Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2023 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chỉnh trang đô thị tại các đô thị Biên Hòa, Long Khánh và thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn đến năm 2025

Số hiệu 23/CT-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Tấn Đức
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

CHỈ THỊ

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ TẠI CÁC ĐÔ THỊ BIÊN HÒA, LONG KHÁNH VÀ THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI TRONG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025

Đồng Nai hiện có 11 đô thị, trong đó Biên Hòa là đô thị loại I, Long Khánh là đô thị loại III, thị trấn Long Thành, Trảng Bom là đô thị loại IV, còn lại các thị trấn là đô thị loại V, các đô thị đang được quan tâm tập trung đầu tư phát triển, không gian đô thị ngày càng được đầu tư, nâng cấp; tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị như hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quá tải, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tương xứng với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; còn tồn tại tình trạng xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch, kênh rạch sông suối bị lấn chiếm, vỉa hè bị chiếm dụng, quảng cáo rao vặt, rác thải, ngập nước, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, thiếu bãi đậu xe, cây xanh và diện tích tiện ích phục vụ sinh hoạt cộng đồng hạn chế, đường dây điện, cáp viễn thông còn thiếu an toàn, gây mất mỹ quan đô thị…

Để tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang các đô thị trên địa bàn tỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế, thay đổi bộ mặt của đô thị và ổn định, đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, dần định hình ý thức xã hội hướng đến mục tiêu xây dựng các đô thị có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay để chỉnh trang đô thị tại các đô thị Biên Hòa, Long Khánh và thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn từ nay đến 2025, trong đó tập trung đạt mục tiêu và thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Mục tiêu

a) Đạt được sự chuyển biến, thay đổi diện mạo đô thị, tăng giá trị sống theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích phục vụ cộng đồng được tăng lên, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững, đem lại sự hài lòng về chất lượng cuộc sống, thiết thực nâng cao chỉ số hạnh phúc của con người Đồng Nai.

b) Tạo lập cảnh quan đô thị văn minh - xanh - sạch - đẹp trên các tuyến đường, ngõ phố, trụ sở, cơ quan, trường học; hình thành các tuyến đường xanh đẹp với hạ tầng đồng bộ đảm bảo lưu thông thông thoáng, tiêu thoát nước, giảm tình trạng kẹt xe, ngập úng, tại nạn giao thông; cây xanh công viên, bãi dậu xe, khu vực sinh hoạt tiện ích phục vụ cộng đồng được tăng lên và phân bố hợp lý; tổ chức quản lý việc buôn bán hàng rong, buôn bán tạm; làm sống lại mạng lưới nguồn nước nội đô giữ vai trò mạch máu xanh của đô thị.

c) Các đô thị điển hình chỉnh trang đô thị tại Đồng Nai đạt “05 không, 05 có” gồm: Đô thị có biểu trưng, có không gian xanh, có bãi đậu xe, có nhà vệ sinh công cộng, có đường phố thoáng đẹp; đô thị không dây nhợ, không rác bừa bãi, không người ăn xin, sống lang thang, không hàng rong buôn bán nhếch nhác, không đào xới đường xá lộn xộn.

2 Tuyên truyền giáo dục, phát động phong trào

a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, ý thức giữ gìn vệ sinh chung; xây dựng các mô hình: Đổi rác lấy cây xanh, tình nguyện tại chỗ, vườn hoa trong khuôn viên trường, đồng hành với chính quyền giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị.

b) Phát động phong trào thi đua quy mô lớn “Năm Chỉnh trang đô thị” với khẩu hiệu “Chỉnh trang đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp” từ nay đến năm 2025 chào mừng 50 năm giải phóng thống nhất đất nước và Đại hội Đảng các cấp; thực hiện thi đua giữa các phường - thị trấn, giữa các huyện - thành phố, giữa các sở ngành để triển khai thực hiện hoàn thành chia thành 02 đợt - chào mừng dịp Lễ 2 tháng 9 năm 2024 và dịp Lễ 30 tháng 4 năm 2025, đồng thời nhân rộng các hoạt động trong thời gian tiếp theo với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Thành phố Biên Hòa có ít nhất 15 phường, thành phố Long Khánh có ít nhất 07 phường là “Phường điển hình chỉnh trang đô thị”, 09 huyện còn lại có “Thị trấn điển hình chỉnh trang đô thị”; Từng bước phấn đấu và nhân rộng đơn vị điển hình, kiểu mẫu về chỉnh trang đô thị trên các địa bàn.

c) Xây dựng phường, thị trấn, khu phố đạt chuẩn đô thị văn minh theo Kế hoạch 184/KH-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

d) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện chỉnh trang đô thị xanh - sạch - đẹp. Tập trung tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tạo sự chuyển biến tích cực nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia trong việc xây dựng đô thị văn minh gắn với công tác quản lý và chỉnh trang đô thị. Tổ chức các câu lạc bộ, đội hình thanh niên tình nguyện xung kích chỉnh trang đô thị.

3. Chỉnh trang đô thị

a) Kiến trúc đô thị

- Mỗi đô thị xác định và hình thành được 01 công trình biểu trưng đô thị.

- Xác định và phát huy các giá trị đặc trưng cảnh quan dọc các tuyến sông; Tăng cường công tác thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc đối với các công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính.

b) Đầu tư xây dựng cơ bản

- Khi thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị phải đảm bảo nguyên tắc tăng mật độ đất giao thông, đất cây xanh, đất giao thông tĩnh, tăng quy mô lòng đường, vỉa hè trong khả năng tối đa có thể; đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường, hẻm, gồm: Nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và nước thải, đèn chiếu sáng công cộng cho hẻm, trụ cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy.

- Khắc phục triệt để tình trạng mặt đường, nền đường mới đầu tư đã đào xới; không còn tình trạng đào xới vỉa hè vào dịp cuối năm.

c) Cảnh quan - môi trường - giao thông đô thị

- Vận động xây dựng mô hình chỉnh trang mặt tiền, tường rào, trang trí cây xanh tại trụ sở, trường học, nhà ở; chỉnh trang cảnh quan khu vực ngoài hàng rào tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng các tiểu cảnh, điểm check-in tại các khu vực công cộng, điểm du lịch nhằm tạo mỹ quan và phục vụ du khách thưởng lãm, vui chơi.

- Quản lý các công viên công cộng theo hướng mở, gắn với việc đầu tư, kêu gọi xã hội hóa các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ vui chơi, rèn luyện sức khỏe của người dân tại các công viên; bổ sung tăng diện tích cây xanh trên các tuyến đường và trong khuôn viên các công trình công cộng, công sở, trường học, hành lang bảo vệ công trình, mương suối…: Thiết kế, xây dựng các mô hình đường hoa, trục cây xanh đặc trưng.

- Tổ chức các khu vực bãi đậu xe công cộng, khu vực được dừng, đỗ xe, không để tình trạng xe đậu lấn chiếm vỉa hè, đậu trái quy định gây ảnh hưởng an toàn giao thông; thực hiện rà soát quỹ đất công nằm xen kẽ, các công trình công lâu không sử dụng tồn tại nhếch nhác, tiềm ẩn tệ nạn xã hội để đầu tư xây dựng, cải tạo thành bãi đỗ xe, công viên cây xanh, khu sinh hoạt cộng đồng phục vụ các nhóm ở, khu ở.

- Tập trung tổ chức bố trí hệ thống nhà vệ sinh công cộng theo mô hình đa dạng, thiết kế hiện đại, sử dụng hiệu quả, nhất là tại các trạm xăng dầu, trạm dừng chân, các khu công cộng, khu trung tâm, các địa điểm đông dân có nhu cầu tiếp cận lớn.

- Rà soát thu hồi, bó gọn các tuyến cáp, dây điện; xây dựng kế hoạch thực hiện ngầm hóa hệ thống lưới điện, cáp viễn thông cùng với quá trình đầu tư làm mới vỉa hè các tuyến phố theo hướng sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật; không lắp dựng trạm BTS dạng cồng kềnh, chuyển đổi sang sử dụng trạm BTS dạng nguỵ trang đảm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

- Tổ chức quản lý lại hoạt động buôn bán hàng rong, buôn bán tạm; quy hoạch bố trí tổ chức lại các khu chợ đêm, khu phố đêm đảm bảo an ninh, trật tự và văn hóa đô thị; kiểm soát không còn tình trạng người ăn xin, người sống lang thang nơi công cộng.

- Tổ chức và duy trì thường xuyên dọn vệ sinh khu dân cư, nơi công cộng, các tuyến đường, ngõ hẻm, tạo không gian sống “xanh - sạch - đẹp - an toàn”; Khơi thông nạo vét cống rãnh, kênh mương, không để tình trạng ngập úng do rác gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước; Rà soát đảm bảo các điểm sang tiếp rác, trung chuyển rác gọn, sạch.

[...]