 (nhằm ngày 29 Tết). Đối với các huyện chỉ đạo Ban quản lý các chợ chủ động hợp đồng thu gom, vận chuyển rác và vệ sinh tại các chợ trước 22 giờ ngày 05 tháng 02 năm 2008 (29 Tết).

5. Giám đốc Sở Y tế chủ động phòng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đội ngũ y, bác sĩ trực cấp cứu 24/24, bảo đảm tốt việc cấp cứu, điều trị trong các ngày Tết, không để xảy ra tử vong do bất cẩn hoặc chậm xử lý.

6. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành có liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Có kế hoạch phân công lãnh đạo, bố trí lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời không để xảy ra các loại dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống cháy rừng và chống phá rừng.

[...]