Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2024 thực hiện giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kéo giảm bền vững tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 29/07/2024
Ngày có hiệu lực 29/07/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Lại Văn Hoàn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Thái Bình, ngày 29 tháng 7 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ KÉO GIẢM BỀN VỮNG TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường đã góp phần thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của các tầng lớp Nhân dân. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp với lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày càng chủ động, chặt chẽ, đồng bộ...; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng và nâng cấp; công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu lực, hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, số vụ tai nạn giao thông đường bộ chưa thực sự được kiềm chế bền vững; năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 546 vụ tai nạn giao thông, làm chết 304 người, bị thương 314 người. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; cùng với đó, vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn xảy ra thường xuyên, liên tục, đặc biệt là các vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như: sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khi lái xe; không chấp hành biển báo, tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, không chú ý quan sát; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thùng xe...

Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số đơn vị, địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu, rộng; công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa phát huy hiệu quả, nhất là đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Một số nơi chưa thực sự tích cực vào cuộc để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường còn diễn biến phức tạp.

Để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững trong cả 03 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

I. Nhiệm vụ chung

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện của Trung ương, của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm là: Chương trình hành động số 04/CTHĐ-UBND ngày 23/10/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ, Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 25/8/2023 của Tỉnh ủy Thái Bình về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 16/5/2023 thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 15/01/2024 về việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 31/5/2024 về việc xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức tự rà soát, đánh giá hiệu quả, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của địa phương, đơn vị; trên cơ sở đó, tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh toàn diện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm.

3. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, lái xe...nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và địa phương.

4. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đưa nội dung thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là tiêu chí chính trong công tác bình xét thi đua giữa các cơ quan, đơn vị; bổ sung vào nội dung xét duyệt nông thôn mới nâng cao đối với các địa phương cũng như xét duyệt cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh, trật tự hằng năm.

5. Quán triệt 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan đoàn thể của tỉnh tuyệt đối tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia, chất có cồn; đồng thời, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới toàn thể người lao động. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp hoặc tiếp nhận can thiệp trong việc kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.

6. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ 6 tháng (trước ngày 30/6) và hằng năm (trước ngày 31/12) tổ chức báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này, những tồn tại, hạn chế gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

II. Nhiệm vụ cụ thể

1. Công an tỉnh:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông theo hướng hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến cơ bản nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người tham gia giao thông; tích cực vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tham gia tố giác, phản ánh những hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

- Thường xuyên khảo sát, đánh giá các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh để phát hiện "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông, những bất cập hạ tầng giao thông để kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông; đối với các trường hợp kiến nghị nhiều lần không được khắc phục, tiếp tục để xảy ra tai nạn giao thông diễn biến phức tạp phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường khảo sát, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành trật tự, an toàn giao thông; mở rộng hệ thống camera giám sát thông minh tại các điểm, tuyến đường trọng yếu, thường xuyên xảy ra tai nạn, vi phạm giao thông phức tạp nhằm phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; từng bước hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề về kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an; trong đó thực hiện thường xuyên, liên tục các chuyên đề như: xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; tốc độ; xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về thay đổi kích thước thùng xe tải, chở hàng quá trọng tải; chở khách quá số người quy định; vi phạm quá vạch dấu mớn nước an toàn; triển khai các đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh...

- Chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông; ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông phải xác định, làm rõ nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ trong từng vụ tai nạn giao thông nhằm phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý tai nạn giao thông chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật. Qua công tác điều tra kịp thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp khắc phục các nguyên nhân, hạn chế, bất cập nhằm kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông; kịp thời điều tra, xử lý các vụ phá hoại, trộm cắp trang thiết bị công trình giao thông.

- Tăng cường huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát khép kín tuyến, địa bàn nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, triệt để các lỗi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; đặc biệt tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, vượt sai quy định, chở quá trọng tải, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm; xe hết niên hạn sử dụng để vận chuyển hàng hóa và tham gia giao thông; phương tiện thủy nội địa không có đăng ký, đăng kiểm...; chấm dứt tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh; kiên quyết không để xảy ra trường hợp các phương tiện quá khổ, quá tải của các địa phương khác di chuyển qua địa bàn tỉnh không được phát hiện, xử lý. Đối với những cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gửi thông báo hành vi vi phạm đến cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm để có biện pháp xử lý, kỷ luật theo quy định.

-Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong lĩnh vực giao thông (giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng kiểm, đăng ký phương tiện, phù hiệu, tem kiểm định an toàn kỹ thuật...) đồng thời tiến hành xác minh, điều tra mở rộng làm rõ các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý để xảy ra các tình trạng vi phạm về trật tự, an toàn giao thông nêu trên.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm đối với các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra các chuyên đề lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đối với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông, các bất hợp lý về hạ tầng giao thông (đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, đường gom giao cắt...) để khắc phục ngay hoặc đề xuất phương án xử lý nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Nâng cao chất lượng công tác phối hợp thẩm định và thẩm định các dự án, công trình hạ tầng giao thông và các công trình có liên quan đến kết nối giao thông; chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông phải có phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.

- Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát, xử lý tải trọng xe ngay từ các bến bãi vật liệu, nơi tập kết hàng hóa; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm định chất lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

[...]