Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Chỉ thị 325-TTg năm 1960 về việc mở đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình trong tháng 01 năm 1961 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 325-TTg
Ngày ban hành 21/12/1960
Ngày có hiệu lực 01/01/1961
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Quyền dân sự

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 325-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1960 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC MỞ ĐỢT TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG THÁNG 01 NĂM 1961

Trải qua Cách mạng tháng Tám, kháng chiến trường kỳ, cải cách ruộng đất, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, những việc về hôn nhân gia đình theo lề thói phong kiến hủ bại và ảnh hưởng của giai cấp tư sản đồi trụy đã được giảm bớt. Từ ngày luật hôn nhân gia đình được ban hành đến nay, những biểu hiện xấu tiếp tục giảm bớt, những biểu hiện tốt cũng được tăng lên. Tuy nhiên, những việc tảo hôn, ép duyên cản trở hôn nhân tự do, cưới vợ lẽ, đánh chửi vợ, đánh chửi con cái, coi con trai hơn con gái, con đẻ hơn con nuôi, v.v… vẫn còn là những hiện tượng phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Còn có những việc rất nghiêm trọng như đánh vợ bị thương tật, đánh vợ đến chết. Ở vùng thiên chúa giáo, vẫn kéo dài các hiện tượng kết hôn dưới tuổi luật định, cấm ly hôn, không cho người bên giáo kết hôn với người bên lương.

Những hiện tượng đó đang ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, đến kiến thiết, đến sự tiến bộ của mọi người và trái với chế độ tốt đẹp của miền Bắc nước ta. Nguyên nhân chính của những việc phạm luật hôn nhân và gia đình hiện nay chủ yếu là do tàn tích của tư tưởng phong kiến còn ăn sâu trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời việc tuyên truyền vận động của ta lại chưa được sâu rộng, đầy đủ, liên tục. Trong hàng ngũ cán bộ, cũng còn một số chưa chấp hành luật một cách đúng đắn.

Để bảo đảm thực hiện tốt luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước, nhằm xóa bỏ những tàn tích của chế độ hôn nhân và gia đình cũ, xây dựng chế độ hôn nhân tự do, tiến bộ và gia đình hòa thuận, hạnh phúc, cần tiến hành tích cực và thường xuyên việc tuyên truyền giáo dục thi hành luật hôn nhân và gia đình; đồng thời để luật hôn nhân và gia đình được phổ cập thật rộng rãi và thực hiện thật nghiêm chỉnh, Hội đồng Chính phủ trong cuộc hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 7-12-1960 quyết định: mở một đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình sâu rộng trong cán bộ và ngoài nhân dân.

Mục đích của đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình và làm cho toàn thể cán bộ công nhân viên và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa cách mạng và tác dụng quan trọng của luật hôn nhân và gia đình, hiểu rõ nội dung của luật và thấy rõ trách nhiệm của mỗi người đối với việc thi hành luật; mặt khác cần làm cho dư luận xã hội nghiêm khắc phê phán, tỏ thái độ đúng đắn đối với những việc vi phạm luật còn tiếp tục xảy ra.

Đợt tuyên truyền vận động này lấy tên là “Đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình”. Thời gian làm sẽ tập trung vào tháng 1 năm 1961.

Chính phủ quyết định thành lập “Ban Trung ương tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình”. Ban này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, giúp Chính phủ đặt kế hoạch và chỉ đạo đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình trong tháng 1 năm 1961.

Danh sách Ban Trung ương tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình gồm có:

- Trưởng ban: ông Xuân Thủy, Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phó Trưởng ban: bà Nguyễn Thị Thập, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

- Ủy viên Thường trực: bà Lê Chân Phương, Ủy viên Tòa án nhân dân tối cao.

- Các Ủy viên:

Ông Nguyễn Chương, Phó chủ nhiệm Văn phòng văn giáo Phủ Thủ tướng.

- Nguyễn Đức Qùy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

- Tô Quang Đẩu, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ.

- Dương Công Hoạt, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trung ương.

- Hà Văn Tính, Ủy viên Thường vụ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

- Hồ Trúc, Bí thư Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam.

- Võ Hồng Cương, Phó tổng thư ký Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

- Bà Tôn Thị Quế, Vụ Phó Vụ Giám sát xét xử Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ở địa phương, các Ủy ban hành chính khu (trừ các khu tự trị), thành phố, tỉnh tùy theo tình hình địa phương mình mà thành lập Ban Tuyên truyền vận động của khu, thành hoặc tỉnh với thành phần tương tự như thành phần ở trung ương.

Về kế hoạch tiến hành đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình, Ban Trung ương tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình sẽ hướng dẫn cụ thể cho các cấp. Chỉ thị này chỉ nhấn mạnh mấy điểm chính:

- Việc thực hiện luật hôn nhân và gia đình là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa, một cuộc đấu tranh giữa cái tiền tiến và cái lạc hậu trong nội bộ nhân dân; vì vậy chủ yếu là phải dựa vào công tác tuyên truyền giáo dục. Riêng trong đợt tuyên truyền vận động này cũng vậy, nhất là đối với vùng thiên chúa giáo thì công tác tuyên truyền giáo dục lại càng phải rất được chú ý, phải khéo léo.

Trong quá trình thực hiện luật hôn nhân và gia đình, đi đôi với biện pháp tuyên truyền giáo dục, đối với những vụ vi phạm một cách nghiêm trọng luật hôn nhân và gia đình thấy cần phải xử lý một cách thích đáng thì các cơ quan có trách nhiệm phải thi hành một cách kiên quyết hơn nhằm lấy hành động thực tế giáo dục quần chúng. Riêng trong đợt tháng 1-1961 này, có thể chọn một vài vụ vi phạm nghiêm trọng luật để xử lý, nhưng khi chọn cần cân nhắc, thận trọng tránh làm tràn lan.

Điều quan trọng cần chú ý là tránh gây ra tình hình căng thẳng giả tạo trong xã hội, trong gia đình; trái lại phải làm cho mọi người nhận thức lẽ phải một cách vui vẻ, làm tăng thêm sự đoàn kết trong gia đình, trong nội bộ các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy công tác, sản xuất, học tập của mọi người.

- Đợt tháng 1-1961 này chỉ làm ở vùng đồng bằng và trung du (gồm cả vùng thiên chúa giáo), chưa làm miền núi.

Nội dung luật hôn nhân và gia đình có nhiều vấn đề nhưng đợt này chỉ tập trung vào 4 nguyên tắc của luật và mấy vấn đề phổ biến và tương đối nghiêm trọng hiện nay: tảo hôn, ép duyên, lấy vợ lẽ, đánh chửi vợ.

Về hình thức và phương pháp, tùy hoàn cảnh từng nơi mà làm cho linh hoạt, gọn nhẹ nhưng vẫn đạt được yêu cầu. Nếu tổ chức cho quần chúng nghe báo cáo, trao đổi thì cần làm trong nội bộ đảng viên, đoàn viên, cán bộ trước rồi mới ra nhân dân. Cần chú trọng sử dụng các phương tiện báo chí văn nghệ.

Để “Đợt tuyên truyền vận động thi hành luật hôn nhân và gia đình” đạt được kết quả, các cấp các ngành cần tiến hành ngay những việc sau đây:

1. Ban Trung ương tuyên truyền thi hành luật hôn nhân và gia đình có nhiệm vụ, cùng các cấp các ngành có liên quan, chuẩn bị mọi mặt cho đợt tuyên truyền vận động sắp tới.

2. Ở địa phương, các Ủy ban hành chính khu (trừ khu tự trị), thành phố, tỉnh cần cộng tác chặt chẽ với Ban tuyên truyền vận động ở trung ương, nhất là trong việc cung cấp tình hình và tiến hành mọi chuẩn bị cần thiết cho cuộc vận động sắp tới.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị