Chỉ thị 252-CP năm 1978 về cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất lương thực, khắc phục hậu quả của bão lụt do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 252-CP
Ngày ban hành 07/10/1978
Ngày có hiệu lực 07/10/1978
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
*******

Số: 252-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1978

 

CHỈ THỊ

VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CỦA BÃO LỤT

Do hậu quả của các trận bão liên tiếp, hiện nay tại nhiều tỉnh miền Nam và miền Bắc đang bị úng lụt nghiêm trọng. Nạn úng lụt nặng chưa từng thấy xảy ra ở cả hai miền đã làm ngập hàng triệu hécta, mất trắng hàng chục vạn hécta lúa đã gieo cấy của vụ hè thu và vụ mùa, ảnh hưởng đến kế hoạch vụ đông của nhiều tỉnh; diện tích rau màu giảm sút, chăn nuôi cũng bị thiệt hại nhiều…; hàng vạn nhà cửa của đồng bào bị trôi, sập; lương thực, hạt giống, gia cầm, gia súc bị mất khiến hàng chục vạn gia đình gặp khó khăn. Đường sá, cầu cống, đê điều, công trình thủy lợi, cơ sở vật chất của nông nghiệp, vật tư hàng hóa, kho tàng, trường học trong các vùng ngập lụt cũng bị hư hại nặng. Cùng với nạn sâu bệnh, bão và úng lụt đã làm giảm sản lượng lương thực năm nay của cả nước hàng triệu tấn. Thiên tai lớn xảy ra trong lúc cả nước đang có khó khăn về lương thực và nhiều mặt mất cân đối trong nền kinh tế, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm nay và năm 1979.

Để tập trung cao độ lực lượng của cả nước nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của thiên tai, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, kiên quyết tiến lên làm tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước theo đường lối, chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước, Hội đồng Chính phủ quyết định mở một cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với mức cao nhất, trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất lương thực.

Nội dung của cuộc vận động là: “Quán triệt nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV và nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành trung ương Đảng về tình hình mới và nhiệm vụ mới, phát huy truyền thống cách mạng tiến công và tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết sản xuất và chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn, tập trung mọi lực lượng, tận dụng mọi tiềm lực, tranh thủ mọi điều kiện, dấy lên một cao trào sản xuất nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là sản xuất lương thực, trước mắt làm tốt vụ đông và đông xuân 1978 – 1979, tiến lên đạt bằng được các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước trong các vụ sau và liên tục cho đến năm 1980, tạo điều kiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 1976 – 1980 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm sau”.

Tiến hành cuộc vận động quan trọng này, các ngành, các cấp cần nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ giải quyết vấn đề lương thực hiện nay: đây vừa là vấn đề cân đối lớn nhất của nền kinh tế lâu nay cả nước đang ra sức thực hiện, vừa là vấn đề cấp bách quan trọng nhất trong việc khắc phục hậu quả của thiên tai trước mắt. Tập trung sức cao độ để giải quyết vấn đề lương thực, trước mắt cũng như lâu dài, trong từng địa phương cũng như trong phạm vi cả nước, đối với khâu tăng gia sản xuất cũng như khâu tiết kiệm tiêu dùng, tức là tạo ra điều kiện cơ bản để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng của nước ta.

Những công tác cụ thể trước mắt cần phải tiến hành như sau:

1. Những nơi bị thiên tai trong khi tiếp tục khắc phục hậu quả của bão lụt, cứu lúa, cứu màu, cứu gia súc; phải có ngay kế hoạch và gấp rút chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất. Trước hết phải triệt để tận dụng những diện tích không bị ngập để trồng rau màu; trồng cấy kịp thời trên những diện tích nước đã rút; chuẩn bị các điều kiện nhất là chuẩn bị giống cây trồng, giống gia súc, sức kéo… để đẩy mạnh sản xuất vụ đông và đông xuân, kiên quyết phấn đấu giành một vụ đông và đông xuân thắng lợi. Trong thời gian nước rút, các địa phương cần có kế hoạch đắp bờ giữ nước cho sản xuất, tận dụng phù sa, phòng trừ sâu bệnh, có kế hoạch chỉ đạo và quản lý việc đánh bắt thủy sản sau vụ lụt để không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Các tỉnh có vùng bị lụt cần đẩy mạnh trồng rau, màu chống đói ở mỗi huyện, xã, kể cả huyện, xã không bị lụt; tận dụng các quỹ dự trữ lương thực của địa phương và động viên nhân dân nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ lẫn nhau để cứu trợ các hộ thiếu lương thực. Chú ý chăm lo sức khỏe của nhân dân, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh để đẩy mạnh sản xuất. Những tỉnh có nhiệm vụ điều lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc vùng biên giới, cần điều ngay một bộ phận dân vùng bị ngập lụt đi đến những nơi mới để khai hoang mà không đợi nước rút. Ở những nơi đang xây dựng hợp tác xã hoặc tổ chức lại sản xuất của hợp tác xã phải nhân dịp đẩy mạnh phong trào khắc phục hậu quả bão lụt mà phát triển hợp tác xã hoặc tổ chức lại sản xuất, dựa vào sức mạnh to lớn của tập thể mà khắc phục hậu quả của thiên tai, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Các tỉnh, huyện không bị ngập lụt cần tận dụng đất đai và khả năng lao động mà đẩy mạnh sản xuất lương thực, nhất là rau, màu, để góp phần giải quyết khó khăn chung về lương thực và hỗ trợ các vùng bị lụt, động viên và tổ chức nhân dân ra sức chăm bón mùa màng, chú ý phòng trừ sâu bệnh, có biện pháp hạn chế hao hụt đến mức thấp nhất trong lúc gặt hái, đồng thời động viên nhân dân tiết kiệm tiêu dùng lương thực để làm nghĩa vụ nộp thuế và bán lương thực cho Nhà nước. Các tỉnh, huyện không bị ngập lụt phải có kế hoạch tự lo lấy các nhu cầu trong lúc cả nước có khó khăn, tự mình giảm bớt các yêu cầu đối với trung ương nhất là yêu cầu xin cung cấp lương thực, giống, vật tư nhập khẩu các loại, v.v… Các tỉnh, huyện không bị lụt có trách nhiệm giúp đỡ các tỉnh, huyện bị lụt trước tiên là giúp các loại giống rau, màu và cây, con khác. Nơi nào có các quỹ thóc để chăn nuôi cần phải đổi lấy màu, lúa mì để làm thức ăn cho gia súc, dành thóc cho các vùng bị ngập lụt. Phát huy các tổ chức và hình thức kết nghĩa và tương trợ giữa nhân dân và giữa các hợp tác xã, các tỉnh, huyện không bị lụt với các tỉnh, huyện bị lụt.

Tất cả các vùng đều phải hết sức coi trọng việc đẩy mạnh sản xuất màu, vì đó là cây lương thực quan trọng, có tính ổn định, có nhiều khả năng mở rộng diện tích, có khả năng chế biến phong phú và từ đó mà giải quyết vấn đề lương thực cho người và thức ăn gia súc ở mỗi địa phương cũng như trong phạm vi cả nước. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết số 229-CP ngày 15-09-1978 của Hội đồng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất màu.

2. Thủ trưởng các ngành ở trung ương phải nắm lại lực lượng cán bộ, lao động, thiết bị, vật tư của ngành để có kế hoạch huy động đến mức cao nhất phục vụ cho nông nghiệp, cho địa phương và cơ sở, ưu tiên cho cấp huyện, nhất là các huyện ở vùng biên giới.

Trong lúc này các cơ quan quản lý ngành ở trung ương càng phải quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ IV của trung ương Đảng, nắm lại tình hình tổ chức và cán bộ của ngành mình ở địa phương và cơ sở, có kế hoạch tăng cường cho địa phương và cơ sở, nhất là tăng cường lực lượng cán bộ cho cấp huyện để giúp huyện quản lý và chỉ đạo tốt sản xuất nông nghiệp, xây dựng huyện vững mạnh cả về kinh tế và quốc phòng.

Các ngành sản xuất công nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các ngành vật tư, giao thông vận tải, ngoại thương để giải quyết các khó khăn của cơ sở đẩy mạnh sản xuất phân bón, apatít nghiền, đá vôi nghiền, thuốc trừ sâu, nông cụ, phụ tùng, sức điện… phục vụ cho sản xuất vụ đông và đông xuân. Bộ Ngoại thương và Bộ Giao thông vận tải cần có kế hoạch nhập khẩu, tiếp nhận và vận chuyển kịp thời thuốc trừ sâu, giống, phân bón, phụ tùng máy nông nghiệp và các loại vật tư cần thiết khác cho nông nghiệp. Bộ Giao thông vận tải phải sửa chữa nhanh những đường sá, cầu cống bị hư hỏng để kịp thời phục vụ sản xuất ở những vùng bị ngập lụt.

3. Phát động ngay trong tháng 10 này càng sớm càng tốt một phong trào rộng rãi thực hiện triệt để khẩu hiệu: “Tấc đất, tấc vàng” làm rau, màu ở khắp các xã, ấp, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp, công trường và nhân dân các thành phố, thị xã, thị trấn để tăng thêm nguồn lương thực, thực phẩm cho xã hội, thể hiện thành những kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể, có biện pháp bảo đảm thực hiện đầy đủ. Phải động viên nhân dân, công nhân viên chức, quân đội, học sinh không bỏ một tấc đất hoang, tận dụng đến từng bờ ruộng, lề đường để trồng các cây lương thực, rau, màu nuôi sống con người. Việc này phải được chỉ đạo thực hiện một cách thiết thực, tránh hình thức gây lãng phí công sức, vật tư, xe cộ đi lại. Tất cả các xã, hợp tác xã nông trường, các cơ quan, đơn vị có đất mà không làm hoặc không làm hết trong vụ đông này đều phải để cho các đơn vị, cơ quan khác tăng gia sản xuất, tuyệt đối không được để đất hoang. Trong trường hợp tập thể không làm hết đất thì có thể cho xã viên mượn đất làm thêm trong vụ đông với điều kiện phải bảo đảm đủ ngày công làm vụ đông của hợp tác xã và kịp thời giải phóng đất để làm vụ xuân.

Các đơn vị bộ đội đóng ở đâu phải tìm mọi cách sản xuất thêm lương thực nhất là rau màu ngắn ngày với mức cố gắng cao nhất.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, phải kiểm tra và nắm lại số diện tích đất nông nghiệp trước kia bị trưng dụng để xây dựng các công trình nay chưa dùng đến hoặc dùng không hết, bị bỏ hoang; các cơ quan, công trường có các loại đất bỏ hoang nói trên đều phải tổ chức sản xuất hoặc giao cho các hợp tác xã, các cơ quan khác sản xuất; nếu cứ tiếp tục bỏ đất hoang, thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện có quyền huy động lao động đến sản xuất và thi hành kỷ luật đối với cơ quan và người phạm lỗi.

Mỗi cơ quan ở trung ương và ở cấp tỉnh, thành phố phải tăng cường chỉ đạo cơ quan ngành dọc ở địa phương đồng thời phải huy động một phần ba cán bộ, công nhân, nhân viên trong chỉ tiêu biên chế làm hai việc như sau:

- Kiện toàn và củng cố tổ chức của địa phương nhất là huyện, xã;

- Tham gia sản xuất nông nghiệp.

Số lao động này trước hết lấy ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, các bộ phận của đơn vị sản xuất, xây dựng chưa có nhiệm vụ hoặc thiếu việc làm, các đơn vị sản xuất thừa sức lao động, lập thành các tổ về địa phương củng cố tổ chức ngành dọc và tham gia sản xuất nông nghiệp hoặc giúp các địa phương chỉ đạo và phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nay đến hết vụ đông và gieo trồng xong vụ đông xuân nắm 1978 – 1979 (đối với các vụ kế tiếp sẽ có kế hoạch sau).

Những cán bộ, nhân viên đi về địa phương phải là người có khả năng lao động sản xuất hoặc công tác để có tác dụng thiết thực giúp cho các huyện, xã và hợp tác xã; phải có tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện, tự mình lo liệu, sinh hoạt bằng tiền lương và phần lương thực của mình, không gây phiền hà cho địa phương. Mỗi ngành ở cơ quan trung ương phải tổ chức số người đi về địa phương sản xuất và công tác thành các tổ và các tổ này được tập huấn ngắn ngày, trước khi được cử về các tỉnh để mở rộng vụ đông, chú trọng các tỉnh bị lụt, các tỉnh trung du, miền núi và biên giới. Các đơn vị thuộc các ngành trung ương, đóng ở các tỉnh nào phải theo kế hoạch huy động đi sản xuất lương thực của Ủy ban nhân dân tỉnh đó là chính, đồng thời cũng có thể tham gia các kế hoạch sản xuất của công đoàn ngành dọc. Các tỉnh phải phân phối lực lượng công nhân viên chức đi sản xuất nông nghiệp về những nơi cần thiết.

Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên nào tình nguyện ở lại hẳn các địa phương và cơ sở để phục vụ sản xuất nông nghiệp và trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp thì các cơ quan quản lý những cán bộ, nhân viên đó nên khuyến khích và tạo điều kiện cho anh chị em về công tác hẳn ở địa phương. Tiền lương và các khoản phụ cấp thường xuyên của những cán bộ, nhân viên đó vẫn được giữ nguyên.

Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm phân bổ lực lượng của các ngành về các tỉnh, đồng thời cùng với địa phương lo giúp các điều kiện sản xuất như giống, nông cụ…

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức ở lại cơ quan làm việc phải tăng hiệu suất công tác để đảm nhiệm phần việc của những người đi sản xuất, do đó phải ra sức cải tiến cách làm việc, bớt giấy tờ, giảm hội họp, bỏ những thủ tục phiền phức; đồng thời những anh chị em này vẫn phải tham gia sản xuất rau màu ở gần nơi làm việc.

4. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất lương thực phải tăng cường nắm lương thực, hàng hóa trong tay Nhà nước. Các tỉnh bị ngập lụt cũng như các tỉnh không bị ngập lụt phải nắm chắc sản lượng lương thực ở từng huyện, xã, để giao đúng mức huy động lương thực. Ở những nơi có nhiều hoa màu, Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh phải chỉ đạo chặt chẽ việc thu hoạch, chế biến và thu mua, không để tình trạng ứ đọng do không thu hoạch kịp hoặc không chế biến và tiêu thụ kịp. Bộ Lương thực và thực phẩm phải có kế hoạch đưa màu vào cơ cấu lương thực của cả nước. Từng tỉnh, huyện, xã phải có kế hoạch đưa màu vào cơ cấu lương thực của địa phương, vận động và hướng dẫn nhân dân dùng màu vào bữa ăn hàng ngày, tiết kiệm dùng gạo và dành thóc bán cho Nhà nước. Ngành giao thông vận tải phải phối hợp với ngành lương thực và thực phẩm để vận chuyển lương thực (cả lúa và màu) được nhanh gọn.

Triệt để tiết kiệm lương thực; kiên quyết bài trừ nạn nấu rượu lậu. Các ngành lương thực và thực phẩm, nội thương, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để có kế hoạch kiểm tra ráo riết, có biện pháp và tổ chức có hiệu lực chống lấy cắp và hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hao hụt lương thực, thực phẩm trong các khâu bốc dỡ, vận chuyển, nghiêm trị mọi hành động vi phạm. Kiên quyết cắt khẩu phần lương thực của bọn lưu manh và bọn “phe phẩy” không chịu lao động theo sự bố trí và huy động của Nhà nước.

Tăng cường quản lý lương thực, nghiêm trị bọn đầu cơ buôn lậu, lợi dụng thiên tai mà lũng đoạn thị trường, bóc lột nhân dân; quét sạch bọn lưu manh quấy rối trị an xã hội. Ở thành thị và nông thôn phải quản lý bọn lười biếng, bọn chuyên sống về nghề lưu manh, trộm cắp “phe phẩy” và bắt buộc chúng phải lao động sản xuất; kiên quyết đưa bọn tội phạm hình sự được tha về lao động sản xuất để tiếp tục cải tạo tại các hợp tác xã và giao cho các hợp tác xã giám sát.

[...]