Chỉ thị 18/2012/CT-UBND tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC và củng cố tổ chức hội làm vườn từ tỉnh đến cơ sở do tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu | 18/2012/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/06/2012 |
Ngày có hiệu lực | 08/07/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Đinh Viết Hồng |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2012/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 28 tháng 6 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VAC VÀ CỦNG CỐ TỔ CHỨC HỘI LÀM VƯỜN TỪ TỈNH ĐẾN CƠ SỞ
Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TU ngày 17/3/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, cùng với sự phát triển của Hội Làm vườn các cấp - tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động kinh tế - kỹ thuật, mang đậm tính đặc thù cao, kinh tế VAC, trang trại VAC được phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do sự đa dạng, tính bền vững và hiệu quả cao của các loại hình kinh tế VAC nên hầu hết các địa phương, các hộ nông dân đều chọn mô hình VAC làm mô hình phát triển kinh tế hộ. Hiện nay, ước tính kinh tế VAC chiếm tỷ trọng 60 - 70%, có nơi tới 75 - 80% tổng thu nhập kinh tế hộ, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phong trào phát triển các loại hình kinh tế VAC, VAC dinh dưỡng chưa mạnh và bền vững; hiệu quả kinh tế VAC chưa tương xứng với tiền năng hiện có của các địa phương, hoạt động của tổ chức Hội các cấp nhất là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là sự hạn chế về nhận thức và công tác chỉ đạo thực hiện.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế VAC, VAC dinh dưỡng và củng cố tổ chức Hội làm vườn các cấp; Đề án số 11/DA/TU của Tỉnh ủy về phát triển tổ chức, hoạt động và quản lý Hội xã hội nghề nghiệp, giai đoạn 2012 - 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc các Sở, ban ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau đây:
1. Đối với việc phát triển các loại hình kinh tế VAC
Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các Sở, ban, ngành cấp tỉnh cần xem phát triển các loại mô hình VAC là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cần gắn việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với phát triển các loại hình kinh tế VAC giai đoạn 2012 - 2020 và những năm tiếp theo; ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi đất nông nghiệp có năng suất, hiệu quả thấp sang phát triển kinh tế VAC và trang trại VAC, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi; phát triển trang trại trồng rau màu, cây ăn quả, sinh vật cảnh, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, tiểu gia súc, gia cầm gắn với phát triển Biogas, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với sản xuất hàng hóa quy mô hộ gia đình, nhằm làm cho kinh tế VAC trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa quan trọng của địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT- XH của tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT có cơ chế giao Hội Làm vườn tỉnh tham gia thực hiện chương trình khuyến nông, các dự án phát triển và đào tạo nghề VAC, đồng thời phối hợp Hội Làm vườn tỉnh chỉ đạo, thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế VAC trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Tăng cường phát triển VAC dinh dưỡng
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TU ngày 17/3/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giao Sở Y tế phối hợp Hội Làm vườn, Hội Đông y hàng năm có kế hoạch, chương trình tuyên truyền, tập huấn, tham gia chỉ đạo phát triển mô hình VAC dinh dưỡng và sử dụng các vườn thuốc nam trong các trạm y tế xã, trong VAC dinh dưỡng của hộ gia đình phù hợp điều kiện thực tế của các địa phương.
UBND các huyện, thành, thị cần tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế VAC, VAC dinh dưỡng cấp huyện để đôn đốc, kiểm tra việc chỉ đạo phát triển kinh tế VAC, VAC dinh dưỡng trên địa bàn.
3. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới và dịch vụ kỹ thuật phát triển kinh tế VAC và VAC dinh dưỡng
Giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Hội Làm vườn tỉnh và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ làm VAC vào thực tiễn, nhất là công nghệ điều tiết sinh trưởng, ra hoa trái vụ đối với các loại cây ăn quả; công nghệ sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi phù hợp; công nghệ chống xói mòn, bảo vệ đất và nguồn nước trong canh tác; công nghệ chế biến bảo quản nông sản… theo tiêu chuẩn VietGAP; công nghệ Biogas để xử lý chất thải, tận dụng có hiệu quả phế phụ phẩm trong sản xuất VAC nói riêng, nông nghiệp nói chung để sản xuất năng lượng xanh (sạch) và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động dịch vụ kỹ thuật nghề vườn nhằm tạo thuận lợi cho người dân có điều kiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong phát triển các loại hình VAC.
4. Đối với việc củng cố tổ chức hội làm vườn
a) Đối với Hội làm vườn cấp huyện, xã, thị trấn: UBND các cấp (huyện, xã, thị trấn) có trách nhiệm định hướng hoạt động, giao việc, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho Hội làm vườn các cấp, tạo điều kiện để các cấp Hội hoạt động tốt hơn, xây dựng mỗi Chi hội làm vườn thành một Câu lạc bộ Khuyến nông VAC (Khuyến viên), tham gia thực hiện các dự án phát triển các loại hình kinh tế VAC, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn theo khả năng, năng lực của hội.
b) Đối với Hội làm vườn tỉnh
Củng cố tổ chức Hội làm vườn từ tỉnh đến cơ sở theo tiêu chuẩn “Bốn có và năm tốt”, có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao, làm nòng cốt trong phong trào phát triển các loại mô hình kinh tế VAC của tỉnh.
Chỉ đạo, xây dựng Câu lạc bộ khuyến nông VAC, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề phát triển kinh tế VAC, VAC trang trại cho hội viên; phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành có liên quan để phổ biến các chính sách, các văn bản pháp luật có liên quan đến phát triển các loại hình kinh tế VAC và chính sách về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
5. Các Sở, ngành, cơ quan có liên quan
a) Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành có liên quan tham mưu các chính sách cụ thể về khuyến khích đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển các loại hình kinh tế VAC, VAC trang trại; phối hợp Hội Làm vườn và các hội thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT để được tham gia, góp ý xây dựng chính sách trước khi trình UBND tỉnh ban hành.
b) Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An: Cần tăng cường tuyên truyền, đưa tin các điển hình, các địa phương, những tấm gương tiêu biểu trong phát triển các loại hình kinh tế VAC, VAC dinh dưỡng.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành, thị xã, Hội Làm vườn tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kịp thời, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển các loại hình kinh tế VAC theo hướng sản xuất hàng hóa, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |