Chỉ thị 37/CT-UB năm 1987 về việc tăng cường trật tư an toàn giao thông và trật tự công cộng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 37/CT-UB
Ngày ban hành 06/10/1987
Ngày có hiệu lực 06/10/1987
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Quang Chánh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 37/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 10 năm 1987

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG TRẬT TƯ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Thời gian gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng ở thành phố giảm sút nghiêm trọng. Nhiều vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng bừa bãi, lưu thông trên đường nhiều nơi lộn xộn. Vi phạm trật tự giao thông xảy ra phổ biến, trong đó do người điều khiển xe 2-3 bánh chiếm gần 90%, cán bộ, công nhân viện, thanh niên, học sinh chiếm trên 60%. Tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 1987 tăng 13% số vụ, 21% số người chết, 31% số người bị thương, gây tổn thất nghiêm trọng về tính mạng và tài sản xã hội.

Để lập lại kỷ cương trật tự an toàn giao thông và trật tư công cộng, tăng cường an ninh trật tự xã hội ở thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho lãnh đạo các ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện những việc cấp bách dưới đây :

1) Các quận, huyện giải tỏa ngay việc chiếm dụng trái phép lòng lề đường tại địa phương mình. Trên các trục đường chính, khu vực trung tâm, xung quanh các khách sạn quốc tế, lòng lề đường phải được giải tỏa, sắp xếp phóng khoáng, trật tự, đảm bảo mỹ quan thành phố. Phải sắp xếp, kiểm tra, quản lý chặt chẽ không để kinh doanh tràn lan trên vỉa hè và lòng đường. Sắp xếp lại việc mua bán và các bãi gởi xe nhằm đảm bảo trật tự công cộng và giao thông thông suốt xung quanh các chợ, trường học, bệnh viện, bến xe, nhà ga, bến tàu, công viên, các nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp hát, chiếu phim và các nơi tập trung đông người.

Giải tỏa đến đâu phải quản lý chắc ngay đến đó. Phải phân công trách nhiệm và phạm vi quản lý trật tự lòng lề đường cho phường, khu phố, tổ dân phố, hộ gia đình, các cơ quan và đơn vị đóng tại địa phương. Công an, dân quân tự vệ và Đội quy tắc công trình công cộng phải thường xuyên kiểm tra, giải tỏa, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo Quyết định số 213 của liên Bộ Nội vụ - Giao thông vận tải và Quyết định số 84 ngày 27 tháng 4 năm 1987 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2) Tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành, các cấp tại thành phố phải gương mẫu bảo vệ trật tư an toàn giao thông và trật tự công cộng. Đơn vị nào chiếm dụng trái phép lòng lề đường thì phải giải tỏa ngay. Thường xuyên kiểm tra, củng cố đảm bảo kỹ thuật an toàn của các phương tiện giao thông tại đơn vị. Phải liên tục giáo dục, nhắc nhở những người lái xe đảm bảo an toàn, trật tự, thông suốt khi lưu thông trên đường.

3) Sở Giao thông vận tải thành phố tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường ô tô vận chuyển hành khách theo Thông tư số 161 ngày 4-8-1986 của Liên Bộ Giao thông vận tải và Nội vụ. Quản lý chặt chẽ các phương tiện vận chuyển và người lái xe, người chù xe trong Liên hiệp xã vận tải, Xí nghiệp công tư hợp doanh và quốc doanh vận tải.

Tất cả các xe tải, xe khách thuộc ngành phải đưa vào bến bãi quản lý, không để lái xe đưa về nhà đậu bừa bãi. Đưa các xe liên tỉnh ở bến xe Chợ Lớn vào xa cảng miền Tây, các xe liên tỉnh miền Đông vào bến xe miền Đông.

Kịp thời sửa chữa những đoạn đường hư hỏng nặng, cầu xuống cấp, chỉnh trang bổ sung cọc tiêu, rào chắn, biển báo, tiêu đảo, sơn phân tuyến, nhất là ở các đường chính nội thành và những đường có mật độ giao thông lớn. Tập trung giải quyết các đoạn đường hư, ngập nước ở Xa cảng miền tây và Văn Thánh. Khẩn trương chuẩn bị bãi xe Campuchia ở Hóc Môn.

Phân cấp quản lý bảo vệ đường bộ theo Nghị định số 203 của Hội đồng Bộ trưởng. Phối hợp với Công an tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp làm hư hại cầu đường. Phối hợp với Sở Tài chánh và Công an thành phố sớm thực hiện thu lệ phí các loại xe cơ giới để lấy kinh phí sửa chữ cầu đường theo Quyết định số 161/QĐ ngày 21-8-1987 của Ủy ban nhân dân thành phố.

4) Sở Công trình đô thị thành phố khẩn trương duy tu, sửa chữa vỉa hè, khai thông cống rảnh, phục hồi nắm cống bị mất, củng cố hệ thống đèn chiếu sáng. Giải quyết thoát nước khu vực bến xe Văn Thánh, san lắp đường dẫn nước ở đường Nguyễn Tất Thành. Phối hợp với Sở Điện lực thành phố giải quyết nguồn điện ưu tiên cho các dàn đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng các đường phố chính, các khu vực trung tâm thành phố và tại các giao lộ có mật độ giao thông lớn nhằm hạn chế tai nạn giao thông.

Phối hợp với Công an tổ chức kiểm tra trật tự lòng lề đường nơi công cộng, xử lý kịp thời những trường hợp chiếm dụng trái phép. Nghiên cứu đề xuất phương án quản lý việc cấp giấy phép sử dụng lề đường theo Quyết định số 84 ngày 27-4-1987 của Ủy ban nhân dân thành phố.

5) Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các vi phạm trật tư lòng đường, ùn, tắc giao thông, vi phạm trật tự công cộng. Tập trung ưu tiên lực lượng điều khiển kiểm soát giao thông trên các trục đường chính, khi vực trung tâm và các đường ra vào thành phố.

Xử phạt thật nghiệm, thật nặng các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông và trật tư công cộng, nhất là đi xe vào đường cấm, đường ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, đua biểu diễn trái phép, chạy tràn lan giữa đường, đậu xe bừa bãi trên lòng lề đường, uống rượu bia điều khiển xe, để xe ngoài bến để rước khách, lên xuống hàng hóa, trốn thuế và các trường hợp không đảm bảo kỹ thuật an toàn xe cơ giới. Những trường hợp tùy tiện đào cuốc, làm hư hỏng lòng lề đường phải bắt bồi thường và phạt thật nặng.

Các vụ cắt phá dây điện cáp ngầm, điện thoại, hệ thống chăng cột điện,các loại thiết bị đường sắt, đường ống nước, xăng dầu, các loại thiết bị đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông phải xét xử ngay và xử thật nặng theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Thông báo số 122/TB-UB ngày 25-9-1987 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Phối hợp với các ngành chức năng phân luồng, cấm xe tải các tỉnh không có nhiệm vụ không được vào thành phố, quy định lối đi cho các xe tải khi vào nội thành, giản dần xe xích lô và ba gác hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố, sắp xếp điều chỉnh các lộ trình xe buýt và xe lam khách. Cấm các xe chạy than hoạt động trong khu vực nội thành, quy hoạch bãi đậu xe tải của các tỉnh đến thành phố ở Bình Chánh, Hóc Môn và Thủ Đức, khảo sát và giải tỏa những chỗ giao lộ chật hẹp, che khuất tầm nhìn, ùn tắc, dể gây tai nạn giao thông. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức lực lượng liên kiểm để kiểm soát, xử lý các lái xe quân sự vi phạm trật tự an toàn giao thông và số quân nhân khác gây rối trật tự an toàn giao thông và số quân nhân khác gây rối trật tự công cộng. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổng kiểm tra xe xích lô, ba gác đạp và tiêu chuẩn hành nghề các loại xe này để có biện pháp, quản lý chặt chẽ, giáo dục người hành nghề phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.

6) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong tất cả các cơ quan, đơn vị nhà trường, xí nghiệp và trong các tổ dân phố, làm cho mọi người nhận rõ lợi ích thiết thực của việc chấp hành luật lệ giao thông và quy tắc trật tự công cộng, nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần trách nhiệm mà tự giác thực hiện.

Các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, ngành văn hóa thông tin và ngành tư pháp cần có kế hoạc tuyên truyền, giáo dục, và đưa tin kết quả thực hiện thường xuyên về công tác này. Phải kịp thời động viên, cổ vũ những địa phương, đơn vị thực hiện đạt kết quả tốt, phê bình nhắc nhở những nơi có nhiều vi phạm, quản lý chưa tốt trật tự lòng lề đường, trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng.

Sở Giáo dục phối hợp với Sở Tư pháp thành phố triển khai công tác tuyên truyền, giảng dạy luật lệ giao thông và quy tắc trật tự công cộng trong các trường phổ thông. Các đoàn thể cần có kế hoạch phát động rộng rãi các đoàn viên, hội viên thông suốt và gương mẫu chấp hành, đấu tranh khắc phục việc vi phạm trong thanh thiếu niên và học sinh.

7) Ban chỉ đạo trật tự an toàn xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp mình chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này. Ngành công an, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, đề xuất những vấn đề cần giải quyết, báo cáo cho Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo trật tự xã hội.

Thời gian thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12-1987. Hằng tháng, các ngành và các quận, huyện cần sơ kết, rút kinh nghiệm và có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong tháng sau, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố, đồng gởi Công an thành phố - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo trật tự xã hội thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố sẽ sơ kết việc thực hiện chỉ thị này vào cuối năm 1987 để rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo thực hiện cho năm sau.

oOo

Trên đây là một số vấn đề cấp bách cần làm ngay để tạo chuyển biến cơ bản về trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng tại thành phố. Yêu cầu thủ trường các sở, ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

[...]