Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 03/10/2023
Ngày có hiệu lực 03/10/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Anh Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Nam Định, ngày 03 tháng 10 năm 2023

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM TRA VÀ CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; các cấp chính quyền đã nâng cao vai trò, trách nhiệm và phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương; công tác cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản ngày càng được tăng cường; các tổ chức được cấp phép hoạt động khoáng sản cơ bản đã chấp hành quy định pháp luật… Qua đó, đưa công tác phối hợp, quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, góp phần hạn chế thất thoát tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh trật tự, không để xảy ra các vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản quy mô lớn, kéo dài.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương có lúc chưa chặt chẽ; quá trình khai thác khoáng sản của một số tổ chức chưa chấp hành đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan; còn có các điểm mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định; tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; việc tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để…

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra và chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đảm bảo thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền các quy định của pháp luật về khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, của tỉnh liên quan đến quản lý, khai thác và bảo vệ khoáng sản như: Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 14/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định; Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 02/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định; Quyết định số 1275/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Nam Định…

2. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn (đặc biệt là đất, cát tại lòng sông, khu vực cửa sông, ven biển); xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, liên tục của địa phương các cấp và của các sở, ngành liên quan.

3. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và của người dân; phối hợp, phản ánh thông tin chính xác, kịp thời về tình hình khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là đối với các hành vi: khai thác không đúng vị trí, không đúng tọa độ, độ sâu, khai thác vượt công suất cho phép; các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến cảnh quan môi trường; các trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ; buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép…; đồng thời tổ chức ra quân thực hiện việc xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn (đặc biệt là đất, cát); rà soát, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thủ tục đóng cửa mỏ đối với các mỏ khoáng sản đã hết hiệu lực giấy phép khai thác theo quy định.

5. Kịp thời ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản đất, cát tại lòng sông, khu vực cửa sông, ven biển.

6. Rà soát, tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm và kiên quyết thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chậm triển khai, vi phạm tiến độ đầu tư; các mỏ khoáng sản đã được phê duyệt trữ lượng nhưng chậm triển khai các bước tiếp theo; các mỏ khoáng sản không tổ chức khai thác, không nộp hoặc nộp nhưng không đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

7. Trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương

7.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, tác động lớn đến môi trường xung quanh, gây sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường; kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiên quyết đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

- Đôn đốc, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động khoáng sản; thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường, thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường; lập đề án và tổ chức thực hiện đề án đóng cửa mỏ đảm bảo theo đúng quy định; yêu cầu dừng khai thác, thu hồi giấy phép để thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định và không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; phối hợp với các sở, ngành thực hiện đảm bảo Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình, tỉnh Ninh Bình.

7.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng, phạm vi bảo vệ đê điều; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, tập kết vật liệu vi phạm các quy định về Luật Đê điều, Luật Lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng…

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, đánh giá và lựa chọn công nghệ, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong hồ sơ dự án đầu tư khai thác.

7.3. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng).

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, an toàn vệ sinh lao động trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng).

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh khoáng sản; các điểm khai thác, chế biến, tập kết, mua bán, vận chuyển khoáng sản nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh khoáng sản trái phép.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, đánh giá và lựa chọn công nghệ, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong hồ sơ dự án đầu tư khai thác.

7.4. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác rà soát, thống kê và dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu cho xây dựng, san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tránh lãng phí tài nguyên và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

[...]