Chỉ thị 19/CT-UBND về tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 do tỉnh Tiền Giang ban hành
Số hiệu | 19/CT-UBND |
Ngày ban hành | 17/05/2007 |
Ngày có hiệu lực | 17/05/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Trần Thanh Trung |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:19/CT-UBND |
Mỹ Tho, ngày 17 tháng 5 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔNG ĐIỀU TRA CÁC CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2007
Ngày 15/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg về Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007. Đây là cuộc Tổng điều tra định kỳ 5 năm một lần do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhằm thu thập thông tin toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội và sự phân bố các đơn vị cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp đang hoạt động trên cả nước và theo từng tỉnh, thành phố, quận, huyện; làm mốc so sánh, đánh giá, kiểm điểm giữa kỳ một số chỉ tiêu quan trọng trong phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính; đồng thời có số liệu cơ bản để làm mẫu cho các cuộc điều tra chọn mẫu thống kê hàng năm.
Để thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Quán triệt thông suốt, tuyên truyền rộng rãi trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của cuộc Tổng điều tra. Trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị và những người trực tiếp tham gia tổ chức Tổng điều tra cần nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện tốt quy định của Luật Thống kê, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, huyện, thành phố, thị xã trong quá trình chuẩn bị, triển khai Tổng điều tra; chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc thực hiện cuộc Tổng điều tra theo phương án điều tra của Ban Chỉ đạo Trung ương và kế hoạch điều tra của Ban Chỉ đạo tỉnh.
2. Trách nhiệm của các đối tượng điều tra: nghiêm túc chấp hành và thực hiện việc cung cấp thông tin, trả lời các câu hỏi, ghi thông tin vào phiếu điều tra của đơn vị mình theo yêu cầu trong Tổng điều tra.
Cuộc điều tra này liên quan đến toàn bộ các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, hiệp hội, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ sở hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể… hoạt động trong các ngành (trừ ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản); vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị nói trên cần phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp trong việc chỉ đạo và cung cấp đầy đủ thông tin cho điều tra viên theo yêu cầu của Tổng điều tra.
3. Thời gian điều tra tại cơ sở từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 và kết thúc sau 30 ngày.
Số liệu thu thập từ Tổng điều tra gồm có: số lượng cơ sở phân theo loại hình tổ chức, ngành kinh tế, số lượng lao động phân theo giới tính, trình độ, kết quả hoạt động của các cơ sở; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin…
Các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm tổ chức Tổng điều tra trên địa bàn, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu kết quả điều tra các xã, phường, thị trấn và bàn giao tài liệu điều tra về Ban Chỉ đạo tỉnh vào đầu tháng 8 năm 2007.
Nguồn kinh phí thực hiện Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương.
4. Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra rất quan trọng, vì vậy Ban Chỉ đạo các cấp cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể về các bước tiến hành, chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn huy động, tuyển chọn lực lượng tổ trưởng, điều tra viên hội đủ tiêu chuẩn như trình độ văn hóa nhất định, sức khỏe, năng động, nhiệt tình, kỹ năng phỏng vấn, có khả năng vận động thuyết phục để đối tượng điều tra cung cấp thông tin và có tinh thần trách nhiệm, nhằm đảm bảo thực hiện Tổng điều tra đạt chất lượng cao.
5. Trong thời gian tiến hành cuộc Tổng điều tra, đề nghị Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và các đối tượng điều tra hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia thực hiện Tổng điều tra.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các thành viên thực hiện tốt và tuyên truyền cho các cơ sở tôn giáo việc Tổng điều tra năm 2007 của Chính phủ và tạo điều kiện cho việc thu thập thông tin theo yêu cầu của Tổng điều tra.
6. Thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn nội dung, phương pháp và kế hoạch giám sát, kiểm tra, tập hợp kết quả Tổng điều tra báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương theo quy định. Trong thời gian tổ chức Tổng điều tra, có khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.
Chỉ thị này được triển khai đến các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, tôn giáo và nhân dân trong tỉnh để thực hiện.
|
KT. CHỦ TỊCH ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH |