Chỉ thị 32/2004/CT-UB về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2005 do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 32/2004/CT-UB |
Ngày ban hành | 23/12/2004 |
Ngày có hiệu lực | 23/12/2004 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thiện Nhân |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2004/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 12 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRONG MÙA KHÔ NĂM 2005
Thực hiện Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và Chỉ thị số 62/CT-BNN ngày 10 tháng 11 năm 2004 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2004-2005, để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, xã có rừng cần tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp như sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, xã có rừng thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và cần tập trung chỉ đạo việc củng cố duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo (21/TTg-12/TTg) cấp mình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, quán triệt phương châm: lấy phòng cháy là chính và thực hiện 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện các công việc sau:
- Khẩn trương xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2004 - 2005, kiểm tra các loại phương tiện kỹ thuật, củng cố lực lượng phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng cho lực lượng tại chỗ.
- Căn cứ vào đặc điểm của đơn vị mình để thực hiện những giải pháp chủ động phòng cháy phù hợp như: phát dọn và đốt thực bì có kiểm soát, cày đường băng cản lửa, bơm nước giữ ẩm thực bì …
- Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết trong khu vực (qua chương trình dự báo thời tiết và dự báo cháy rừng phát sóng sau bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam) để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
- Trong suốt những tháng mùa khô phải tổ chức người trực canh lửa rừng, trực chữa cháy 24/24 giờ trong ngày, tăng cường quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng, thường xuyên nhắc nhở công nhân sản xuất, khách tham quan du lịch thực hiện nghiêm nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cảnh giác nguy cơ cháy rừng.
- Đối với các hộ gia đình và đơn vị có rừng sản xuất (kể cả cây cao su, mía) phải đảm bảo điều kiện tối thiểu cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
- Trong mọi trường hợp xảy ra cháy rừng, đơn vị chủ rừng phải chủ động tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân xã, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, Chi cục Kiểm lâm để huy động lực lượng, phương tiện tổ chức phối hợp chữa cháy.
2. Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy rừng thành phố (Chi cục Kiểm lâm) phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn là thành viên Ban chỉ đạo (21/TTg-12/TTg) tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương có rừng và đơn vị chủ rừng; theo dõi nắm tình hình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có chỉ đạo kịp thời.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xây dựng phương án tổ chức phối hợp phòng cháy và chữa cháy rừng thành phố; cập nhật thông tin dự báo cháy rừng và thông báo đến các quận - huyện, để các địa phương có biện pháp chủ động phòng ngừa; tổ chức tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ phụ trách phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở; hướng dẫn giúp các quận-huyện, phường, xã có rừng, các đơn vị chủ rừng lập hồ sơ, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức diễn tập chữa cháy rừng; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện các chế độ, quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng đối với mọi cá nhân, tổ chức hoạt động trong rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoạt động trên địa bàn các quận, huyện có rừng lập kế hoạch tổ chức huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
5. Sở Tài chính kịp thời xét cấp kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đối với diện tích rừng phòng hộ của thành phố.
6. Chi cục Kiểm lâm phối hợp các cơ quan báo, đài của Trung ương và thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân trong việc quản lý, sử dụng lửa và chất cháy trong rừng, chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.
7. Các đơn vị Quân đội, các trường, trại thuộc lực lượng Thanh niên xung phong đóng quân trong khu vực có rừng cần thường xuyên tổ chức quán triệt cho cán bộ chiến sĩ, học viên về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, gắn công tác phòng chống cháy nổ với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nêu cao tinh thần cảnh giác khi sử dụng lửa trong sinh hoạt, thường xuyên diễn tập, tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng tại nơi đóng quân.
8. Thực hiện chế độ báo cáo:
Ngày thứ hai hàng tuần, các đơn vị chủ rừng, Ủy ban nhân dân các xã có rừng báo cáo nhanh tình hình phòng cháy chữa cháy rừng về Chi cục Kiểm lâm để theo dõi, tổng hợp tình hình báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thông tin báo cháy rừng gọi số (Điện thoại: 114), Chi cục Kiểm lâm (điện thoại 8. 556 274).
- Địa chỉ cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo (21/TTg-12/TTg) thành phố (Chi cục Kiểm lâm) số 01 Đỗ Ngọc Thạnh, phường 14, quận 5 (điện thoại số 8.556 274 - 8.592 620; Fax: 8.592 620).
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, xã có rừng trên địa bàn thành phố chỉ đạo thực hiện tốt những biện pháp trên, quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, góp phần tạo sự ổn định và phát triển vốn rừng của thành phố./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ |