Chỉ thị 338-CT năm 1987 tăng cường các biện pháp để thúc đẩy sản xuất và quản lý sản phẩm cao-su do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 338-CT |
Ngày ban hành | 09/12/1987 |
Ngày có hiệu lực | 24/12/1987 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 338-CT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ THÚC ĐẨY SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ SẢN PHẨM CAO-SU
Tình trạng chặt phá vườn cây, mủ bị mất cắp trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Tình hình trên đã làm thất thoát của Nhà nước một lượng cao-su khá lớn và đẩy giá cao-su lên cao; cao-su cung ứng cho xuất khẩu và cho các xí nghiệp công nghiệp trong nước đạt thấp.
Để thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng cường các biện pháp quản lý nguyên liệu cao-su, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Cao-su, các ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết số 281-HĐBT ngày 12-12-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất cao su trong kế hoạch 1986 - 1990 và đến năm 2000.
Trước mắt, cần tập trung làm tốt một số việc sau:
1. Tổng cục Cao-su phải tăng cường các biện pháp kỹ thuật và quản lý các vườn cây cao-su. Bố trí đủ lao động, tổ chức khoán vườn cây, khoán sản lượng cho người lao động để tiếp tục chăm sóc các vườn cây, khai thác hết các vườn cây kinh doanh, kiên quyết không để một vườn cây kinh doanh nào không được cạo mủ, thực hiện khai thác đúng quy trình kỹ thuật, tận thu mủ miệng, mủ chén.
2. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh phải bảo đảm đủ diện tích trồng cao-su theo quy hoạch đã được duyệt, không được xây dựng các công trình kiến trúc kiên cố, trồng cây lâu năm trên diện tích đã quy hoạch trồng cao-su.
3. Các cơ quan cung ứng vật tư bảo đảm cung cấp đủ vật tư đã được cân đối theo kế hoạch cho ngành cao-su. Ngoài ra, Tổng cục Cao-su hỗ trợ thêm một số vật tư chuyên dùng cho các địa phương, các ngành có trồng cao-su để khai thác và sơ chế hết mủ trong thời kỳ cây cao-su cho mủ cao.
Tổng cục Cao-su phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại thương bàn biện pháp tổ chức vận chuyển hết số vật tư, thiết bị của các công trình hợp tác còn đọng ở các cảng của bạn.
Các ngành lương thực, nội thương, tài chính, ngân hàng cung cấp đủ và kịp thời lương thực, thực phẩm, tiền lương cho công nhân cao-su, bảo đảm cho người lao động an tâm sản xuất, không bỏ việc.
4. Các ngành, các địa phương có trồng cao-su có trách nhiệm giao đủ cao-su cho Tổng cục Cao-su theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1987. Nghiêm cấm việc giữ lại cao-su để xuất khẩu hoặc sử dụng vào các mục đích không hợp pháp.
Các địa phương và cơ sở sản xuất không được tuỳ tiện nâng giá mua mủ cao-su. Uỷ ban Vật giá Nhà nước phối hợp với Tổng cục Cao-su khẩn trương quy định giá mua hợp lý đối với số lượng cao-su các ngành, các địa phương giao nộp vượt mức kế hoạch Nhà nước giao.
5. Tổng cục Cao-su phải hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết với Bạn, bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cao-su theo kế hoạch cho các xí nghiệp trong nước, trước hết, đối với các xí nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
6. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với các ngành, các địa phương khẩn trương soát xét, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất có sử dụng nguyên liệu cao-su cho có hiệu quả. Kiên quyết giảm bớt hoặc bỏ sản xuất các mặt hàng chưa cần thiết, tập trung cho những sản phẩm quan trọng, nhất là các sản phẩm xuất khẩu; những cơ sở nào sản xuất không có hiệu quả thì kiên quyết chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác không dùng nguyên liệu cao-su.
Các cơ sở còn được tiếp tục sử dụng nguyên liệu cao-su để sản xuất (bao gồm tất cả các thành phần kinh tế) đều phải đăng ký mặt hàng và được cấp có thẩm quyền quyết định.
Tổng cục cao-su có trách nhiệm thu mua toàn bộ nguyên liệu cao-su sản xuất ra của các ngành và địa phương để xuất khẩu và cung ứng cho các ngành và địa phương làm nguyên liệu sản xuất theo kế hoạch Nhà nước.
Nghiêm cấm các đơn vị kinh tế không có chức năng không được tổ chức mua và bán nguyên liệu cao-su, kể cả xuất khẩu.
7. Tổng cục Cao-su chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng công an, quân đội và quản lý thị trường các cấp tổ chức quản lý chặt chẽ mủ cao-su. Nghiêm trị bọn phá hoại vườn cây cao-su, ăn cắp và mua bán mủ trái phép. Nghiêm cấm việc mua đi, bán lại mủ cao-su để ăn chênh lệch giá. Xử lý kỷ luật thích đáng những cán bộ, công nhân viên và tổ chức vi phạm.
Tăng cường các biện pháp để thúc đẩy sản xuất và quản lý sản phẩm cao-su không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài, bảo đảm cho ngành cao-su đi vào ổn định và phát triển vững chắc trong các năm sau.
Tổng cục Cao-su, các ngành, các địa phương có liên quan cần chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị cơ sở quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|