Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu | 22/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/11/2019 |
Ngày có hiệu lực | 28/11/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Phan Thiên Định |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 11 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật (Phụ lục đính kèm) tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã dần đi vào nề nếp; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nâng lên; hiệu quả trong sử dụng, khai thác tài sản được chú trọng, góp phần quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý tài sản công còn phân tán và sử dụng chưa thực sự hiệu quả; việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; việc khai thác, huy động nguồn lực từ tài sản công hiệu quả chưa cao; công tác rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất còn chậm; còn trường hợp thất thoát, lãng phí tài sản công,...
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
I. Tăng cường công tác quản lý tài sản công:
1. Tăng cường phổ biến nội dung, quán triệt thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Trung ương và của tỉnh.
2. Thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định, tiêu chuẩn, định mức khi: giao, đầu tư, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công; xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo đúng các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của trung ương và của tỉnh.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính. Việc xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công phải được thảo luận rộng rãi, dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; sau khi ban hành phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công có trách nhiệm công khai tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo đúng nội dung và hình thức công khai được quy định tại mục 2 Chương XIV Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.
4. Về quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng:
Thực hiện việc giao, đầu tư, mua sắm, khoán kinh phí sử dụng thiết bị, quản lý, sử dụng, xử lý máy móc, thiết bị chuyên dùng (trừ máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo) theo tiêu chuẩn, định mức do UBND tỉnh ban hành.
5. Về tăng cường quản lý, sử dụng xe ô tô:
- Quản lý, sử dụng xe ô tô theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.
- Thực hiện thống kê rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phương án sắp xếp lại số xe ô tô hiện có và xử lý xe ô tô dôi dư của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
6. Về tăng cường quản lý nhà, đất, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp:
a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; kiểm soát tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ;
b) Lấy ý kiến Sở Tài chính (đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh), Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố Huế (đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý) có ý kiến bằng văn bản về tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 152/2017/NĐ-CP.
c) Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp vào mục đích cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho cá nhân, đơn vị khác, sử dụng sai mục đích,… khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.
7. Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết:
- Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng cơ sở nhà đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết thì đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính và Điều 20 Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về phân cấp quản lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất sử dụng cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định kể từ ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ có hiệu lực có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách Nhà nước; xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan theo quy định, báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh.
8. Thực hiện nghiêm quy định về cập nhật, chỉnh lý thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, từng bước sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để thay thế thông tin dạng giấy; Đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê, sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công,… theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Sở Tài chính tại Công văn số 12006/BTC-QLGCS ngày 02/8/2018 về việc thông báo việc đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử về tài sản công.
II. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Sở Tài chính:
- Chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị liên quan thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, đơn vị theo quy định tại Chương XI Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tiếp tục rà soát, lập phương án điều chỉnh, bổ sung phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương trong việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có ý kiến bằng văn bản về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xử lý đối với diện tích là nhà, đất ở cơ quan nhà nước không còn nhu cầu sử dụng, cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
2. Giao Sở Giao thông Vận tải (cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi) phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện việc quản lý sử dụng và khai thác tài sản theo quy định.