Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2011 tăng cường quản lý nhà nước về công tác đầu tư, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 20/CT-UBND
Ngày ban hành 01/08/2011
Ngày có hiệu lực 01/08/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Dương Anh Điền
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 01 tháng 8 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG, AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Trong những năm qua, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã phát triển nhanh về số lượng, góp phần giải quyết việc làm, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội thành phố. Trong đó, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy.

Trong khi đó công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy vẫn còn tồn tại một số bất cập, đặc biệt là sự phối, kết hợp chưa chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện dẫn đến chậm phát hiện, xử lý vi phạm, để xảy ra sự cố tai nạn lao động, cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy và hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn lao động, cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản và thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Về việc thành lập Đoàn kiểm tra các cấp:

1.1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội và và các quận huyện, đơn vị liên quan:

- Thành lập ngay Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố với nhiệm vụ kiểm tra các công tác liên quan đến: Giấy phép kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép xây dựng, quy hoạch, quá trình đầu tư xây dựng công trình, an toàn - vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy; trước hết, tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao, sử dụng nhiều lao động, nằm trong các khu đô thị, dân cư tập trung; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

- Kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chấp hành đầy đủ quy định pháp luật phòng cháy và chữa cháy như: phương án, biện pháp PCCC, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, nội quy PCCC, tiêu lệnh PCCC, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất cho PCCC; bố trí sắp xếp máy móc, thiết bị trong nhà xưởng, bố trí cửa thoát hiểm; hệ thống thông hơi, thông gió và huấn luyện nghiệp vụ PCCC...

- Kiểm tra các quy định về: biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, phương pháp vận hành an toàn và quy trình xử lý sự cố; bố trí cán bộ làm công tác an toàn lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; quản lý và kiểm định, đăng ký máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hợp đồng lao động; các quy định tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

1.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng:

Thành lập ngay Đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận, huyện (nội dung, nhiệm vụ tương tự như Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố) kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân sản xuất tại gia đình, các chợ dân sinh do quận, huyện quản lý theo phân cấp; đặc biệt lưu ý: kiểm tra các địa điểm nằm xen kẽ trong khu dân cư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ gây cháy, nổ, ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh không phép (lưu ý, phối hợp với Sở Công Thương để tránh kiểm tra chồng chéo).

1.3. Xử lý các trường hợp vi phạm:

- Trong quá trình kiểm tra các Đoàn kiểm tra hướng dẫn, chấn chỉnh việc thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và đình chỉ ngay hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân không đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; đề xuất thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định; tháo dỡ toàn bộ các công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép.

- Các đối tượng bị Đoàn kiểm tra quyết định tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục vi phạm chỉ hoạt động trở lại khi đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện an toàn lao động, an toàn về PCCC được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

2. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống cháy nổ; kiểm tra an ninh trật tự đối với các cơ sở sản xuất, gia công có yếu tố nước ngoài, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng đầu tư sản xuất có vốn nước ngoài trái phép theo quy định pháp luật.

3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật về lao động, an toàn - vệ sinh lao động, cấp phép lao động cho người nước ngoài tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

4. Sở Xây dựng:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ, tháo dỡ các công trình xây dựng nhà xưởng sản xuất trái phép, không đúng quy hoạch, xử lý nghiêm theo quy định.

- Rà soát, kiểm tra việc cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình sản xuất kinh doanh xen lẫn các khu dân cư; việc cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng phải đúng quy định đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho môi trường xung quanh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng quy chế cung cấp thông tin liên quan đến thành lập doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư cho các sở, ngành, địa phương có liên quan để theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động.

6. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có trách nhiệm:

- Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, đầu tư xây dựng công trình, an ninh trật tự, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho chủ lao động và người lao động.

- Thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất cho mục đích PCCC; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án PCCC.

- Chịu trách nhiệm kiểm tra về điều kiện an toàn - vệ sinh lao động của các cơ sở sản xuất, cá nhân nhận gia công sản phẩm cho đơn vị mình; thông báo cho chính quyền địa phương về các cơ sở, cá nhân nhận gia công sản phẩm để giám sát, quản lý theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp giao kết hợp đồng gia công với các đơn vị, cá nhân không đủ điều kiện an toàn - vệ sinh lao động.

- Kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương các đơn vị, cá nhân bị hủy hợp đồng gia công do không đủ điều kiện an toàn cho sản xuất kinh doanh.

7. Tổ chức thực hiện:

[...]