Chỉ thị 34/CT-TTg năm 2018 về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 34/CT-TTg
Ngày ban hành 28/12/2018
Ngày có hiệu lực 28/12/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/CT-TTg

Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI 2019 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, quyết định đến hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh những thuận lợi, năm 2018 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, xung đột xảy ra ở nhiều nơi; giá hàng hóa thế giới tăng cao tạo áp lực không nhỏ cho công tác điều hành trong nước; biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra bất thường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì đã chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu, trong đó có 08 chỉ tiêu vượt kế hoạch Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, cải thiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao trong năm 2018, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác dự báo, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi cả nước;

b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính;

c) Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý và ổn định; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam;

d) Tích cực thực hiện các giải pháp, kế hoạch bảo đảm cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không cắt điện trong dịp Tết; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, chợ, khu công nghiệp và khu dân cư.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng chung và ổn định kinh tế vĩ mô.

b) Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...);

c) Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất, đặc biệt là phòng, chống rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng; triển khai hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vắc xin, hóa chất sát trùng theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân vui Xuân đón Tết;

b) Phối hợp với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán;

c) Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, không để lợn và sản phẩm thịt lợn từ các vùng đang có Dịch bệnh tả lợn Châu Phi xâm nhập vào Việt Nam;

d) Tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển; bảo đảm an toàn hồ, đập, có các giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc...; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm;

b) Tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh đối với vùng bị thiên tai, bão, lũ; có phương án bảo đảm đủ thuốc thiết yếu hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai, bão, lũ;

c) Quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng thuốc và giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở y, dược theo đúng quy định của nhà nước nhằm bảo đảm yêu cầu về giá và chất lượng; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đặc biệt là các trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.

5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo;

b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải;

c) Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường cửa ngõ các đô thị lớn, nhà ga, sân bay; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

6. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Chủ động nắm chắc tình hình thế giới và khu vực tác động đến lợi ích và an ninh quốc gia; kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự. Bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ, địa bàn trọng điểm, chiến lược, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, các khu vực công cộng, nhà ga, bến xe, nơi tổ chức lễ hội, du lịch, khu vui chơi giải trí...;

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ