Chỉ thị 26/2007/CT-UBND về tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch tiêu chảy cấp trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 26/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 10/11/2007
Ngày có hiệu lực 10/11/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thị Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế
ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 26/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CẤP BÁCH PHÒNG CHỐNG DỊCH TIÊU CHẢY CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Thời gian gần đây,bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện và lan rộng ở một số tỉnh phía Bắc, trong đó đã phát hiện một số trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Đây là loại bệnh nguy hiểm dễ lây lan thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như thành phố.

Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan vào thành phố Hồ Chí Minh, để chủ động phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp kịp thời và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1638/CĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2007; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố là phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp giai đoạn hiện nay trên địa bàn thành phố là luôn đề cao cảnh giác, tích cực và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả bệnh lây lan vào thành phố bằng nhiều cách khác nhau, sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất, chuyên môn để điều trị bệnh nếu có xảy ra trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tránh gây hoang mang, lo lắng không cần thiết trong nhân dân và làm ảnh hưởng các hoạt động kinh tế- xã hội bình thường của thành phố mà phải bình tỉnh, chủ động có kế hoạch chu đáo, cụ thể để phòng ngừa bệnh thật hiệu quả.

2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thương mại, Sở Du lịch, Sở Công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an thành phố, Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường thật chặt chẽ,

- Kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc sản xuất mua bán, tiêu thụ, sử dụng các loại mắm trên địa bàn thành phố. Trước mắt dừng ngay việc mua bán, sử dụng mắm tôm có nguồn lây truyền bệnh. Thực hiện tiêu hủy ngay mắm tôm không rõ nguồn gốc, nhãn mác và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, khu chế xuất, khu công nghiệp, các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, các khu du lịch giải trí đông người, các đơn vị cung cấp bữa ăn công nghiệp …nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm để tránh xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Người đứng đầu các đơn vị phải tự kiểm tra trong đơn vị mình và phối hợp với đoàn kiểm tra của Thành phố khi có yêu cầu.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức giám sát, phát hiện sớm khoanh vùng các ổ dịch tiêu chảy cấp (nếu có), tập trung lực lượng xử lý triệt để ngay từ đầu, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan,các nơi sản xuất, mua bán, tiêu thụ, sử dụng các loại mắm trên địa bàn Quận - Huyện mình quản lý.

- Chỉ đạo và giám sát Ủy ban nhân dân các phường - xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, quán ăn, bếp ăn tập thể trên địa bàn Quận- huyện;  xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể vi phạm về vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

- Chỉ đạo ngành y tế quận - huyện (Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng,Trung tâm y tế, Bệnh viện của Quận - Huyện ) tổ chức giám sát các trường hợp mắc bệnh, báo cáo tình hình diễn biến dịch bệnh hàng ngày về Sở Y tế  và Ủy ban nhân dân  quận - huyện theo đúng quy định; đối với các Trạm y tế xã, phường, thị trấn phải báo cáo hàng ngày số liệu giám sát các trường hợp tiêu chảy ở địa bàn; đặc biệt Phòng Y tế quận - huyện quản lý và yêu cầu các đơn vị y tế tư nhân đóng trên địa bàn báo cáo khẩn các trường hợp bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra dịch bệnh lan rộng trên địa bàn phụ trách.

4. Sở Y tế chỉ đạo các Bệnh viện, cơ sở điều trị chuẩn bị đủ thuốc, dịch truyền, hóa chất, các loại vật tư, thiết bị cần thiết. đảm bảo công tác điều trị tích cực, hiệu quả ngay tại chỗ  và ngay từ đầu khi phát hiện trường hợp mắc bệnh; thực hiện nghiêm túc việc phòng lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế chuyển tuyến điều trị.

5. Tổng Công ty cấp nước Sài GònSở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân an toàn, đảm bảo độ Clo dư, đặc biệt chú trọng trong vấn đề khử khuẩn, khử trùng. Sở Y tế đảm bảo việc cung ứng đủ lượng Cloramine B cho người dân ở khu vực có nguy cơ dịch bệnh để xử lý nguồn nước sinh hoạt an toàn.

6. Sở Văn hóa và Thông tin, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin tuyên truyền ở cơ sở thuộc ngành văn hóa thông tin phối hợp với Sở Y tế làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng, cung cấp đầy đủ mọi thông tin liên quan và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp cho từng người dân, học sinh trên toàn thành phố.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quân tiến hành tiêu hủy mắm tôm và các loại mắm bị tịch thu, bảo đảm vệ sinh môi trường theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường.

8. Sở Tài chính đảm bảo cấp đủ kinh phí để phục vụ cho các hoạt động phòng chống bệnh tiêu chảy cấp của thành phố.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể chính trị - xã hội chủ động phối hợp với Chính quyền các cấp và tích cực tham gia  công  tác  vận động, tuyên truyền phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, vận động

nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, trước hết là giữ gìn vệ sinh ăn uống, sinh hoạt; Nên ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi vệ sinh, đặc biệt là không ăn các loại mắm sống, thực phẩm sống.

Sở Y tế thường xuyên tổng hợp và báo cáo tình hình dịch bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn thành phố cho Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo)
- Bộ Y tế; Cục Kiểm tra Văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Ủy ban nhân dân Thành Phố
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 và các Đoàn thể thành phố;
- VP Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Các sở - ngành thành phố;
- Tổng Công ty cấp nước Sài gòn;
- UBND các quận - huyện, phường-xã, thị trấn; 
- Các Báo, Đài; 
- VPHĐ-UB: CPVP; các Phòng CV; các trung tâm.
- Lưu:VT, (VX-P) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Hà

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ