Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2016 tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế

Số hiệu 24/CT-UBND
Ngày ban hành 26/09/2016
Ngày có hiệu lực 26/09/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 9 năm 2016

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Những năm qua, song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đã được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, từ đó mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần hạn chế xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân, nhất là một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc vẫn còn xem nhẹ hoặc chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, nên việc tổ chức các giải pháp phòng ngừa về cháy, nổ ở một số nơi còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót; lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ đang còn gặp khó khăn về lực lượng và trang thiết bị công tác; trong khi đó tình hình khô hạn kéo dài do biến đổi khí hậu tác động, tạo ra nguy cơ về tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Vì vậy đòi hỏi phải cần có những nỗ lực, giải pháp chiến lược trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương cần quan tâm chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 08/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Quyết định số 1635/QĐ-TT ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời hàng năm phải có tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh khẩn trương tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Thông báo số 158/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, để việc triển khai đồng bộ, thống nhất và toàn diện hơn.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là những người đứng đầu trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, người dân, yêu cầu mọi người tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chấp hành quy định của nhà nước về thực hiện bảo hiểm về cháy, nổ bắt buộc.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên nghiên cứu mở các lớp tuyên truyền, giáo dục chuyên đề phòng cháy, chữa cháy, nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho số đoàn viên, hội viên, thành viên, nhất là các chức sắc, chức việc, lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, thành viên Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn viên thành niên... tạo tiền đề để mở rộng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phát sóng, đưa tin về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Phối hợp Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh xây dựng các tin, bài, hình ảnh hướng dẫn cho mọi người dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; xây dựng phóng sự, bài viết nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán công khai các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác giáo dục, phòng ngừa chung.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh thống nhất xây dựng nội dung, thời lượng phổ biến kiến phòng cháy và chữa cháy, lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, cơ sở giáo dục tại địa phương phù hợp với từng cấp học; tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu Luật phòng cháy và chữa cháy” tại các trường học. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh cùng với Đại học Huế tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với cán bộ, giáo viên, sinh viên các trường đại học đóng trên địa bàn.

3. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung củng cố, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, bằng nhiều mô hình phong trào phong phú, đa dạng sát hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa bàn, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cùng với củng cố lại chất lượng hoạt động của các đội dân phòng theo đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, theo quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ.

Các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp tập trung kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chi cấp kinh phí mua sắm các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy thuộc đơn vị quản lý.

Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh tăng cường hướng dẫn, kiểm tra chất lượng hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, yêu cầu các chủ doanh nghiệp quan tâm về chế độ và đầu tư, trang bị đủ phương tiện, dụng cụ, trang phục phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng này.

Chính quyền các địa phương chủ động cân đối ngân sách củng cố hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại thuộc quyền quản lý...

Năm 2017, phấn đấu tất cả lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đều qua tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy theo đúng Luật định.

4. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về thực hiện quy chuẩn thiết kế, trang bị, sử dụng hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong xây dựng cơ bản; thường xuyên chủ động tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, chú ý rà soát nguồn nước và lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy tại cơ sở. Quan tâm xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định, nhất là đối với các khu công nghiệp, phải đảm bảo tất cả các khu công nghiệp phải có phương án chữa cháy cho toàn khu vực và phải tổ chức thực tập được một lần trong một năm xử lý cháy, nổ có huy động nhiều lực lượng trong khu công nghiệp tham gia.

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh phối hợp với Sở Công Thương và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra lên danh sách các cơ sở kinh doanh gas, xăng, dầu, hóa chất, buôn bán phế liệu... sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy đang nằm xen kẽ trong khu vực tập trung đông dân cư, nhà liền kề để đề xuất chính quyền tỉnh chỉ đạo có giải pháp xử lý thích hợp, không để tồn tại kéo dài...

Hàng năm, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nguy hiểm về cháy, nổ, nhất là các khu công nghiệp, khu dân cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, trường học, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, cảng biển, bến xe, các công trình văn hóa... kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vi phạm và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, trong đó cần chú trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, nhất là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra, hướng dẫn xây dựng, thực tập phương án chữa cháy...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục duy trì triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, chú ý các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quan tâm đầu tư nâng cấp phương tiện, trang bị phục vụ chữa cháy tại chỗ và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và các đơn vị hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn khi sử dụng điện tại các cơ sở trọng điểm, khu tập trung đông dân cư, hạn chế tình hình cháy, nổ do sự cố về điện xảy ra.

Công ty TNHH NN1TV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố Huế... tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống cấp nước chữa cháy hiện có; tham mưu UBND tỉnh đề án cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thêm các bể cấp nước chữa cháy và lắp đặt thêm các trụ nước chữa cháy, đảm bảo nhu cầu phát triển lâu dài.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu và chuyên nghiệp trong phòng cháy, chữa cháy của tỉnh. Tăng cường huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ; đảm bảo chế độ thường trực lực lượng, phương tiện chữa cháy, kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Thực hiện tốt mối quan hệ, hiệp đồng tác chiến với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh trong việc ứng phó với sự cố cháy, nổ nghiêm trọng và công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ, việc trên địa bàn.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND tỉnh trong phân bổ ngân sách hàng năm, quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.

Nhận đ­ược Chỉ thị này, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, tổng hợp tình hình và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

[...]