Chỉ thị 200/CT-TW năm 1960 về việc cải tạo những người có nhiều nhà cho thuê và quản lý toàn bộ nhà cửa cho thuê ở thành phố và thị xã do ban chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 200/CT-TW
Ngày ban hành 30/03/1960
Ngày có hiệu lực 30/03/1960
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
Người ký Lê Duy Trinh
Lĩnh vực Bất động sản

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 200/CT-TW

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1960

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI TẠO NHỮNG NGƯỜI CÓ NHIỀU NHÀ CHO THUÊ VÀ QUẢN LÝ TOÀN BỘ NHÀ CỬA CHO THUÊ Ở THÀNH PHỐ VÀ THỊ XÃ

Hiện nay ở miền Bắc nước ta, nhà cửa ở thành thị tập trung nhiều vào hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng và thị xã Nam Định, còn một số ít thì ở các thị xã khác. Ở các thành phố lớn, tư nhân chiếm tới 81% tổng số diện tích nhà. Riêng số nhà cho thuê chiếm tới 33%, tổng số diện tích, trong đó có khoảng 1/4 là nhà vắng chủ.

Chủ nhà cho thuê nằm trong nhiều tầng lớp nhân dân. Có một số nhà thuộc một số Hội, các tôn giáo và ngoại kiều. Phần lớn nhà cho thuê đã cũ, một số đã quá cũ kỹ nhưng chủ nhà vẫn cho thuê mà không chịu sửa chữa. Do đó nhà ngày càng hỏng thêm, thường xuyên đe doạ an toàn của những người ở trong nhà. Gần đây, để trốn tránh phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa, một số chủ nhà đã tìm mọi cách để phân tán nhà.

Việc dùng nhà còn nhiều chỗ không hợp lý. Nhiều chủ nhà ngoài diện tích cho thuê, còn giữ lại một diện tích quá rộng, trong khi đó có nhiều cơ quan, xí nghiệp và nhân dân lao động ở quá chật chội, sức lao động và sản xuất bị ảnh hưởng không tốt.

Trong chế độ cũ, giai cấp bóc lột đã dùng nhà cửa làm phương tiện bóc lột quần chúng lao động. Họ đã không từ một thủ đoạn xấu xa nào để bóp chẹt nhân dân lao động; nhiều người lao động phải rút một phần tiền lương đáng kể để trả tiền thuê nhà.

Từ khi hoà bình lập lại. Chính quyền ta đã có một số biện pháp để quản lý nhà và đã đạt được một số kết quả. Nhưng chúng ta chưa có chính sách quản lý nhà một cách toàn diện và cụ thể, do đó còn nhiều thiếu sót trong việc quản lý.

Để thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết lần thứ 14 của Trung ương, Ban bí thư quyết định tiến hành cải tạo những người có nhiều nhà cho thuê, đồng thời quản lý toàn bộ nhà cho thuê ở thành phố và thị xã nhằm đạt mục đích, yêu cầu như sau:

Thống nhất và tăng cường việc quản lý của Nhà nước đối với nhà cửa, tư nhân cho thuê, hạn chế đi đến xoá bỏ sự bóc lột tư bản chủ nghĩa về việc cho thuê nhà.

Giải quyết tình trạng dùng nhà không hợp lý, thoả mãn một phần nhu cầu nhà của cơ quan Nhà nước và của nhân dân, đồng thời xây dựng quan hệ tốt về việc thuê mướn nhà.

Tăng cường việc bảo quản và sửa chữa nhà trong các thành phố, đảm bảo an toàn cho nhân dân, góp phần đảm bảo mỹ quan của thành phố.

Để thực hiện tốt mục đích yêu cầu trên, các cấp, các ngành cần nắm vững những phương châm chính sách sau đây:

- Bảo đảm phương châm hoà bình cải tạo, nhằm đạt yêu cầu tốt về chính trị và kinh tế. Về chính trị là vừa đoàn kết vừa đấu tranh đi đến đoàn kết thực sự; về kinh tế là góp phần đẩy mạnh sản xuất, mở rộng giao lưu, nhằm cải thiện đời sống nhân dân.

- Tuỳ theo thành phần giai cấp, thái độ chính trị, địa vị xã hội và sinh hoạt bình thường của chủ có nhà, thực hiện quản lý có phân biệt, có mức độ khác nhau.

Dựa vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lấy giáo dục thuyết phục chủ có nhà làm chính, làm cho họ tự nguyện chấp hành chính sách quản lý nhà cửa.

Chính phủ sẽ ban hành một số chính sách cụ thể về tiêu chuẩn, mức độ đối tượng cần cải tạo và thể thức quản lý nhà cho thuê nói chung,

các ngành và địa phương căn cứ vào đó mà thực hiện. Cần chú ý phân biệt những người có nhiều nhà cho thuê với người có một số ít nhà thừa cho thuê. Vấn đề cải tạo chủ có nhà cho thuê và quản lý nhà cho thuê ở thành thị có liên quan đến nhiều mặt chính sách khác. Cần được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng. Để giúp các cấp uỷ chỉ đạo cho tốt ở Trung ương và thành phố, thị trấn, cần có tổ chức để làm nhiệm vụ cải tạo chủ có nhà cho thuê và quản lý nhà cho thuê. Trong khi tiến hành cải tạo, cần phải có đại biểu các cơ quan, các ngành tham gia như: Sở hoặc Ty trước bạ, Toà án, Công an,

Thuế vụ, đại biểu Mặt trận, đại biểu Thanh niên và Phụ nữ.

Các cấp, các ngành có liên quan cần nghiên cứu kỹ chỉ thị này và dựa vào chính sách của Chính phủ để đặt kế hoạch cụ thể thực hiện cho tốt công tác này.

 

 

Lê Duy Trinh

(Đã ký)