Chỉ thị 365/CT-TTg năm 2011 thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 365/CT-TTg
Ngày ban hành 14/03/2011
Ngày có hiệu lực 14/03/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 365/CT-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM

Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân. Dịch lở mồm long móng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, một số tỉnh có trên 2/3 số xã có gia súc mắc bệnh; dịch kéo dài, lây lan rộng trên cả trâu, bò, lợn; đặc biệt dịch trên lợn lây lan nhanh, gây chết với tỷ lệ cao. Dịch tai xanh trên lợn đã gây thiệt hại rất lớn trong các năm 2008, năm 2010 và mới xảy ra tại Hà Tĩnh cuối tháng 2/2011. Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 7 tỉnh và thế giới vẫn cảnh báo về nguy cơ của dịch cúm gia cầm liên quan đến đại dịch cúm A (H5N1) ở người.

Nguyên nhân chính để dịch xảy ra và lây lan rộng, kéo dài là do chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ý thức chấp hành của người chăn nuôi trong phòng chống dịch; tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp, phát hiện và xử lý dịch chậm, có nơi còn dấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh làm cho công tác phòng chống dịch càng khó khăn, phức tạp và tốn kém.

Để khống chế, dập tắt ngay dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, kiên quyết không để dịch lây lan rộng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, các Bộ, ngành chức năng tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tập trung chỉ đạo quyết liệt tại các địa phương đang có dịch; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và tới tận thôn, ấp, bản. Huy động lực lượng, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên môn đối với từng loại bệnh dịch để nhanh chóng bao vây, dập tắt ngay các ổ dịch trên từng địa bàn. Việc tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc động vật để sử dụng phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ và thực hiện theo quy định của cơ quan chuyên môn. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

b) Đối với các địa phương chưa có dịch phải chủ động và kiên quyết chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng dịch thường xuyên theo quy định. Khi phát hiện có bệnh dịch phải công bố công khai, đồng thời bao vây ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm mắc bệnh ra ngoài vùng ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan.

c) Thường xuyên chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, có cơ chế chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Trước hết, thường xuyên tuyên truyền, có biện pháp cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi chủ động tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm yêu cầu bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định của pháp luật về thú y; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi coi đây là các biện pháp lâu dài và quan trọng nhất để bảo vệ gia súc, gia cầm, giảm rủi ro, phát triển chăn nuôi bền vững.

d) Chủ động sử dụng kinh phí dự phòng ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của Trung ương để phòng chống dịch theo quy định hiện hành.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Thành lập các đoàn đi kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ về kết quả phòng chống dịch. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xuất dự trữ quốc gia vắc xin lở mồm long móng, thuốc sát trùng để hỗ trợ ngay cho các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp và bổ sung đủ cơ số theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

b) Hướng dẫn và bổ sung các biện pháp phòng chống dịch cụ thể đối với từng loại bệnh dịch.

c) Phối hợp với Bộ Y tế giám sát chặt chẽ vi rút cúm trên gia cầm, tình hình dịch có liên quan đến người nhiễm cúm A (H5N1) để có biện pháp xử lý kịp thời.

d) Hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sự biến đổi của các loại vi rút gây bệnh lở mồm long móng gia súc, tai xanh trên lợn, cúm gia cầm để quyết định việc sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.

3. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí phù hợp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; biểu dương các điển hình tốt; phát hiện, phê phán kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VPBCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (5)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng