Chỉ thị 3890-TC/TCT về thực hiện đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 3890-TC/TCT
Ngày ban hành 03/11/1997
Ngày có hiệu lực 03/11/1997
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3890-TC/TCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Đứng trước tình hình buôn lậu ngày một gia tăng, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trong nước mà còn ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia, Chính phủ đã có Nghị quyết số 85/CP-m ngày 11-7-1997 đề ra một số giải pháp cấp bách về chống buôn lậu và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới. Liên Bộ Thương mại, Tài chính, Nội vụ, Tổng cục Hải quan đã ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu và lưu thông hàng hoá nhập lậu trên thị trường, chống thất thu thuế và nâng cao trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong việc đấu tranh chống buôn lậu.

Để thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư liên tịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc hệ thống Tài chính ở Trung ương và địa phương (bao gồm các cơ quan Tài chính, Thuế, Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Đầu tư phát triển, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Tài chính,...) thực hiện ngay một số việc sau:

1. Phải xác định nhiệm vụ chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài và phải được tiến hành đồng bộ, rộng khắp từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến từng cán bộ công nhân viên trong ngành cũng như toàn thể nhân dân. Từ đó, xác định trách nhiệm của cơ quan mình trong việc tham gia chống buôn lậu, chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp và tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả trong lĩnh vực thuộc mình phụ trách.

2. Tổ chức cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong ngành Tài chính nghiên cứu học tập và quán triệt đầy đủ tinh thần và nội dung Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện để mỗi cán bộ công nhân viên nâng cao nhận thức tư tưởng, xác định trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gắn công tác quản lý với công tác chống buôn lậu trở thành công việc thường xuyên. Thông qua công tác quản lý phải ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi buôn lậu, vi phạm pháp luật và vi phạm cơ chế quản lý Tài chính Nhà nước.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa việc triển khai chống buôn lậu với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kinh tế - Ngân sách trong năm 1997 và các năm tiếp theo được Quốc hội thông qua, góp phần làm lạnh mạnh hoá nền Tài chính quốc gia.

4. Thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Tài chính phải chủ động tổ chức rà soát lại toàn bộ những văn bản do mình quy định hoặc các cơ quan khác quy định trái với các quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, quản lý tài chính, chống buôn lậu phải bãi bỏ ngay hoặc kiến nghị với các cơ quan có liên quan đình chỉ thi hành. Từ nay địa phương nào còn thực hiện những quy định về quản lý Tài chính trái với các quy định của Chính phủ và Thông tư của Bộ, tạo cho hoạt động buôn lậu gia tăng hoặc ngăn cản việc đấu tranh chống buôn lậu, thủ trưởng cơ quan thuộc hệ thống Tài chính ở địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính.

5. Nghiêm cấm mọi cán bộ công nhân viên thuộc hệ thống Tài chính tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay, bao che cho hành vi buôn lậu. Người nào vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính thích đáng hoặc bị truy tố trước pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Tài chính bao che cho cán bộ vi phạm cũng liên đới chịu trách nhiệm.

6. Phân công trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống Tài chính như sau:

- Vụ Chính sách Tài chính phối hợp với Tổng cục thuế, Vụ Ngân sách Nhà nước nghiên cứu sớm trình Bộ ký ban hành chế độ quản lý sử dụng tiền thu từ hoạt động chống buôn lậu.

- Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp kiểm tra chặt chẽ việc quản lý hàng tịch thu, tổ chức bán đấu giá hàng tịch thu và tập trung nhanh số thu vào Ngân sách Nhà nước. Chủ động cấp phát kinh phí, tiền thưởng kịp thời và đầy đủ cho các lực lượng và cá nhân tham gia chống buôn lậu theo chế độ hiện hành.

Quản lý chặt chẽ chi tiêu của các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang... sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, kiên quyết xuất toán mọi trường hợp mua hàng nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ.

- Tổng cục Thuế rà soát lại các quy định về thuế xuất, nhập khẩu nhất là những quy định về danh mục hàng hoá nhập khẩu, về thuế suất, về giá tính thuế trình Bộ hoặc Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung cho hợp lý nhằm ngăn ngừa các tổ chức và cá nhân nhập khẩu lợi dụng gian lận thuế, các lực lượng kiểm soát hàng nhập khẩu lợi dụng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu.

Cơ quan Thuế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành triển khai kiên quyết và triệt để Thông tư liên tịch Thương mại, Tài chính, Nội vụ, Tổng cục Hải quan về chống buôn lậu, tổ chức việc dán tem đối với hàng nhập khẩu đang tồn kho theo đúng Thông tư hướng dẫn.

Kết hợp đấu tranh chống buôn lậu với công tác quản lý thu thuế. Thực hiện mọi tổ chức và cá nhân kinh doanh mua hàng nhập khẩu về để kinh doanh không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ phải xử lý kiên quyết đúng quy định tại Thông tư hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tổ chức điều tra, điều chỉnh doanh thu tính thuế của các cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu cho sát doanh thu thực tế.

- Thanh tra Tài chính Trung ương và các tỉnh, thành phố chủ trì cùng hệ thống thuế và Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp chủ động phối hợp với các ngành chức năng của Trung ương và các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc kinh doanh hàng nhập khẩu. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kê khai nộp thuế nhập khẩu không đúng luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành hoặc vi phạm chế độ hoá đơn chứng từ theo quy định. Mọi trường hợp kinh doanh hàng nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ phải lập biên bản kịp thời và báo cáo cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

Đối với những tài sản mua sắm là hàng nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ cương quyết không chấp nhận khi kiểm tra quyết toán tài chính năm.

- Cơ quan Quản lý vốn đầu tư phát triển khi duyệt quyết toán công trình xây dựng cơ bản phải kiểm tra hoá đơn, chứng từ đối với nguyên vật liệu, trang thiết bị đưa vào công trình. Nguyên vật liệu, trang thiết bị là hàng nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ phải xuất toán khỏi giá trị công trình để giảm vốn cấp phát.

- Cơ quan Thanh tra Tài chính các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Bộ, UBND các địa phương và các đơn vị trực thuộc hệ thống Tài chính kiểm tra tình hình thu thuế nhập khẩu ở một số cửa khẩu và tình hình kinh doanh ở một số đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu hoặc kinh doanh hàng nhập khẩu trọng điểm, giúp các đơn vị này thực hiện nghiêm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như xử lý kịp thời các vi phạm.

Hàng tháng Tổng cục thuế giúp Bộ tổng hợp kịp thời kết quả triển khai chống buôn lậu trong toàn ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như đề xuất các biện pháp giúp Bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống buôn lậu trong ngành đạt kết quả cao hơn.

Để thực hiện được yêu cầu trên, chậm nhất là ngày 30 hàng tháng, các đơn vị trực thuộc Bộ (Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Cục Đầu tư và Phát triển, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Tài chính) và các Sở Tài chính phải tổng hợp kết quả triển khai của ngành, địa phương mình gửi Tổng cục thuế để tổng hợp báo cáo Bộ trước ngày 5 của tháng sau.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)