Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Chỉ thị 202-HĐBT năm 1985 về chấn chỉnh công tác kiểm tra, kiểm soát của Hải quan tại các sân bay, hải cảng, các cửa khẩu khác do Hội đồng bộ trưởng ban hành

Số hiệu 202-HĐBT
Ngày ban hành 10/07/1985
Ngày có hiệu lực 25/07/1985
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 202-HĐBT

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT CỦA HẢI QUAN TẠI CÁC SÂN BAY, HẢI CẢNG, CÁC CỬA KHẨU KHÁC

Từ trước đến nay, chúng ta chưa chú ý đúng mức công tác hải quan, chưa xây dựng ngành Hải quan có đủ khả năng kiểm tra và kiểm soát ở các sân bay, hải cảng và các cửa khẩu khác.

Để tăng cường công tác hải quan (từ một Cục nằm trong Bộ Ngoại thương) Đảng và Nhà nước đã thành lập Tổng cục Hải quan với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức như Nghị định số 139-HĐBT ngày 20-10-1984 đã quy định.

Chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, ngành Hải quan đã tăng cường một bước việc kiểm tra, kiểm soát ở các cửa khẩu nước ta, nhằm bảo đảm thực hiện đúng đắn chính sách của Nhà nước về độc quyền ngoại thương, ngoại hối, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống đầu cơ buôn lậu, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội và phục vụ tốt công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, do các ngành và các địa phương chưa nhận thức rõ vị trí quan trọng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành Hải quan; do sự phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và các Bộ, các ngành Trung ương có liên quan thiếu chặt chẽ, đồng bộ; do đội ngũ cán bộ, nhân viên hải quan chưa được rèn luyện, bồi dưỡng cả về chính trị và nghiệp vụ, cách làm việc của một số cán bộ, nhân viên hải quan có thiếu sót; do quy chế của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát người và hàng hoá ở cửa khẩu còn có nhiều điểm thiếu cụ thể, hoặc chưa được bổ sung, sửa đổi cho thích hợp với tình hình hiện nay; do thiếu trang bị những điều kiện và phương tiện làm việc cần thiết cho ngành Hải quan ở các cửa khẩu; cho nên công tác hải quan ở cửa khẩu chưa đáp ứng với yêu cầu của tình hình hiện nay và còn nhiều nhược điểm.

Để kịp thời khắc phục những thiếu sót và nhược điểm trong công tác hải quan, đưa việc kiểm tra, kiểm soát của hải quan ở các cửa khẩu vào nền nếp đúng đắn, bảo đảm việc xử lý các hàng hoá phi mậu dịch của những người xuất nhập cảnh theo đúng những nguyên tắc hải quan quốc tế, theo đúng chính sách và luật pháp của Nhà nước ta về hải quan, trong phiên họp ngày 18 tháng 5 năm 1985. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định một số vấn đề trước mắt dưới đây:

A. VỀ CHẾ ĐỘ MIỄN KHÁM

Căn cứ Điều 33 của Điều lệ Hải quan được ban hành theo Nghị định số 3-CP ngày 27-2-1960 của Hội đồng Chính phủ, nay quy định bổ sung những đối tượng sau đây được hưởng chế độ miễn khám:

1. Những người lãnh đạo, đoàn viên và tuỳ tùng thuộc các Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Chấp hành Trung ương các đoàn thể trong Mặt trận đi công tác nước ngoài và trở về.

2. Những người lãnh đạo, đoàn viên và tuỳ tùng thuộc các Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Chính phủ các nước, của các phong trào giải phóng dân tộc, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể nhân dân, các nhân sĩ là khách mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương các đoàn thể trong Mặt trận vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc là khách mời dự các hội nghị ngoại giao, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật ở Việt Nam và trở ra hoặc qua Việt Nam để đi nước khác.

3. Những người có hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao của những nước đã công nhận nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp hoặc những người có hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.

4. Những viên chức thuộc các tổ chức quốc tế được Bộ Ngoại giao ta quy định hưởng quy chế ngoại giao theo các văn bản chính thức mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết.

5. Vợ và các con cùng đi theo trong danh sách những người nêu trong các điểm 1, 2, 3, 4 ở trên.

Đối với những người trong diện miễn khám kể trên khi xuất nhập cảnh thì hành lý của họ được miễn khai và miễn khám (gồm các loại xách tay và hành lý ký gửi trước, sau hay cùng chuyến khi xuất nhập cảnh). Hải quan ở cửa khẩu phải dành mọi sự dễ dàng, thuân lợi cho những đối tượng này.

Cơ quan chủ quản của các đoàn khách nói trên (như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương...) phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan chậm nhất 24 giờ trước khi khách đến tại cửa khẩu. Trường hợp có khách đến đột xuất thì lãnh đạo cơ quan và đoàn thể cấp Trung ương có trách nhiệm đưa đón khách có thể thông báo bằng điện thoại cho Tổng cục Hải quan biết, để Tổng cục Hải quan chỉ thị kịp thời cho hải quan cửa khẩu thực hiện chế độ miễn khám, đồng thời, lãnh đạo cơ quan hay đoàn thể vẫn phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan.

Bộ Ngoại giao phải quản lý chặt chẽ việc cấp các loại hộ chiếu đúng đối tượng, đúng cấp bậc và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những vụ việc xảy ra do việc cấp hộ chiếu sai đối tượng.

Ngoài những người thuộc diện miễn khám từ điểm 1 đến điểm 5 kể trên, nếu xét cần được miễn khám, thì lãnh đạo các cơ quan, các đoàn thể cấp Trung ương cần có văn bản yêu cầu để Tổng cục Hải quan cấp giấy miễn khám.

B. VỀ VIỆC KHÁM XÉT HÀNH LÝ CỦA NHỮNG NGƯỜI XUẤT NHẬP CẢNH

Đối với những người được hưởng chế độ miễn khai, miễn khám hành lý, nếu hải quan biết chắc người nào có mang hàng cấm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thể ra lệnh cho hải quan cửa khẩu tiến hành khám xét hành lý người đó. Khi khám xét phải có mặt đương sự, hoặc người đương sự uỷ nhiệm; phải làm theo đúng thủ tục pháp lý Nhà nước ta và phù hợp với tập quán quốc tế mà Nhà nước ta đã thừa nhận, bảo đảm lợi ích quốc gia đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị đối ngoại. Trường hợp khám không đúng thì hải quan phải xin lỗi về sự nhầm lẫn với khách và báo cho Bộ Ngoại giao hoặc Ban đối ngoại Trung ương Đảng biết để thông cảm lại với khách.

Ngoài những đối tượng được hưởng chế độ miễn khám nói trên, những hành khách xuất, nhập cảnh khác phải làm đầy đủ các thủ tục hải quan ở các cửa khẩu; các hành lý, hàng hoá xuất nhập khẩu phi mậu dịch đều phải kê khai và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan ở cửa khẩu theo đúng luật lệ của Nhà nước Việt Nam.

C. VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU PHI MẬU DỊCH

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm cùng các Bộ Ngoại thương, Ngoại giao, Nội thương, Tài chính, Lao động, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước soát xét lại nội dung các văn bản hiện hành, nghiên cứu và đề nghị Hội đồng Bộ trưởng bổ sung, sửa đổi những quy định trước đây không còn thích hợp với tình hình hiện nay.

Trước mắt, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quy định một số điểm cụ thể dưới đây:

1. Đối với hàng hoá cấm xuất khẩu và nhập khẩu phi mậu dịch.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan ở các cửa khẩu tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nếu phát hiện thì tịch thu, không để lọt vào thị trường nước ta cũng như xuất khẩu ra ngoài nước những mặt hàng Nhà nước đã cấm xuất hoặc nhập khẩu phi mậu dịch (thi hành theo danh mục quy định trong Thông tư liên Bộ Tài chính - Ngoại thương số 9-TTLB/TC/NgT ngày 25-3-1981). Riêng các loại quần áo, chăn màn, giầy dép đã sử dụng của những người Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài nay trở về nước thì trả lại cho đương sự.

Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế của Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế công tác tại Việt Nam.

Bộ Ngoại giao cùng Bộ Ngoại thương, Bộ Nội thương, Tổng cục Hải quan cần soát xét lại các quy định hiện hành, nếu xét cần bổ sung, sửa đổi thì nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định lại danh mục các chủng loại mặt hàng và số lượng mặt hàng được xuất nhập khẩu cho từng quý, từng năm phù hợp với nhu cầu công tác và sinh hoạt của các đối tượng nói trên, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam và phù hợp với tập quán thông dụng quốc tế. Bộ Ngoại giao sẽ thông báo quy định nói trên cho Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

[...]