Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2019 về tăng cường biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 05/09/2019
Ngày có hiệu lực 05/09/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Thanh Liêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Bình Dương, ngày 05 tháng 9 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CHÓ NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại;

Căn cứ Chỉ thị số 3402/CT-BNN-TY ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại động vật;

Trong năm 2018, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 15.000 lượt người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng. Ngoài ra còn có đơn thư khiếu nại về việc nuôi chó gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn đã gây bức xúc trong khu dân cư. Việc quản lý chó nuôi không tốt gây phóng uế làm mất vệ sinh, mất vẻ mỹ quan nơi công cộng đã được phản ảnh trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương.

Nguyên nhân chính là do: (1) công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm, nhất là việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó trong quá trình nuôi nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; (2) người nuôi chó chưa nắm bắt, cập nhật thông tin về tác hại nghiêm trọng của việc thả rông chó; (3) chưa thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành các quy định hiện hành như nuôi chó thả rông trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường, không tiêm phòng vc xin bệnh Dại theo quy định.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên nhằm làm giảm thiểu thấp nhất những tác hại do chó nuôi thả rông gây ra và quản lý tốt đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu tập trung thực hiện những nội dung chính sau đây:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Thủ Dầu Một

Chỉ đạo việc rà soát, thống kê số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin bệnh Dại trên đàn chó; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nuôi nhốt tránh tình trạng thả rông.

Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân có nuôi chó hiểu rõ tác hại của việc nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không có xích cổ và không người dẫn dắt chó khi đi ra ngoài; bằng nhiều phương thức để người nuôi chó phải hiểu biết các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động nuôi chó và thực hiện nghiêm túc nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chó nuôi.

Tăng cường áp dụng biện pháp chế tài các trường hợp nuôi chó thả rông trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng, để chó nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác, quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, để chó nuôi phóng uế nơi công cộng, nuôi chó gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư, chó bị chết không xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường xử lý theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP; Trường hợp không chấp hành lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh, không tiêm phòng vắc-xin bệnh Dại, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì xử lý theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP; Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nêu trên.

Ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp các ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hp với thực tế của từng địa phương nhằm đạt kết quả cao nhất; Người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để thuận lợi trong việc rà soát, thống kê đàn chó nuôi định kỳ hàng năm; phối hp ngành chức năng tổ chức thông tin tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực quản lý chó nuôi và các giải pháp quản lý chó nuôi để người dân hiểu rõ và thực hiện.

Chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương và các cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường kiểm tra, triển khai thực hiện các văn bản, Chỉ thị có liên quan về quản lý chó nuôi; yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quá trình nuôi chó theo quy định hiện hành. Xét thấy cần thiết nên nghiên cứu hỗ trợ các địa phương biện pháp tổ chức bắt chó thả rông và xử lý.

Chỉ đạo ngành Thú y tổ chức xây dựng vùng an toàn bệnh Dại nhất là khu vực thành phố Thủ Dầu Một và các thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến cát.

Làm đầu mối theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị ngành, địa phương và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này.

3. Sở Y tế

Phối hp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát, phát hiện, hướng dẫn và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bị chó cắn; công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc bị chó cắn. Mọi trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Giáo dục và Đào to

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế xây dựng các nội dung truyền thông và chỉ đạo truyền thông về công tác phòng, chống bệnh Dại trong trường học,

5. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ dự toán do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tổng hợp và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

6. Sở Thông tin truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương, Báo Bình Dương

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh trên địa bàn tỉnh tích cực thông tin về công tác quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc thả rông chó nuôi gây ra cho cộng đồng và môi trường; về việc thực hiện cam kết quản lý chó nuôi, tầm quan trọng và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật; thông báo địa chỉ của các cơ sở y tế trên địa bàn để người dân được điều trị dự phòng kịp thời, đồng thời, cập nhật thông tin liên quan đến việc thực thi nuôi và quản lý chó nuôi một cách an toàn.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể

Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình thực hiện tốt cam kết quản lý chó nuôi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan phối hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này./.

[...]