Chỉ thị 18/2012/CT-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu | 18/2012/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/06/2012 |
Ngày có hiệu lực | 30/06/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Thuận |
Người ký | Đỗ Hữu Nghị |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2012/CT-UBND |
Ninh Thuận, ngày 20 tháng 6 năm 2012 |
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận); thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận và kết quả đạt được trong những năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận một số loại đất còn chậm, nhất là đất chuyên dùng và đất ở đô thị; lượng giấy chứng nhận đã ký chưa trao cho người được cấp ở một số địa phương vẫn còn tồn đọng; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thủ tục cấp giấy chứng nhận ở một số địa phương chậm được cải cách, còn phiền hà, phức tạp, vượt quá thời gian quy định; việc đầu tư kinh phí đo đạc và đăng ký, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn ít, địa bàn triển khai dàn trải nên việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận thực hiện chậm, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa thật sự được coi trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện; hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, nhất là ở cấp huyện còn hạn chế năng lực do thiếu cán bộ và các điều kiện làm việc cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ được giao; một số quy định về nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận chưa phù hợp thực tế; tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận chưa giảm, gây nhiều bức xúc trong dư luận; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật xây dựng còn phổ biến; ý thức chấp hành pháp luật trong việc đăng ký đất đai của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất chưa nghiêm.
Xuất phát từ tình hình trên và để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:
1. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp
a) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16/2011/CT-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư; Chỉ thị số 01/CT-BTNMT ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phải thống nhất khắc phục sự chồng chéo và thiếu đồng bộ; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải kết nối chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch xây dựng;
b) Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 các cấp để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các chỉ tiêu được phân bổ; thể hiện đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, trong đó chú trọng đất lâm nghiệp, đất các cơ quan hành chính sự nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành tổ chức đoàn công tác trực tiếp xuống các huyện, thành phố để chỉ đạo công tác cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức theo thẩm quyền;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập bản đồ địa chính của các đơn vị quản lý đất lâm nghiệp; lập báo cáo rà soát sử dụng đất của các đơn vị. Báo cáo cần thể hiện rõ các nội dung sau: diện tích quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt; diện tích bàn giao về địa phương quản lý hoặc giao, cho thuê cho các đối tượng khác theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích sử dụng không hiệu quả sẽ thu hồi giao cho đối tượng khác sử dụng vào mục đích khác. Liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để lập thủ tục cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian thực hiện trước quý III năm 2012;
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp tổ chức thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Thống kê danh sách và yêu cầu các tổ chức đang sử dụng đất trên địa bàn do mình quản lý (trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, Trạm Y tế xã, Phòng Y tế, Đội quản lý thị trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, …) thực hiện đo đạc, kê khai, lập báo cáo rà soát quá trình sử dụng đất để tổng hợp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ giao, thuê đất, cấp giấy chứng nhận. Thời gian thực hiện trước ngày 15 tháng 7 năm 2012.
- Rà soát diện tích, số hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận, diện tích, số hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất cần phải cấp đổi giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính để đẩy nhanh tiến độ cấp mới và cấp đổi giấy chứng nhận.
- Kiểm tra, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình đình, cá nhân theo đúng thời gian quy định.
- Tiếp tục rà soát cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất;
d) Thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất cho các đối tượng theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất;
đ) Kết hợp việc cấp giấy chứng nhận với việc hiện đại hoá hệ thống hồ sơ địa chính; thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
a) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn thiện điều chỉnh dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai định hướng đến 2015 tỉnh Ninh Thuận, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trước mắt cần tập trung chỉ đạo công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các xã Phước Đại, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Trung thuộc huyện Bác Ái; các xã Lâm Sơn, Lương Sơn thuộc huyện Ninh Sơn.
Triển khai xây dựng, thực hiện dự án thiết kế kỹ thuật dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hoàn chỉnh, hiện đại hoá theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm mẫu triển khai trên diện rộng trong những năm tới.
Xây dựng kế hoạch, dự toán triển khai công tác đo đạc lập bản đồ địa chính cho các huyện, thành phố từ năm 2012 trở đi, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở bố trí vốn để đo đạc lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí đủ kinh phí theo quy định từ ngân sách địa phương để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí kinh phí hằng năm cho việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính.
4. Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trường hợp tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, ngoài xử lý vi phạm hành chính còn phải báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đất theo quy định;
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.